Tạo việc làm cho người lao động
Huyện Nam Trà My đã có nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo được việc làm tại chỗ cho người lao động, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Ông Võ Như Sơn Trà - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho hay, địa phương luôn xác định giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Nam Trà My phấn đấu chỉ tiêu lao động có việc làm mới hằng năm 300 - 500 người. Trong đó, 150 - 200 lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề phi nông nghiệp; 5 - 10 lao động được tạo việc làm ở thị trường ngoài nước thông qua xuất khẩu lao động; số còn lại được giải quyết việc làm tại chỗ qua đào tạo nghề nông nghiệp, lao động phi nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Để hiện thực hóa các chỉ tiêu trên, bên cạnh kết nối tạo việc làm mới thông qua đào tạo nghề truyền thống như mây tre đan, dệt thổ cẩm..., địa phương còn linh hoạt tạo việc làm trong sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là lao động trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu). Đồng thời kết nối và trực tiếp hỗ trợ đưa người lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, cũng như đi làm việc ở nước ngoài theo diện xuất khẩu lao động.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo nghề lao động nông thôn miền núi theo chủ trương của tỉnh nhằm cung ứng cho các chương trình, dự án trọng điểm và doanh nghiệp. Đến nay, có hơn 1.800 lao động được đào tạo nghề sơ cấp, hơn 230 lao động có trình độ từ trung cấp trở lên và gần 1.200 lao động được làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và TP.Đà Nẵng, với thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 5,2 triệu đồng. Nhờ vậy, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo từ 70,89% (năm 2015) xuống còn 37,37% vào cuối năm 2019” - ông Trà nói.
Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở Nam Trà My vẫn còn những tồn tại cần sớm khắc phục. Theo ông Trà, ngoài hiểu biết về đào tạo nghề của bà con chưa được “thông suốt”, tình trạng nhiều thanh niên địa phương bỏ học giữa chừng, không theo kịp với lao động công nghiệp ở phố vẫn còn khá phổ biến. Để giải quyết tình trạng trên, cần có cơ chế đảm bảo chỉ tiêu cụ thể theo từng địa phương thôn, xã; đồng thời triển khai chủ trương định hướng nghề nghiệp, phân luồng giáo dục nghề nghiệp cho học sinh ngay từ những năm đầu bước vào bậc học THCS.
Cần xác định ngành nghề phù hợp với từng nhóm đối tượng lao động và trong từng thời kỳ thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ở địa phương để kịp thời chấn chỉnh các thiếu sót trong quá trình đào tạo, cũng như đề xuất điều chỉnh các chế độ, chính sách chưa phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp; lựa chọn các đơn vị giáo dục nghề nghiệp có đầy đủ tư cách pháp nhân, uy tín, có kinh nghiệm trong công tác đào tạo nghề, nhất là có trách nhiệm với công tác đào tạo nghề và quản lý lao động sau tuyển dụng, quản trị rủi ro cho doanh nghiệp...