Hội An đẩy mạnh chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Năm 2020, UBND TP.Hội An sẽ thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, kèm theo cơ chế hỗ trợ. Theo kế hoạch đã đề ra, trong năm 2020 UBND TP.Hội An sẽ mở 6 lớp dạy nghề, trong đó có 4 lớp mở theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ và 2 lớp theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, với số lượng 150 người tham gia. Các nghề đào tạo bao gồm: nghiệp vụ bếp, nhà hàng, pha chế, chăm sóc da (spa), buồng phòng, bếp bánh, lễ tân, nuôi trồng thủy sản, hoa cây cảnh. Sau đào tạo, sẽ có từ 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất, thu nhập cao hơn.
Về thành phần học viên, ưu tiên dạy nghề cho người học là phụ nữ, lao động nông thôn, người thuộc diện chính sách ưu đãi, người có công cách mạng, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo, người khuyết tật, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân... trong độ tuổi 15 - 60, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ được tổ chức tại địa phương, các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và Trường Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam. Chương trình khởi động trong tháng 3 này và sẽ mở lớp đào tạo trong quý II - 2020.
Bên cạnh việc đào tạo nghề cho người lao động, UBND thành phố còn nhiều cơ chế hỗ trợ đào tạo nếu lao động đảm bảo các điều kiện cần và đủ. Theo đó, người lao động tham gia các lớp đào tạo nghề phải trong độ tuổi lao động, có hộ khẩu thường trú tại Quảng Nam, có sức khỏe phù hợp với nghề đào tạo; có đơn đăng ký học nghề gửi tới cơ sở dạy nghề; đảm bảo thời gian học đủ chương trình đào tạo, được công nhận hoàn thành khóa học theo quy định; được doanh nghiệp ký kết hợp đồng lao động… Đối với cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp phải có trụ sở tại Quảng Nam, được cơ quan thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, có hợp đồng ký kết với doanh nghiệp về cung ứng lao động qua đào tạo; tổ chức đào tạo theo đúng chương trình, công nhận tốt nghiệp, cấp bằng chứng chỉ theo quy định; thực hiện tiếp nhận lao động sau đào tạo vào làm việc ổn định và ký kết hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện đúng chế độ tiền lương, tiền thưởng, các nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động khi làm việc tại doanh nghiệp…
Ngoài các cơ chế hỗ trợ đào tạo, người lao động nông thôn khi theo học nghề còn được hỗ trợ nhiều chính sách tối ưu, đảm bảo được việc học hành và kinh phí ăn ở, cho đến đi lại. Đồng thời tùy theo từng thành phần mà UBND thành phố có chính sách hỗ trợ khác nhau, như người khuyết tật mức hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học; người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo… được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học. Riêng ngư dân theo học các nghề vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu và có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo và hưởng cơ chế hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.