Khảo sát người lao động về từ các tỉnh, thành phía Nam: Chậm trễ, không đầy đủ
Mục đích từ đầu của tỉnh trong việc giao các sở, ngành, địa phương khảo sát lập phương án hỗ trợ người lao động (LĐ) về từ các tỉnh, thành phố có dịch bệnh phức tạp nhằm sớm ổn định cuộc sống nhân dân. Thế nhưng, nhiều địa phương chậm trễ báo cáo, thống kê không đầy đủ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đã phê bình tình trạng này ngay trong cuộc họp trực tuyến vào sáng 14.10.
Chậm thực hiện
Ngay từ đầu cuộc họp trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn khẳng định, việc khảo sát nhu cầu của LĐ trở về từ các tỉnh, thành phố có dịch bệnh, nhiều địa phương thực hiện quá chậm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu các địa phương phải chú trọng nhiệm vụ này, bởi đây là vấn đề an sinh xã hội, địa phương nào lơ là phải chịu trách nhiệm. Tỉnh giao đến ngày 15.9 phải báo cáo nhu cầu LĐ, thế nhưng nhiều địa phương không thực hiện đúng yêu cầu.
Theo tổng hợp của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh đã có hơn 10 nghìn người trở về từ các tỉnh, thành phố có dịch bệnh. Có 17/18 địa phương báo cáo về Sở LĐ-TB&XH nhu cầu của LĐ nhưng trong đó vẫn còn nhiều địa phương thống kê chưa đầy đủ.
Huyện Phú Ninh chưa có báo cáo, các huyện Tây Giang, Phước Sơn, Đông Giang đã khảo sát nhưng LĐ không có nhu cầu. Núi Thành có báo cáo nhưng không phân rã nhu cầu.
Theo Sở LĐ-TB&XH, nhu cầu có việc làm so với nhu cầu tuyển dụng quá thấp. Cụ thể, nhu cầu việc làm chỉ có 775 LĐ (tự tạo việc làm là 315 LĐ, tìm việc tại doanh nghiệp là 460 người), nhu cầu học nghề chỉ có 300 người, nhu cầu vay vốn là 245 người.
Trong khi đó, nhu cầu việc làm của 100 doanh nghiệp đã được Sở LĐ-TB&XH khảo sát là 16.828 vị trí việc làm, ở nhiều trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề, LĐ phổ thông.
Linh hoạt hỗ trợ
Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, sở tham mưu UBND tỉnh văn bản chỉ đạo các địa phương chứ không thể xây dựng phương án vào thời điểm này vì nhu cầu quá thấp.
Nhu cầu học nghề chỉ 300 người, ở nhiều ngành nghề, trong đó có cả ngành nghề chưa có trong danh mục đào tạo của tỉnh. Vì vậy, tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp các huyện mở lớp đào tạo nghề lưu động ở các địa phương để hỗ trợ học nghề hiệu quả hơn.
Hiện nay, đào tạo nghề theo Quyết định 46/2015 của Chính phủ và Quyết định 38/2014 của UBND tỉnh quy định mã ngành nghề và kinh phí đào tạo theo nhóm ngành nghề. Áp dụng 2 quy định này để đào tạo nghề cho người có nhu cầu.
Người có nhu cầu việc làm thì Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với địa phương tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung cầu lao động, phiên giao dịch ở huyện, sàn giao dịch online. Đầu tháng 10 đến nay đã tổ chức các phiên ở Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, Nam Giang, ưu tiên tiếp nhận và giải quyết việc làm cho người LĐ trở về do dịch bệnh.
Nhu cầu vay vốn tạo việc làm chỉ có 245 người có nhu cầu, có thể áp dụng cho vay vốn tạo việc làm theo các quy định hiện có, do Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các huyện thực hiện; đề xuất UBND tỉnh cho phép điều chỉnh cho vay đi làm việc ở nước ngoài hơn 8,4 tỷ đồng chuyển sang cho vay giải quyết việc làm đối với LĐ trở về từ các tỉnh, thành phố.
Bà Trần Thị Minh - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam đề nghị các địa phương cung cấp danh sách LĐ có nhu cầu về nguồn vốn để ưu tiên hỗ trợ cho vay đối với nhóm LĐ này. Để thực hiện tốt việc cho vay, chi nhánh đề nghị UBND tỉnh quan tâm nguồn vốn vay từ ngân sách tỉnh.
Tiếp tục rà soát, xây dựng các phương án cụ thể
Tại cuộc họp trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu thời gian tới, các địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ an sinh quan trọng, tiếp tục thực hiện ngay việc rà soát, không báo cáo chung chung mà phải thật cụ thể để có hướng thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu ngành LĐ-TB&XH phối hợp với các địa phương thực hiện, tiếp tục nắm bắt nhu cầu của người LĐ, khi nhu cầu cao hơn sẽ xây dựng phương án cụ thể.
Người LĐ có nhu cầu học nghề thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp cùng các địa phương đào tạo và giới thiệu việc làm ngay sau đào tạo nghề.
Nhu cầu vốn của người LĐ bao nhiêu thì các địa phương cùng Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nắm bắt, báo cáo UBND tỉnh, nếu vượt quá nguồn kinh phí cho vay tỉnh đã ủy thác.
Tất cả các phần việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu thực hiện ngay sau cuộc họp, hỗ trợ kịp thời cho người LĐ. Bởi đây mới là hướng giải quyết căn cơ, lâu dài vấn đề an sinh cho nhân dân trong lúc dịch bệnh phức tạp.