Heo đất Hưng Thịnh

TRẦN THỊ THU NGUYỆT 25/08/2019 15:59

Với sự nhạy bén trong nắm bắt nhu cầu thị trường, chị Ngô Thị Hương ở tổ 4, thôn Vinh Huy (xã Bình Trị, Thăng Bình) mạnh dạn ra Bắc học nghề để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp với cơ sở sản xuất heo đất.

Chị Hương đang vẽ để tạo thành hình con heo đất.
Chị Hương đang vẽ để tạo thành hình con heo đất.

Chị Ngô Thị Hương sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Bình Định Bắc (Thăng Bình). Học xong trung cấp lễ tân khách sạn, chưa tìm được việc làm phù hợp nên chị ra Đà Nẵng xin làm công nhân may để phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống và phụ ba mẹ lo cho 3 em ăn học. Đến năm 2015, chị kết hôn với anh Nguyễn Văn Hưng ở tổ 4, thôn Vinh Huy, xã Bình Trị. Sau khi kết hôn vợ chồng chị cùng làm công nhân tại TP.Đà Nẵng.

Năm 2016 sau khi sinh con được 6 tháng, chị gửi con vào cơ sở nuôi dạy trẻ để đi xin việc đỡ đần cùng chồng, cuối cùng chị xin vào đứng bán ở cửa hàng gốm sứ Đà Nẵng. Tại đây, chị đặc biệt lưu tâm đến mặt hàng heo đất được làm bằng thạch cao trông thật đẹp mắt, giá thành phù hợp, đối tượng nào cũng có thể mua về làm quà cho con cháu hoặc dùng cho gia đình tiết kiệm, vì vậy được bán rất chạy, sản phẩm cũng dễ làm nhưng cửa hàng không tự sản xuất mà lấy hàng từ Hà Nội vào.

Nắm bắt thực tế này, chị ấp ủ ý định phải mở một cơ sở sản xuất heo đất. Vào cuối năm 2017, chị quyết định ra Hà Nội để học nghề làm heo đất. Khi đã vững vàng với nghề, vào giữa năm 2018 chị về quê để chuẩn bị hướng đi mới cho tương lai của mình. Ban đầu chưa có vốn, chị mượn hai bên gia đình và được Hội LHPN xã Bình Trị tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Sản phẩm đầu tiên ra đời với biết bao kỳ vọng. Để tiếp cận thị trường, chị đã chịu khó lặn lội đi tìm khách hàng, gần nhất là Tam Kỳ, Đà Nẵng, với giá bỏ sỉ thấp hơn nhiều so với cơ sở khác. Sản phẩm của cơ sở chị đẹp, mẫu mã phong phú nên được nhiều đại lý đặt mua.

Hiện cơ sở của chị Hương sản xuất được 9 mẫu heo đất khác nhau, mỗi ngày sản xuất 120 - 150 con. Chị Hương cho biết, với mỗi con heo đất, sau khi tạo hình phải trải qua 10 ngày phơi khô mới đem đi phun nước sơn, rồi vẽ hình, trong vòng một tháng mới cho ra sản phẩm hoàn chỉnh. Mỗi lần xuất hàng 300 - 400 con heo đất, bỏ sỉ tại các đại lý ở Đà Nẵng với giá 15.000 đồng/con. Hiện nay cơ sở giải quyết việc làm cho 6 lao động với mức tiền công 300 - 450 nghìn đồng/ngày/người. “Thị trường đã ổn, nhưng sản phẩm cung cấp không đủ nên vẫn còn khó khăn. Lúc này cơ sở vẫn cần thêm vốn, thuê thêm nhân công mới mong đủ sản phẩm để mở rộng thị trường” - chị Hương tâm sự.

Tin tưởng rằng trong những năm tiếp theo, với sự vững vàng của cơ sở, ý chí quyết tâm cộng với sự tiếp sức của các cấp hội phụ nữ, cơ sở sản xuất heo đất của chị Ngô Thị Hương sẽ ngày càng phát triển, xứng đáng là một điển hình, là điểm sáng phụ nữ khởi nghiệp để nhiều chị em khác noi theo.

TRẦN THỊ THU NGUYỆT