Phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong doanh nghiệp: Sẵn sàng ứng phó với mọi cấp độ
Chiều qua 3.6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang chủ trì buổi làm việc với chủ đầu tư, ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh về tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong doanh nghiệp (DN).
Qua thực tế kiểm tra của UBND tỉnh và đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, các DN thời gian qua đã có nhiều cố gắng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. DN trong các KCN như Điện Nam - Điện Ngọc, Đông Quế Sơn, Tam Hiệp, Bắc Chu Lai, Tam Thăng đều áp dụng tất cả biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên các DN vừa chống dịch vừa sản xuất gặp nhiều khó khăn hơn, chi phí tốn kém nhiều hơn, nhưng vẫn cố gắng khắc phục để thực hiện tốt “mục tiêu kép”.
Ông Thiều Việt Dũng - Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, từ các ban quản lý KCN trong Khu kinh tế mở Chu Lai đến các DN đều đang cố gắng làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh đi đôi với duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều DN làm tốt việc chống dịch tại chỗ, đặc biệt là DN nước ngoài rất quan tâm đến vấn đề này, nên dù có F0 đến giao nhận hàng, KCN Điện Nam - Điện Ngọc vẫn an toàn. DN hiện còn băn khoăn việc xét nghiệm cho người lao động sẽ được thực hiện như thế nào nhằm sàng lọc, giảm nỗi lo tại các KCN lớn của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, các DN trên địa bàn thành phố đều xác định chống dịch là vấn đề cấp bách, nên nâng cao cảnh giác. Tuy nhiên, một số DN vẫn còn lúng túng, bị động khi có sự cố xảy ra, nên mong muốn được tập huấn, hướng dẫn xử lý các tình huống. Đồng thời, DN cũng có kiến nghị muốn được xét nghiệm Covid-19 cho công nhân, lao động và sẵn sàng đóng góp kinh phí xét nghiệm, nhưng cần được hỗ trợ về chuyên môn, nhân lực từ ngành y tế tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang đề nghị các ban quản lý KCN phải yêu cầu DN sẵn sàng ứng phó với mọi cấp độ dịch bệnh, chuẩn bị tinh thần và nguồn lực cho tình huống phát sinh ca nhiễm bệnh Covid-19 tại DN. Các DN cần siết chặt người làm việc ở các khu, cụm công nghiệp khi đi làm và về tại nơi cư trú. Bởi người lao động đi về nơi cư trú sẽ tiếp xúc với nhiều người, đến khi vào DN làm việc, nếu không quản lý tốt thì nguy cơ mang mầm bệnh vào DN rất cao.
Đối với kiến nghị của DN về tập huấn, ngành y tế sẽ có các buổi tập huấn, hướng dẫn DN cụ thể về cách ly tạm thời, về giám sát khử khuẩn, xây dựng phương án xử lý tình huống khi có F0, F1, F2 xuất hiện. Đối với việc phun thuốc khử khuẩn trong tình huống chống dịch, các DN có thể thuê nhân công phun khử khuẩn, có sự giám sát của nhân viên y tế.
Vắc xin về đợt này, tỉnh sẽ ưu tiên cho người lao động ở các KCN lớn, đặc biệt là công nhân lao động làm việc ở những khu vực, vị trí có nguy cơ cao. Ông Quang kêu gọi DN cùng vào cuộc với Chính phủ, ủng hộ vào quỹ mua vắc xin của toàn quốc để có thêm nguồn vắc xin cho người dân và chính công nhân lao động của DN.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang lưu ý DN cần xác định tinh thần, nếu xuất hiện F0 trong một DN thì phải ngừng hoạt động ngay tại DN đó, người lao động được cách ly tại chỗ, ngay lập tức truy vết, xét nghiệm toàn bộ. Lựa chọn phương án này, nghĩa là phải chấp nhận hy sinh nếu xảy ra sự cố, nhằm ngăn chặn sự lây lan tại chỗ nhanh nhất. Chống dịch là quan trọng, phát triển kinh tế cũng quan trọng không kém. Chính vì thế, ý thức phòng chống dịch bệnh, trách nhiệm của mỗi DN, địa phương, chủ đầu tư rất quan trọng.