Thiếu hụt lao động cuối năm

DIỄM LỆ 19/10/2019 15:58

Thực trạng thiếu hụt lao động (LĐ) cuối năm đang diễn ra trầm trọng, khiến nhiều DN rơi vào tình thế khó khăn khi đơn hàng đã chốt. Nhiều giải pháp được tính toán nhằm đảm bảo sản xuất ổn định.

Vào thời điểm cuối năm, các công ty sử dụng nhiều lao động rơi vào cảnh thiếu hụt. Ảnh: D.L
Vào thời điểm cuối năm, các công ty sử dụng nhiều lao động rơi vào cảnh thiếu hụt. Ảnh: D.L

Thiếu LĐ trầm trọng

Khảo sát một số DN sử dụng nhiều LĐ ở lĩnh vực may mặc, giày da trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy thực trạng chung là DN nào cũng thiếu LĐ. Tại Công ty CP Hỗ trợ công nghiệp Miền Trung (CCN An Lưu, thị xã Điện Bàn) đang cần hơn 700 LĐ ở các vị trí, nhiều nhất là công nhân may. Ông Lê Châu Khương - Giám đốc Công ty cho biết: “Từ đầu năm đến nay, công ty luôn rơi vào cảnh thiếu hụt LĐ, nhất là LĐ có tay nghề may giày da. Công ty cũng có tuyển dụng được một số LĐ, nhưng lại có một số LĐ nghỉ việc, nên thiếu hụt LĐ vẫn cứ diễn ra. LĐ làm nghề may giày da với thu nhập bình quân tháng đạt 6,2 triệu đồng, nhưng họ vẫn nghỉ việc. Một số LĐ nghỉ việc chuyển qua làm bên du lịch, ở nhiều vị trí như phục vụ buồng phòng, nhân viên tạp vụ, học nghề pha chế, lễ tân. Kế hoạch năm nay đạt sản lượng là 4,5 triệu sản phẩm/năm, nhưng tình hình thế này có lẽ chỉ đạt đến 3,5 triệu sản phẩm”.

Tại Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng, do số LĐ nghỉ việc dao động liên tục nên trong những tháng cuối năm, công ty cần đến 800 LĐ nữa mới đủ bù vào các vị trí trống. Những vị trí trống chủ yếu là công nhân may, ủi, dệt nhuộm, phiên dịch tiếng Hàn. Hay như tại Công ty Vast Apparel (Tam Đàn, Phú Ninh), số LĐ cần tuyển thêm là hơn 300 người. Sự thiết hụt LĐ trong thời điểm cuối năm ngày càng căng thẳng hơn, khi các DN đang thu hút mạnh LĐ để hoàn thành những đơn hàng đã ký kết từ đầu năm.

Ông Võ Văn Lân - Phó Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Theo sở nắm được từ các DN, trên địa bàn tỉnh hiện nay đều thiếu LĐ cho những đơn hàng cuối năm, các DN đang cần nhiều mà nguồn cung thì hạn chế. Cách đây mấy hôm, có một số DN từ TP.Hồ Chí Minh cũng ra liên hệ nhờ giới thiệu, tìm kiếm LĐ. Họ hoạt động ở các lĩnh vực cần nhiều LĐ như sản xuất linh kiện điện tử, may mặc, giày da... Nhưng các DN trong tỉnh cũng đang thiếu LĐ để cung ứng thì làm sao giới thiệu. Cuối năm, tình trạng thiếu hụt LĐ sẽ kéo dài bởi lực lượng LĐ mới không có để bù đắp, LĐ dịch chuyển từ ngoại tỉnh về cũng không có”.

Giải pháp tạm thời

Tình trạng thiếu hụt LĐ khiến một số DN phải tính đến việc tăng ca. Bà Đặng Lệ Liên - Phó Giám đốc nhân sự Công ty Vast Apparel cho biết: “Công ty phải tính đến yếu tố tăng ca, nhưng đảm bảo số giờ làm thêm của người lao động theo quy định. Mỗi khi tăng ca đều phải có sự đồng ý bằng văn bản đăng ký của người LĐ. Ngoài tăng ca, công ty mẹ sẽ điều tiết đơn hàng đến nhiều nhà máy khác nhau trong nước và cả nước ngoài như Lào, Campuchia, đảm bảo đơn hàng không dồn về một nơi mà phân bổ đều, tùy tình hình LĐ đang có. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển dụng LĐ cho đến khi nào đủ số LĐ đang cần tuyển, với nhiều chế độ đãi ngộ để LĐ yên tâm làm việc”.

Trong khi đó, ngoài giải pháp tuyển dụng LĐ tại trụ sở chính của công ty, Công ty CP Hỗ trợ công nghiệp Miền Trung lại tính thêm một phương án nữa là đưa xưởng sản xuất đến với người LĐ ở vùng nông thôn. Ông Lê Châu Khương cho biết: “Hiện nay công ty đang đóng chân ở địa bàn có ngành du lịch phát triển mạnh, nên giải pháp tăng ca không được tính đến, bởi LĐ sẽ nghỉ việc để đi làm việc khác nếu tăng ca. Chúng tôi đang tính đến phương án đưa xưởng sản xuất đến với người LĐ vùng nông thôn, như Đại Lộc, Tiên Phước. Chúng tôi đã đi khảo sát, và đang chờ số liệu từ các địa phương về thị trường LĐ như thế nào mới quyết định đưa xưởng sản xuất đến nơi đó. Với cách này hy vọng công ty đảm bảo hàng hóa sản xuất ổn định bởi đã chốt đơn hàng với đối tác từ đầu năm”.

DIỄM LỆ