Dạy nghề lưu động: Nỗ lực vượt khó
(QNO) - Với phương châm “Mang nghề nghiệp đến từng hộ dân”, những giáo viên của Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành tốt công tác đào tạo nghề.
Bám bản dạy nghề
Thay vì huy động người dân miền núi ra huyện học tập, Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh tổ chức các lớp dạy nghề tại cơ sở theo hình thức lưu động. Cách làm này đã tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm được kinh phí cho học viên, do vậy thu hút đông đảo người tham gia. Thực hiện dạy nghề như vậy, cán bộ, giáo viên trung tâm phải chịu nhiều thiệt thòi, vất vả; bù lại, người dân được học, thực hành ngay giúp họ nhận thức, nắm bắt công việc nhanh hơn.
Anh Bùi Thế Đạt - giáo viên Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh tâm sự, với một lớp sơ cấp nghề thời gian 3 tháng ở các xã miền núi xa xôi, người giáo viên phải xin ở lại nhà học viên hoặc nhà cán bộ đoàn cơ sở để giảng dạy cho bà con. Điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, giáo viên phải tận dụng những điều kiện có sẵn để giảng dạy.
Còn theo giáo viên Vũ Văn Sự, người dân miền núi thường xuyên đi rừng, đi rẫy nên việc tập trung gặp khó khăn. Khả năng tiếp thu kiến thức của người đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, có nhiều người đọc - viết tiếng Việt còn chưa tốt. Đôi lúc học viên đi học nghề với mong muốn được nhận hỗ trợ, nên ý thức học tập chưa cao.
Ông Hứa Thành Trung - Trưởng phòng Đào tạo Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh cho biết, trung tâm trực thuộc Tỉnh đoàn nên hầu hết lớp đào tạo được tổ chức ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu để phát huy vai trò của tổ chức thanh niên. Trong khi đó, đơn vị lại đóng chân ở TP.Tam Kỳ nên việc vận chuyển thiết bị dạy nghề, việc đi lại của giáo viên; việc theo dõi, kiểm tra, giám sát các lớp đào tạo cũng là vấn đề trở ngại. Thời gian đào tạo thường diễn ra 1 - 3 tháng nên việc ăn ở của giáo viên còn bất cập.
Kết quả ghi nhận
Ông Hứa Thành Trung cho hay, chỉ tính riêng năm 2019, trung tâm đã mở hơn 40 lớp dạy nghề với hơn 1.200 học viên tham gia. Mô hình đào tạo nghề lưu động giúp học viên giảm thiểu mọi chi phí như tiền xăng xe đi lại, ăn ở, lưu trú... Nhờ vậy, hiện nay tại các vùng nông thôn, miền núi của tỉnh đã xuất hiện thêm nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả của thanh niên, trên các lĩnh vực như trang trại vườn - ao - chuồng, mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã và dịch vụ...
Theo ông Hồ Quang Lĩnh - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh, hiện nay có rất ít đơn vị tham gia việc đào tạo nghề lưu động vì định mức kinh phí đào tạo quá thấp; trang thiết bị phục vụ công tác rèn luyện tay nghề đối với các nghề phi nông nghiệp còn thiếu, cũ kỹ, lạc hậu chưa đáp ứng nhu cầu của người học nghề ngày càng cao. Cạnh đó, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS chưa được quan tâm đúng mức nên việc tuyển sinh học nghề cũng gặp khó.
Các hình thức đào tạo nghề theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” hay “truyền nghề” bắt đầu không còn phù hợp, trung tâm đang dần chuyển sang hình thức dạy nghề gắn với doanh nghiệp. Mô hình dạy nghề gắn với doanh nghiệp đã tạo được sự gắn kết giữa trung tâm với doanh nghiệp và người học nghề. Đây là một giải pháp phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay, vì sự hợp tác này đảm bảo lợi ích của cả 3 bên.
“Công tác đào tạo nghề lưu động cho lao động nông thôn trong thời gian qua đã góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi nghề nghiệp và giải quyết tốt vấn đề “ly nông bất ly hương”. Đồng thời hỗ trợ đắc lực cho người lớn tuổi, các đối tượng yếu thế và đối tượng đặc thù khác thay đổi cuộc sống theo hướng tốt hơn” - ông Lĩnh nói.