Hỗ trợ lao động về quê tránh dịch Covid-19: Cân nhắc phương án phù hợp
Giải quyết việc làm cho người lao động (LĐ) từ các nơi trở về quê trong dịch Covid-19 là cam kết của lãnh đạo tỉnh. Các cơ quan có trách nhiệm đang tiến hành khảo sát trình độ tay nghề và nhu cầu của số LĐ trên để lập phương án riêng. Phương án này dựa trên cơ chế nào và liệu có đáp ứng lựa chọn của đối tượng LĐ này hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi việc thực hiện các cơ chế đặc thù hỗ trợ các DN và người LĐ tại chỗ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn gặp nhiều vướng mắc.
ƯU TIÊN CHO LAO ĐỘNG CÓ TAY NGHỀ
Với nhiều doanh nghiệp (DN), người lao động (LĐ) trở về từ các tỉnh, thành phố có nền kinh tế năng động là nguồn nhân lực quý. Bởi phần lớn họ về đều là người có tay nghề. Tuy nhiên việc LĐ và DN “tìm thấy nhau” cũng không hề dễ dàng.
Rộng cửa gọi mời
Đóng chân tại KCN Tam Thăng, Công ty TNHH Draexlmaier Automotive Việt Nam đang trong quá trình vừa xây dựng xưởng sản xuất, vừa tuyển dụng, đào tạo và tiếp nhận nguồn nhân lực đến làm việc.
Công ty có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700 - 1.000 LĐ ở các trình độ kỹ sư, công nhân kỹ thuật, công nhân phổ thông, nhân viên văn phòng, phiên dịch viên... trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Theo đại diện công ty, các vị trí việc làm tăng dần theo tiến độ xây dựng, nên người LĐ vẫn được tuyển dụng liên tục.
Ông Đăng Xuân Ngoạn - phụ trách nhân sự Công ty TNHH Draexlmaier Automotive Việt Nam cho biết: “Với công ty, người LĐ dù ở trong tỉnh, hay trở về từ các tỉnh thành khác, công ty đều tiếp nhận hồ sơ và tuyển dụng vào những vị trí phù hợp.
Thật sự mà nói, LĐ trở về từ TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, hoặc gần như Đà Nẵng nếu ở vị trí kỹ thuật, kỹ sư hay giám sát đều có chất lượng tốt hơn. Vì thế, nếu lực lượng LĐ này trở về thực sự là cơ hội cho các công ty trong tỉnh có được nguồn nhân lực chất lượng cao.
LĐ phổ thông thì công ty vẫn tiếp nhận để đào tạo, nhằm tạo được nguồn nhân lực của công ty tốt hơn. Tuy nhiên việc tìm thấy nguồn LĐ quay về từ các tỉnh, thành phố có chất lượng, trình độ phù hợp với đơn vị cũng không dễ dàng”.
Với Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), cơ hội việc làm dành cho người LĐ của tỉnh Quảng Nam rất lớn. Công ty đang tuyển dụng hơn 6.300 vị trí việc làm.
Người có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, và cả LĐ phổ thông đều có cơ hội ở nơi đây. Ngành nghề mà công ty này tuyển dụng khá đa dạng, gồm có cơ khí, điện, luyện kim, hóa học, an toàn LĐ, kinh tế, nhân sự, vận hành cầu trục, xe nâng, máy đào, máy xúc lật, xe đầu kéo...
Quảng Nam và Quảng Ngãi là 2 địa phương được công ty ưu tiên tuyển dụng nhiều nhất. LĐ người Quảng Nam đang làm việc tại công ty có hơn 2.000 người, trong đó có 1.000 người vẫn đang làm việc theo phương thức “3 tại chỗ” kể từ khi đợt dịch bệnh mới bùng phát đến nay.
Ông Đường Phú Quý - phụ trách tuyển dụng của Phòng Nhân sự Công ty Hòa Phát Dung Quất cho biết, với LĐ phổ thông thì công ty tuyển dụng để đào tạo theo cách vừa học vừa làm những vẫn đảm bảo lương đầy đủ, có hỗ trợ chỗ ở trong ký túc xá hoặc hỗ trợ 800 nghìn đồng/tháng để LĐ thuê chỗ trọ. Công ty có bố trí xe đón LĐ, đi đến xã Bình Tú (Thăng Bình), Phú Thịnh (Phú Ninh), Tam Phú (Tam Kỳ) hàng ngày trong điều kiện không có dịch bệnh.
“Qua kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, chúng tôi vẫn tiếp nhận hồ sơ xin việc online, nhưng do dịch bệnh phức tạp nên chưa thể tuyển dụng trực tiếp được. Tất cả hồ sơ chúng tôi đều tiếp nhận, dù LĐ trong tỉnh hay trở về từ các tỉnh thành khác. Khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi sẽ đến Quảng Nam để tuyển dụng trực tiếp, kiểm tra sức khỏe người LĐ trước khi tiếp nhận” - ông Quý nói.
Hơn 15.000 vị trí việc làm đang trống
Đến tháng 8.2021, số lượng người LĐ mà các DN trong và ngoài tỉnh cần tuyển dụng giảm xuống, từ 17.000 người còn khoảng 15.000 người. Đó là do tác động bởi dịch Covid-19 khiến việc sản xuất của các công ty chỉ cầm chừng, không thể mở rộng và khó tuyển dụng thêm. Dịch bệnh khiến việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm để kết nối giữa DN và LĐ không thể tổ chức, mọi công đoạn đều chỉ thực hiện online.
Thông tin người LĐ cung cấp online, thông tin DN cần tuyển dụng cũng thông báo rộng rãi trên các phương tiện internet. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh ở giữa, kết nối việc làm bằng mọi phương thức có thể để hỗ trợ người LĐ tìm việc tốt nhất. Đặc biệt là LĐ đến làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trung tâm luôn giới thiệu những vị trí việc làm mới hỗ trợ cho họ nếu họ có nhu cầu.
Ông Võ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho rằng nguồn LĐ trở về từ các tỉnh thành ở phía Nam hay Đà Nẵng chính là nguồn nhân lực có thể đáp ứng được yêu cầu của DN về cả trình độ tay nghề lẫn kinh nghiệm.
DN trong tỉnh lâu nay vẫn “khát” LĐ có tay nghề, có kinh nghiệm. 15.000 vị trí việc làm đang niêm yết trên sàn giao dịch việc làm online của trung tâm đa dạng về trình độ, ngành nghề. Nên cơ hội dành cho người LĐ không thiếu, nếu LĐ có nguyện vọng muốn gắn bó lâu dài với quê hương.
Ông Dũng cho biết: “Các địa phương đang khảo sát trình độ tay nghề, nhu cầu tìm việc làm của người LĐ trở về từ các tỉnh thành nên trung tâm chưa thể xác định kết nối việc làm cho số LĐ này theo phương án nào.
Tuy nhiên, khi đã có con người, nhu cầu cụ thể thì việc tổ chức những nhóm nhỏ để kết nối giữa người LĐ và DN tuyển dụng đảm bảo yêu cầu giãn cách, phòng chống dịch bệnh vẫn có thể thực hiện được. Chỉ cần có sự kết nối chặt chẽ giữa địa phương - DN - trung tâm - người LĐ thì việc làm cho người LĐ trở về sẽ rộng mở”.
TÌM VIỆC LÀM Ở QUÊ NHÀ
Người LĐ quay về từ những “miền đất hứa” bởi họ không thể trụ bám trong dịch bệnh. Trở về quê hương, sau thời gian cách ly, họ bắt đầu đi tìm kiếm việc làm cho mình.
Được trở về quê hương sau quãng thời gian hơn 10 năm bôn ba nơi đất khách, chị Phạm Thị Hồng Ân (thị trấn Đông Phú, Quế Sơn) hiểu rằng không nơi đâu bao dung hơn đất mẹ. Chị Ân trở về theo cách không như những lần trước mà nay về trên chuyến xe “giải cứu”.
“Thế mới thấy được sự trở về ý nghĩa, quý giá biết dường nào. Tôi cũng như rất nhiều người về trên chuyến xe hôm đó, ai cũng bảo nhau sẽ không đi nữa đâu. Về quê thôi, lần này là lần trở về thật sự, về để ổn định cuộc sống ở quê hương” - chị Ân tâm sự.
Công việc chị Ân làm ở TP.Hồ Chí Minh hơn 10 năm qua ở vị trí nhân sự. Chị trở về trong tâm thế vội vã, tất cả giấy tờ cần thiết để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội liên quan không kịp mang về. Cơ quan nơi chị làm đã hỗ trợ chị Ân hồ sơ qua zalo, để chị kịp nhận chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Hiện tại, thị trấn Đông Phú đã hết thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chị Ân đang tìm việc làm phù hợp. Chị cho biết đã đăng ký nguyện vọng tìm việc làm lâu dài ở quê phù hợp với năng lực, chị ưu tiên công việc ở vị trí nhân sự các công ty, bởi chị có ngoại ngữ là tiếng Anh, cùng với kinh nghiệm làm việc hơn 10 năm nên chị hy vọng sẽ có việc làm phù hợp.
Chị Huỳnh Thị Hương (xã Tam Thanh, Tam Kỳ) may mắn hơn bởi gia đình chị trở về trên chuyến xe sớm nhất. Về sớm, nên chị Hương giờ đã được Phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ giới thiệu việc làm và đã đi làm được gần 10 ngày ở Công ty Panko Tam Thăng. Chồng chị Hương cũng được xã Tam Thanh giới thiệu, tìm được việc làm gần nhà. Con trai chị Hương về quê, nhưng vẫn còn tiếp tục việc học online, trường học ở TP.Hồ Chí Minh.
Hỏi chị Hương vì sao không đăng ký cho con học ổn định ở quê, chị Hương bày tỏ: “Nói thật, vợ chồng tôi vẫn còn có ý định quay lại TP.Hồ Chí Minh khi dịch bệnh được kiểm soát. Vợ chồng tôi ở trong đó nhận hàng may mặc của công ty về tự may gia công, nguồn thu nhập không đến nỗi tệ. Tôi thuê nhà, có đặt một số máy may, còn để cả xe máy ở trong đó nên cách gì cũng phải quay lại. Quay vô TP.Hồ Chí Minh để tiếp tục công việc cũ hay rồi lại trở về quê luôn thì chưa biết, nhưng mà vẫn còn việc để giải quyết thì phải vào để làm cho xong”.
Nhận việc rồi, nhưng vẫn còn ý định quay trở vào TP.Hồ Chí Minh, chị Hương nói rằng thấy ngại. Chị ngại bởi sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương nên sự trở về của gia đình chị mới được suôn sẻ, công việc nhanh chóng tìm được thông qua sự kết nối giữa chính quyền với doanh nghiệp.
Nhận việc rồi, nếu chị ra đi nghĩa là công ty khuyết một vị trí công việc, lại phải tuyển mới. Chị vẫn còn giằng co giữa hai luồng suy nghĩ của bản thân. Công việc chị đang làm có thể chỉ là tạm thời, nhưng chị trân trọng và biết ơn những gì gia đình chị đã nhận được trong lúc khó khăn.
Hàng trăm LĐ từ các nơi về quê đang loay hoay tìm sinh kế mới. Họ trông chờ vào lời cam kết của lãnh đạo tỉnh rằng sẽ tạo điều kiện để họ có việc làm nuôi sống gia đình trên quê hương...
XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN TỐI ƯU
Phương án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động (LĐ) trở về từ các tỉnh thành do dịch Covid-19 đang được các cơ quan chức năng tính toán.
Địa phương vào cuộc
Huyện Tiên Phước có hơn 300 người trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam do dịch bệnh. Huyện đang tiến hành khảo sát nhu cầu của người LĐ để tính phương án tối ưu nhất. Người LĐ trở về đủ các cấp độ khác nhau nên cần khảo sát để có một bảng thống kê cụ thể, từ đó mới có giải pháp hỗ trợ LĐ được.
Ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Với vùng quê Tiên Phước, lâu nay nền kinh tế vườn khá phát triển, nhưng người làm vườn đều là những người lớn tuổi, thiếu lực lượng LĐ trẻ. Nếu ổn định ở quê với kinh tế vườn, huyện sẽ hỗ trợ về cơ chế, vốn vay, kết nối thị trường để LĐ tự tạo việc làm hiệu quả.
Hoặc nếu họ có nhu cầu đi làm việc phù hợp với trình độ tay nghề, huyện sẽ thống kê để giới thiệu nguồn nhân lực, từ đó các sở ngành có sự kết nối cho các DN trong các KCN của tỉnh. Qua nắm bắt thông tin ban đầu thì rất nhiều người LĐ trở về lần này có ý định ở lại quê hương, nếu có cơ hội ổn định cuộc sống”.
TP.Tam Kỳ đã tính toán đến phương án giới thiệu việc làm cho người LĐ trở về song song với nhiệm vụ giải quyết việc làm thường xuyên. Theo bà Nguyễn Thị Đào - Trưởng phòng LĐ-TB&XH, thành phố đang khảo sát số LĐ trở về. Họ hầu hết có trình độ tay nghề, có nhu cầu việc làm. Ban đầu, Tam Kỳ có 29 người LĐ quay về có nhu cầu tìm việc làm, Tam Kỳ đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giới thiệu việc làm cho 16 LĐ đến các DN trên địa bàn. Thành phố sẽ tiếp tục khảo sát cụ thể để có hướng hỗ trợ việc làm cho LĐ về quê theo chủ trương chung của tỉnh.
Phương án tối ưu do LĐ quyết định
Sở LĐ-TB&XH được UBND tỉnh giao xây dựng phương án hỗ trợ cho người LĐ trở về từ các tỉnh thành có dịch bệnh, giúp họ được học nghề, có việc làm, ổn định cuộc sống.
Theo phương án dự thảo, Sở LĐ-TB&XH tỉnh ước lượng số LĐ hỗ trợ khoảng 3.000 người, các phương án có thể là học nghề, giới thiệu việc làm, cho vay vốn tạo việc làm tại chỗ. Nhiệm vụ này được Sở LĐ-TB&XH tỉnh thực hiện song hành với nhiệm vụ đào tạo nghề, giải quyết việc làm thường xuyên. Nhưng sẽ có một phương án dành riêng cho nhóm LĐ trở về từ các tỉnh thành.
Không chỉ Sở LĐ-TB&XH, mà tất cả đơn vị liên quan của tỉnh đều phải vào cuộc trong việc xây dựng phương án này. Như Ban Quản lý các Khu kinh tế và KCN tỉnh tiến hành khảo sát, cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng LĐ tại các DN, bao gồm công việc, ngành nghề, trình độ chuyên môn, độ tuổi, mức lương… Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội từ tỉnh đến các huyện hướng dẫn người LĐ có nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp và mở rộng việc làm.
Ngày 15.9 là hạn chót mà Sở LĐ-TB&XH tỉnh ấn định để các địa phương, đơn vị có kết quả khảo sát nhu cầu, trình độ tay nghề của người LĐ trở về. Trên cơ sở đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh tổng hợp, xây dựng phương án phù hợp nhất.
Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Với người cần việc làm phù hợp thì Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ hỗ trợ kết nối với DN. Người cần vay vốn để tự tạo việc làm thì cần có hộ khẩu thường trú tại địa phương, thông qua chính quyền địa phương và Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội để lập hồ sơ vay vốn giải quyết việc làm. Đối với việc học nghề thì cần khảo sát con số cụ thể mới tính toán nguồn lực để hỗ trợ người LĐ được. Người LĐ sẽ tự lựa chọn phương án phù hợp với nguyện vọng”.
Theo bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh thì việc xây dựng phương án hỗ trợ người LĐ mà cần đến việc sử dụng nguồn ngân sách địa phương cần phải trình HĐND tỉnh quyết định. Thế nên, phương án đó phải có con số cụ thể, nên cần khảo sát nhu cầu trong thực tế chính xác.
Trước mắt, bà Thu đề nghị các địa phương hỗ trợ người về từ phía Nam theo các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm có sẵn, gồm Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh. Bà Thu lo ngại, nếu đào tạo nghề cho lực lượng LĐ về từ các tỉnh thành phải tính toán phù hợp, có chế tài ràng buộc, không để lãng phí nguồn lực đầu tư trong trường hợp đào tạo xong rồi họ lại đi. Phải tính toán phương án lâu dài, giải quyết trên cơ sở hoàn toàn tôn trọng ý kiến, nguyện vọng của người LĐ.