Lo người lao động thiệt thòi
Hỗ trợ người lao động (NLĐ) bị mất việc làm do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách nhân văn, được cả NLĐ lẫn doanh nghiệp trông chờ. Tuy vậy, những quy định chặt chẽ nhưng lại “chênh” so với thực tế đã khiến cơ quan thực hiện chính sách lo ngại thiệt thòi cho NLĐ. Quảng Nam Cuối tuần có cuộc gặp gỡ với đại diện các đơn vị liên quan về vấn đề này.
Khó chồng khó
* Bà Nguyễn Thị Ánh Hạnh - Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH MTV Con đường xanh Quảng Nam (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Bàn): “Lo lắng trông chờ!”
Từ khi có Nghị quyết 42, công ty đã nghiên cứu rất kỹ. Rồi Quyết định 15 ra đời, công ty được các ngành chức năng của Điện Bàn hỗ trợ mọi thủ tục, đến nay chúng tôi đã bổ sung đầy đủ các giấy tờ cần thiết. Nhưng hiện chúng tôi chưa nhận được câu trả lời là liệu 528 NLĐ của công ty có được hỗ trợ từ Nghị quyết 42 hay không. NLĐ lẫn doanh nghiệp chúng tôi rất lo lắng, trông chờ nhận được khoản hỗ trợ này.
Tôi nói là thấy lo lắng, bởi những quy định của Quyết định 15 rất chặt chẽ, nhất là về quy định doanh nghiệp không phát sinh doanh thu, điều rất khó đáp ứng được. Bởi trong thực tế, khi dịch bệnh chưa vào nước ta, thì quý I.2020 chúng tôi vẫn còn hoạt động, có đơn hàng ra vào, nghĩa là đã phát sinh doanh thu. Nhưng đến khi dịch bệnh tràn vào, đối tác hủy đơn hàng, hàng không xuất được phải tồn kho, tiền có đó nhưng nằm trên hàng hóa không bán ra được thì doanh nghiệp chịu lỗ.
Dịch bệnh đến, NLĐ của công ty nghỉ việc trong hai tháng 4 và 5.2020, đến tháng 6.2020 đi làm lại. Giờ lại tiếp tục phải nghỉ đợt 2 từ ngày 1.8, chưa biết bao giờ mới hoạt động trở lại, ít nhất dịch bệnh được kiểm soát thì đầu tháng 9.2020 mới hy vọng công ty mở cửa lại. NLĐ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong khoảng thời gian dài, nên rất mong sẽ nhận được khoản hỗ trợ rất cần thiết này.
* Ông Nguyễn Mạnh - Giám đốc Công ty CP gỗ Minh Dương Chu Lai (KCN Bắc Chu Lai - Núi Thành): “Chúng tôi ái ngại vì chưa tròn trách nhiệm với NLĐ”
Khi công ty thông báo làm hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ theo Nghị quyết 42, cả 400 LĐ đều rất vui mừng và trông chờ. NLĐ của công ty nghỉ việc từ ngày 1.4 đến ngày 30.5 vì công ty không xuất bán hàng được, hàng tồn kho lớn khi bị đối tác hủy đơn hàng. Hồ sơ của công ty được trả lời là không đáp ứng được các điều kiện quy định, do có phát sinh doanh thu trong quý I.2020. Đúng là quý I chúng tôi có hoạt động nên có doanh thu. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát thì NLĐ phải nghỉ do đơn hàng bị hủy, tồn kho. Cho NLĐ nghỉ 2 tháng, chúng tôi đã hỗ trợ 1 tháng lương tối thiểu vùng là 3,43 triệu đồng/LĐ. Đó là cố gắng của công ty, cũng là sự sẻ chia với NLĐ, giữ chân được NLĐ trong thời gian họ không có việc làm.
Khi có văn bản trả lời là theo quy định công ty chúng tôi không được hỗ trợ, NLĐ rất buồn, ngày nào họ cũng lên hỏi thăm. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị các cấp xem xét hỗ trợ cho NLĐ, đó là quyền lợi của họ chứ không phải mưu cầu gì cho lợi ích của công ty. Khi họ không được hỗ trợ, chúng tôi cảm thấy có lỗi với NLĐ vì chưa làm tròn trách nhiệm với LĐ của mình. Tôi cũng kiến nghị các cấp đề xuất lên bộ ngành, Chính phủ xem xét sửa đổi quy định phù hợp để NLĐ được hưởng quyền lợi chính đáng của họ trong lúc dịch bệnh khiến công ty bị ảnh hưởng, NLĐ mất việc làm.
Tìm cách xoay xở
Đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần đầu, khiến hàng chục nghìn NLĐ của tỉnh ở cả nhóm có hợp đồng LĐ và nhóm LĐ tự do bị mất việc làm. Khó khăn chất chồng thêm khi dịch bệnh quay trở lại lần thứ hai, số NLĐ phải tạm nghỉ việc, dừng việc từ 1 tuần trở lên ước tính đến ngày 7.8 đã hơn 20 nghìn người. NLĐ mất việc làm, doanh nghiệp lao đao trước dịch bệnh, nên những sự sẻ chia của chủ doanh nghiệp với NLĐ cũng chỉ giúp được phần rất nhỏ cho cuộc sống của NLĐ.
Trước những phản ánh của doanh nghiệp, Phóng viên Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH về thực hiện Nghị quyết 42 đối với nhóm LĐ trong các doanh nghiệp bị tạm hoãn hợp đồng LĐ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
* Thưa ông, đến thời điểm này việc thực hiện Nghị quyết 42 trên địa bàn tỉnh đã tiến triển như thế nào?
Ông Huỳnh Tấn Triều: Tính đến ngày 7.8, toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 884 NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương; 270 NLĐ bị chấm dứt hợp đồng LĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp và 26.382 NLĐ không có giao kết hợp đồng LĐ bị mất việc làm ở nhóm nghề bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa, lái xe mô tô 2 bánh chở khách, bán lẻ vé số lưu động, tự làm hoặc làm việc trong các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe và đối tượng khác.
Việc chi trả đang được các địa phương thực hiện, nhưng chậm trễ là do các địa phương lúng túng trong thực hiện nên hướng dẫn nhiều lần, danh sách được phê duyệt cuối tháng 7.2020. Lúc này thì dịch bệnh đợt 2 bùng phát mạnh hơn, các địa phương vừa lo chống dịch vừa lo chi trả nên sẽ chậm trễ, nhất là ở những vùng bị cách ly, phong tỏa do dịch bệnh bùng phát mạnh thì tiền hỗ trợ sẽ chậm đến tay người nhận.
* Việc thực hiện Nghị quyết 42 đang gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông Huỳnh Tấn Triều: Thực tế triển khai Nghị quyết 42, Quyết định 15 gặp nhiều vướng mắc ở cơ sở do quy định quá chặt chẽ nên nhiều nhóm đối tượng chưa đáp ứng được. Quy định điều kiện hỗ trợ đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng LĐ trong doanh nghiệp phải thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương là từ ngày 1.4.2020, doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương. Quy định này không có nhiều đơn vị đáp ứng được, vì họ cho nghỉ việc trước ngày 1.4.2020 khi hoạt động sản xuất khó khăn, trong quý I.2020 nhiều doanh nghiệp vẫn phát sinh doanh thu dù là không phát sinh lãi. Vì thế NLĐ làm việc trong các doanh nghiệp trên không được hỗ trợ, dù thực tế họ bị mất việc làm. Thế nên đến nay có rất ít NLĐ trong doanh nghiệp được hỗ trợ. Riêng điều kiện hỗ trợ người sử dụng LĐ vay vốn để trả lương cho NLĐ thì không có đơn vị nào mặn mà vì quy định quá khó để họ có thể tiếp cận được.
Quy định hỗ trợ NLĐ không có giao kết hợp đồng LĐ bị mất việc làm thì chưa sát thực tế, bởi nhiều nhóm ngành, nghề, công việc của các địa phương bị ảnh hưởng nhưng không có quy định trong hướng dẫn. Việc xác định thu nhập của NLĐ, xác định công việc NLĐ đi làm việc ngoài địa phương rất khó khăn, dẫn đến sự không thống nhất về công việc, đối tượng được hỗ trợ giữa các địa phương.
* Đợt dịch bệnh thứ 2 đã quay lại nguy hiểm, phức tạp hơn trước, NLĐ gặp khó khăn sẽ nhiều hơn. Vậy ngành LĐ-TB&XH sẽ có tham mưu, kiến nghị gì để chính sách hỗ trợ đến được với NLĐ, thưa ông?
Hiện nay, toàn tỉnh đang vào cuộc chống dịch quyết liệt, bởi dịch bệnh lần này phức tạp hơn, khó khăn hơn trước rất nhiều khi đã lây lan trong cộng đồng, len lỏi vào trong công nhân LĐ. Dự báo thời gian tới số lượng NLĐ mất việc làm sẽ tăng cao do doanh nghiệp gặp khó khăn. Trước mắt chúng tôi cùng với các sở, ngành, địa phương vừa chống dịch vừa chi trả cho NLĐ bị ảnh hưởng trong đợt 1 đã được phê duyệt.
Những vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 42, Quảng Nam cũng như nhiều tỉnh thành khác đã kiến nghị đến Bộ LĐ-TB&XH tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét lại điều kiện hỗ trợ NLĐ làm việc theo hợp đồng LĐ trong doanh nghiệp bị tạm hoãn hợp đồng LĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương, theo hướng sửa đổi lùi thời gian trước ngày 1.4.2020. Đồng thời tỉnh cũng đề nghị bổ sung một số nhóm ngành nghề cần được hỗ trợ do họ bị ảnh hưởng, mất việc, đời sống gặp khó khăn.
Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nên tỉnh cũng đã kiến nghị Trung ương cần xem xét có sửa đổi, bổ sung thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để tính hỗ trợ và tăng thời gian hỗ trợ cho NLĐ sát thực tế tình hình lúc này. Sự hỗ trợ nào đối với người dân nói chung và NLĐ nói riêng lúc này đều quý.