Xuất khẩu lao động năm 2020: Dự báo rất nhọc nhằn!
UBND tỉnh vừa giao chỉ tiêu xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm 2020 cho các địa phương, hướng đến các thị trường chất lượng cao là Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, dự báo công tác XKLĐ sẽ gặp nhiều gian nan.
NHIỀU KHÓ KHĂN
Chỉ tiêu XKLĐ 1.800 người năm 2020 (tăng 300 LĐ so với năm 2019) sẽ là một thách thức lớn đối với các địa phương, nhất là các huyện được giao chỉ tiêu cao.
Xác định chỉ tiêu
Theo chỉ tiêu XKLĐ tỉnh giao, huyện Quế Sơn là cao nhất - 270 người, Thăng Bình, Đại Lộc cùng 250 người, Tiên Phước 180 người, tiếp đến là Phú Ninh 150 người, Núi Thành, Duy Xuyên 120 người... UBND tỉnh đã nêu rõ đây là chỉ tiêu được giao, còn các ngành, địa phương phấn đấu thực hiện đạt, vượt chỉ tiêu càng tốt.
Theo Sở LĐ-TB&XH, có nhiều cơ sở để giao chỉ tiêu cao. Năm 2019, tỉnh đặt chỉ tiêu đưa 1.500 LĐ đi XKLĐ, thực tế đã có 1.525 LĐ đi làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài (trong đó, tại Nhật Bản 1.327 người, Hàn Quốc 61 người, các thị trường khác 139 người). Số LĐ đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh đã tăng từng năm, dù không nhiều nhưng là bước chuyển biến tốt trong công tác này.
Ngoài ra, cuối năm 2019, Sở LĐ-TB&XH cùng Sở Công nghiệp và Lao động Nagasaki (Nhật Bản) đã ký kết biên bản ghi nhớ về trao đổi nguồn nhân lực, bắt đầu tuyển sinh và đào tạo LĐ từ đầu năm 2020 để đưa sang Nagasaki theo diện thực tập sinh với nhiều ngành nghề.
LĐ đi làm việc ở nước ngoài đã mang về nguồn thu nhập khá cho gia đình, bản thân, hoàn trả nợ vay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Vì những lý do trên, XKLĐ được xác định là con đường thoát nghèo hiệu quả, làm giàu chính đáng.
Khó đạt
Các địa phương đều xác định XKLĐ là con đường giải quyết việc làm hiệu quả, nên những năm qua rất chú trọng công tác này. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các địa phương rất lo lắng không hoàn thành chỉ tiêu năm nay.
Điều đó hoàn toàn có cơ sở, khi Bộ LĐ-TB&XH cũng đã chỉ đạo tạm dừng đưa LĐ đi làm việc ở các nước có dịch Covid-19. Thị trường mà tỉnh đang hướng tới là Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã xuất hiện dịch bệnh, đặc biệt ở Hàn Quốc dịch bệnh bùng phát và lây lan mạnh.
Năm 2019, huyện Tiên Phước có 140 người đi XKLĐ (chỉ tiêu giao là 170 LĐ). Trong năm này, Tiên Phước được giao chỉ tiêu đưa 180 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước bộc bạch: “UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho Tiên Phước quá cao, bình thường đã sợ khó đạt được rồi, đằng này dịch bệnh đang phức tạp. Căn cứ trên thực trạng LĐ của huyện, huyện chỉ đăng ký năm này đưa đi XKLĐ từ 70 - 80 người, cố gắng lắm lên con số 100 người là nhiều. Tỉnh giao thì huyện cũng cố gắng bằng mọi cách tuyên truyền, vận động để người dân lựa chọn, bởi đây là con đường giải quyết việc làm hiệu quả. Nhưng trong thời điểm này thì chưa thể nói được điều gì khi mọi thứ đều đang tạm ngưng vì dịch bệnh”.
Theo ông Huy, qua nắm tình hình từ các xã, người dân đang rất dè dặt, không dám đăng ký cho con em đi XKLĐ. Trong khi LĐ Tiên Phước chỉ đi Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó phần lớn là Hàn Quốc. Việc phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo LĐ vẫn được huyện thực hiện, nhằm tạo nguồn LĐ chất lượng, khi tình hình ổn định có thể có người để đưa đi XKLĐ được.
Là huyện miền núi, Nam Trà My được giao đưa 30 người đi XKLĐ. Chỉ tiêu giao năm này bằng với số người đã đi XKLĐ năm 2019 của huyện.
Theo ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, XKLĐ đã được LĐ quan tâm vì hiệu quả cao, tạo hiệu ứng tốt. LĐ của huyện đi Nhật Bản và Ả Rập Xê Út. Nhưng tình hình chính trị ở khu vực Trung Đông đang bất ổn, dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, nên trước mắt huyện vẫn phối hợp với doanh nghiệp tuyên truyền, tạo nguồn, chờ tình hình ổn định thì mới dám cho LĐ của huyện đi làm ở nước ngoài.
Ông Phước cho biết: “Trước mắt, huyện vẫn tuyên truyền, vận động LĐ học nghề, học ngoại ngữ nâng cao trình độ để có nguồn LĐ chất lượng cho xuất khẩu ở thị trường tốt. LĐ của huyện tập trung vào học sinh được phân luồng từ lớp 9, bộ đội xuất ngũ về lại địa phương, sinh viên ra trường chưa có việc làm. LĐ muốn đi XKLĐ vẫn đăng ký, huyện tiếp nhận, nhưng phải chờ khi nào có chủ trương chung thì thực hiện theo. Trước mắt thì ưu tiên giới thiệu việc làm trong tỉnh và các tỉnh lân cận để LĐ đi làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống”.
VẪN TẠO NGUỒN CHO XUẤT KHẨU
Dù khởi động khó khăn do tình hình chung, nhưng tỉnh vẫn xác định tập trung cho công tác XKLĐ. Việc đào tạo cho LĐ đi xuất khẩu mất một khoảng thời gian dài, nên việc tạo nguồn vẫn cứ tiếp tục trong toàn tỉnh.
Mục tiêu năm 2020, tỉnh giải quyết việc làm tăng thêm cho 15 nghìn LĐ, trong đó có kênh XKLĐ. Về băn khoăn của các địa phương trong thời điểm này, ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: “Sở đã có văn bản gửi đến các địa phương về việc tăng cường quản lý công tác đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Việc thông tin, tuyên truyền chính sách về XKLĐ vẫn được tiếp tục thực hiện, nhất là trong thời điểm này cần phải thông tin rộng rãi hơn về chính sách cũng như tình hình dịch bệnh khiến tạm thời chưa thể đưa người đi XKLĐ. Hiện nay cần tập trung đào tạo cho người LĐ về trình độ tay nghề, ngoại ngữ để có một lực lượng LĐ chất lượng, khi đủ điều kiện thì có thể cung ứng đủ LĐ”.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp XKLĐ đến các địa phương phối hợp tuyển dụng và đào tạo LĐ. Các địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp để đưa thông tin đến với người dân, không để xảy ra tình trạng đưa người LĐ đi làm việc trái phép, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Mỗi LĐ muốn đi làm việc ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hay các nước Trung Đông... đều phải qua quá trình đào tạo hơn 6 tháng. Ngoài ra, sau đào tạo còn phải chờ đơn hàng từ doanh nghiệp ở nước bạn rồi mới đưa được LĐ xuất cảnh. Thế nên, việc đào tạo được tiến hành từ bây giờ thì khi tình hình ổn định sẽ có nguồn LĐ xuất cảnh.
Để tập trung cho vấn đề giải quyết việc làm, trước mắt sẽ ưu tiên giới thiệu, giải quyết việc làm trong tỉnh và trong nước cho người LĐ. Sở LĐ-TB&XH đã có đoàn khảo sát tại các doanh nghiệp, tìm hiểu về tình hình sản xuất, kinh doanh, về vấn đề LĐ, nguồn nguyên liệu, vật tư phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó nắm được khó khăn của doanh nghiệp để tham mưu UBND tỉnh có chính sách trợ giúp, góp phần duy trì hoạt động bình thường của doanh nghiệp, duy trì việc làm cho người LĐ.
Đoàn khảo sát cũng nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch nhưng cũng duy trì hoạt động sản xuất, có khó khăn cần kiến nghị đến cơ quan quản lý. Ngoài ra, nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho các hộ sản xuất kinh doanh, các dự án tạo việc làm tại chỗ đã được UBND tỉnh giao dự toán ngay từ đầu năm, nên người dân có thể nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ chính sách này, giúp giải quyết việc làm cho bản thân và cho mọi người hiệu quả.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh cũng tăng cường nắm bắt thông tin về LĐ đang làm việc ở nước ngoài theo chỉ đạo của UBND tỉnh, từ đó vận động gia đình người LĐ khuyên con em nên ở lại các nước sở tại đang làm việc, ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Nếu LĐ đã có kế hoạch về nước, nhất là LĐ về từ vùng có dịch bệnh, gia đình cần thông báo rõ địa điểm nhập cảnh, thời gian nhập cảnh để cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp cách ly đảm bảo.
Chỉ như vậy mới bảo vệ sức khỏe của người về từ vùng dịch, cũng như hạn chế được sự lây lan trong cộng đồng. Đặc biệt, toàn tỉnh đang có 130 LĐ hết hạn hợp đồng LĐ nhưng ở lại LĐ bất hợp pháp tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc thì các địa phương phải giải thích, vận động gia đình thông báo các thông tin liên quan về người LĐ. Trong trường hợp LĐ về nước, phải có thông báo đến cơ quan chức năng.
DOANH NGHIỆP NỖ LỰC
Trước những khó khăn về thị trường, các doanh nghiệp XKLĐ có những nỗ lực kết hợp cùng địa phương trong việc tuyển dụng LĐ đi XKLĐ. Dù chưa thể đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài trong thời điểm này, nhưng việc tạo nguồn vẫn được tiến hành.
Ông Lê Đình Toàn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thuận An DMC: Mong LĐ không thúc ép
Hiện nay, tình hình chính trị ở Trung Đông đang bất ổn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường. Để đảm bảo an toàn cho người LĐ thì công ty chúng tôi tuân thủ nghiêm các khuyến cáo, chấp hành văn bản chỉ đạo của nước đưa đi và nước tiếp nhận LĐ, tạm dừng đưa LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong thời điểm này. Tuy nhiên, doanh nghiệp không vì khó khăn mà chùn bước. Chúng tôi sẽ cùng với tỉnh và các huyện tiếp tục tuyên truyền cho người dân hiểu về chính sách XKLĐ, về tình hình hiện tại để tư vấn cho LĐ tốt hơn.
Trước mắt thì công ty vẫn phối hợp cùng địa phương tư vấn, tuyển dụng, đào tạo để có nguồn LĐ tốt nhất. Việc này mất hơn 6 tháng. Nếu đào tạo xong mà vẫn chưa thể xuất cảnh được vì lý do khách quan, chúng tôi mong người LĐ không thúc ép DN, nếu không lại lời ra tiếng vào là vì sao đào tạo mà không đưa đi, sẽ tạo nên dư luận không tốt, ảnh hưởng đến XKLĐ nói chung của toàn tỉnh. Khi Chính phủ Việt Nam và nước tiếp nhận LĐ có hướng dẫn mới thì công ty sẽ căn cứ tình hình thực hiện, chỉ cần sự kiên trì từ người LĐ. Đối với LĐ Quảng Nam đi qua kênh của Thuận An, chúng tôi liên tục theo dõi tình hình, có sự kết nối với người LĐ hàng ngày để cập nhật thông tin, nếu có vấn đề gì bất trắc xảy ra thì công ty sẽ liên hệ với cơ quan ngoại giao của Việt Nam để hỗ trợ người LĐ nhanh nhất có thể. Chúng tôi cũng khuyên các gia đình có con em đang đi làm việc ở các nước có thể yên tâm vì có sự hậu thuẫn từ chính quyền, doanh nghiệp cùng chung tay.
Ông Đặng Quang Tý - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP dịch vụ XKLĐ và chuyên gia (Suleco): Tiếp tục đào tạo LĐ theo kế hoạch
Suleco đang phối hợp với Quảng Nam trong đào tạo LĐ cung ứng cho phía Nagasaki theo Biên bản ghi nhớ về trao đổi nguồn nhân lực được ký kết giữa Sở Công nghiệp và Lao động Nagasaki (Nhật Bản) với Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam. Chúng tôi đang đào tạo 4 LĐ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam, sắp tới tiếp tục khai giảng khóa đào tạo mới hơn 10 LĐ. Các khóa đào tạo hoàn toàn miễn phí. Kế hoạch đào tạo vẫn cứ tiếp tục, không vì dịch bệnh mà dừng lại, nếu không thể học tập trung được thì học online.
Tình hình chung hiện nay không thể đưa LĐ xuất cảnh, công ty tuân thủ theo đúng hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan chức năng. Người LĐ hoàn toàn có thể yên tâm rằng Suleco khi đã tiếp nhận LĐ thì chịu trách nhiệm cao nhất đối với LĐ đi làm việc ở nước ngoài qua kênh của công ty. Hiện nay, Quảng Nam có 30 LĐ được công ty đưa sang làm việc ở Nhật Bản. Công ty kết nối thường xuyên với LĐ, gia đình LĐ cũng như các cơ quan chức năng ở Việt Nam để thông tin tình hình sức khỏe, việc làm của LĐ. Đồng thời thông qua Nghiệp đoàn ở Nhật Bản, công ty có thể trợ giúp cho LĐ khi cần thiết. Tất cả LĐ đều đang làm việc đảm bảo và có sức khỏe tốt khi làm việc ở Nhật Bản.
Bà Trần Thị Cúc - Quản lý Phòng tuyển dụng (Chi nhánh Công ty TNHH MTV ứng dụng công nghệ mới và du lịch): Luôn có sự kết nối giữa các bên
Chúng tôi thích người Quảng Nam nói riêng và người miền Trung nói chung vì tính chịu thương chịu khó, ham học hỏi, kiên trì đạt được mục đích mà họ hướng đến. Trong bối cảnh khó khăn chung này, công ty vẫn đi tư vấn, tuyển sinh để đào tạo nguồn LĐ chất lượng. Vì theo thông tin từ Nghiệp đoàn Nhật Bản, các doanh nghiệp bên đó vẫn hoạt động ổn định, nên vẫn cần nguồn LĐ. Lúc này chưa thể đưa LĐ đi được nhưng đào tạo LĐ thì vẫn rất cần. Khi tình hình ổn định, công ty có ngay lực lượng LĐ chất lượng để xuất cảnh.
Công ty luôn có sự kết nối giữa các bên, gồm công ty - người LĐ - gia đình LĐ - cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Nhật Bản - Nghiệp đoàn Nhật Bản. Mỗi LĐ được chúng tôi đưa đi làm việc ở Nhật thì chúng tôi đều giữ liên lạc thường xuyên qua bộ phận nhân sự của công ty, khi có vấn đề xảy ra với LĐ về việc làm, sức khỏe thì chúng tôi nắm bắt nhanh và vào cuộc hỗ trợ LĐ xử lý vấn đề. Công ty chọn con đường tiếp cận với LĐ qua các cơ quan Nhà nước như Sở LĐ-TB&XH tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để giới thiệu đến các địa phương. Như thế sẽ tạo được sự yên tâm cho người LĐ khi làm việc với công ty về những vấn đề thủ tục pháp lý liên quan.
KHUYẾN NGHỊ TỪ NGƯỜI TRONG CUỘC
Quảng Nam hiện có 2.871 lao động làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, bởi trong 3 năm 2017, 2018, 2019 tỉnh tập trung mạnh vào thị trường này. PV Báo Quảng Nam đã kết nối với người LĐ để tìm hiểu thêm về tình hình ở các nước.
Từ tỉnh Tochigi (Nhật Bản), chị Lê Thị Thương (quê Tiên Cẩm, Tiên Phước) thông tin, tình hình việc làm của chị và 3 LĐ cùng quê khác tại công ty vẫn đang ổn định. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên công ty khuyến cáo nhân viên hạn chế đi lại, bảo vệ sức khỏe cho bản thân bằng cách tránh đến nơi đông người. Công việc của người LĐ tại các công ty vẫn được duy trì ổn định, chỉ ít tăng ca hơn. Một số mặt hàng nhu yếu phẩm có khan hiếm.
Chị Thương cho biết: “Hàng ngày, chúng tôi vẫn nắm thông tin thường xuyên từ các kênh truyền thông chính thống của Nhật, có đọc thông tin về tình hình dịch bệnh trong nước. Gia đình liên tục liên lạc vì lo lắng, nhưng tôi tự ý thức được phải bảo vệ bản thân, nên hạn chế đến nơi đông người, sử dụng khẩu trang mọi lúc. Trong thời điểm này, các bạn ở quê có ý định đi XKLĐ thì chỉ nên học trước, chờ thời điểm thích hợp hẳn đi”.
Chị Đỗ Thi Thy đang làm việc tại tỉnh Chungbuk (Hàn Quốc) cho biết, qua nắm thông tin từ nhiều LĐ của tỉnh đang làm việc ở Hàn Quốc đã xuất hiện tâm lý lo lắng. Nhưng người LĐ của tỉnh có sự liên hệ với nhau chặt chẽ, nên dù ở xa nhau vẫn thường liên lạc, động viên nhau. Công việc của LĐ vẫn diễn ra nhưng ít tăng ca hơn, người LĐ chỉ làm đủ số giờ hàng ngày và nhận tiền lương cơ bản, không có tiền lương làm thêm giờ như mọi khi. LĐ sử dụng các biện pháp tự bảo vệ bản thân như tự cách ly, không đến nơi đông người, đeo khẩu trang đảm bảo, sử dụng nước rửa tay sát khuẩn thường xuyên. Các ngành xây dựng, nông nghiệp, người LĐ của tỉnh vẫn làm việc bình thường, riêng ngành thủy sản có một số doanh nghiệp tạm nghỉ 15 ngày để phòng dịch.
Theo chị Thy, qua liên lạc của nhóm đồng hương Quảng Nam tại Hàn Quốc, có nhiều LĐ đang rất lo sợ, nên có ý định nghỉ phép về nước để tránh dịch, nhưng lúc này về cũng sẽ bị cách ly hết thời gian nghỉ phép, nên LĐ đang phân vân giữa ở lại và về nước. Gia đình của LĐ cũng lo lắng nên cũng khuyên con em về nước, nhưng mọi người nhắc nhau ráng chờ tình hình xem thế nào. Giữa lúc công việc có phần chững lại vì dịch bệnh, chị Thy cho rằng quyết định của chúng ta tạm dừng đưa LĐ sang làm việc ở các nước có dịch bệnh là hết sức cần thiết và kịp thời. Chị Thy hy vọng tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt thì người LĐ của tỉnh mới yên tâm ở lại làm việc được.