Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động
(Quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đã được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ)
1. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ
Người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ trong thời gian từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022 được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
- Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.
- Phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động (những trường hợp được coi là thay đổi cơ cấu, công nghệ: Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động; thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm).
- Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với doanh thu cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020.
- Có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
2. Mức, thời gian hỗ trợ và phương thức chi trả
- Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề: Tối đa 1.500.000 đồng/người lao động/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học.
- Thời gian hỗ trợ: Tối đa 06 tháng.
- Phương thức chi trả: Chi trả trực tiếp cho người sử dụng lao động theo phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề được phê duyệt.
3. Trình tự, thủ tục thực hiện
Bước 1: Người sử dụng lao động đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) nơi đang tham gia BHXH xác nhận về việc đóng đủ BHTN.
Bước 2: Người sử dụng lao động gửi hồ sơ đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính hoặc nơi người sử dụng lao động đăng ký tham gia BHXH cho người lao động.
(Hồ sơ gồm có: Văn bản đề nghị hỗ trợ và kê khai về doanh thu; văn bản về việc thay đổi cơ cấu, công nghệ; phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động; xác nhận của cơ quan BHXH).
Bước 3: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định việc hỗ trợ.
Bước 4: Cơ quan BHXH cấp tỉnh chuyển một lần toàn bộ kinh phí hỗ trợ cho người sử dụng lao động.
Bước 5: Người sử dụng lao động chuyển kinh phí cho cơ sở thực hiện việc đào tạo theo phương án được duyệt.
Bước 6: Người sử dụng lao động hoàn thành việc thanh quyết toán kinh phí và báo cáo kết quả về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Doanh nghiệp, đơn vị liên hệ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam để được hướng dẫn cụ thể (điện thoại: 0235.3812386; 0903541910). Các văn bản quy định và hệ thống biểu mẫu được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở, tại địa chỉ https://sldtbxh.quangnam.gov.vn, mục văn bản chuyên ngành.