Nợ bảo hiểm xã hội: Nỗi lo trên vai người lao động
Nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) do doanh nghiệp (DN) khó khăn, phá sản, thậm chí chây ỳ vẫn diễn ra. Phần của DN có trách nhiệm đóng cho người lao động (NLĐ) bị nợ đã đành, nhưng phần của NLĐ đóng cho bản thân họ cũng bị DN chiếm dụng. Hậu quả NLĐ gánh chịu mọi thiệt thòi khi ốm đau, thai sản, nghỉ việc...
GIAN TRUÂN ĐI ĐÒI QUYỀN LỢI
Doanh nghiệp nợ BHXH, NLĐ không hề biết. Đến lúc nghỉ việc, họ mới vỡ lẽ rằng họ không được giải quyết các chế độ. Và thế là, họ phải đi đòi quyền lợi...
Ra về tay trắng
Hơn 14 năm trước, ông Nguyễn Văn Tuyền (thôn Phú Hương, xã Đại Quang, Đại Lộc) đầu quân cho Công ty CP xây dựng Thủy lợi - thủy điện Quảng Nam (TP.Tam Kỳ). Ông Tuyền được bố trí công việc ở bộ phận quản lý kho thuộc Đội Xây lắp 2 ở khu vực Đại Lộc. Ngần ấy thời gian gắn bó, ông Tuyền tin tưởng vào việc được hưởng các chế độ của DN đối với NLĐ. Đến khi DN rơi vào khó khăn, tháng 9.2016, ông cũng như nhiều NLĐ khác đành phải nghỉ việc. Đến lúc này, ông Tuyền mới biết công ty nợ BHXH nên ông không được giải quyết bất cứ chế độ nào. Ông Tuyền nói: “Chúng tôi làm việc, đóng góp hết thời trai trẻ cho sự phát triển của công ty. Đến khi công ty khó khăn thì chúng tôi cũng thông cảm, không được hưởng quyền lợi gì vượt trội thì ít nhất chế độ BHXH của NLĐ phải được giải quyết. Nhưng những quyền lợi cơ bản nhất cũng không có. Chẳng ai chịu trách nhiệm về việc này cả, thiệt hại chỉ có NLĐ chúng tôi gánh lấy”.
Rồi ông Tuyền cùng với 6 người khác gồm Nguyễn Hữu Tuấn, Trần Quốc, Nguyễn Đồng, Võ Hữu Thiên, Lê Việt Văn, Ung Nho Giáo đành dắt nhau đi cầu cứu các cơ quan chức năng. Đơn của các ông được gửi đến Sở LĐ-TB&XH, BHXH tỉnh nhờ can thiệp. Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh tiếp nhận đơn, có văn bản yêu cầu giám đốc Công ty CP xây dựng Thủy lợi - thủy điện Quảng Nam giải quyết chế độ cho NLĐ theo quy định. Thế nhưng chế độ của những NLĐ trên vẫn không được giải quyết. Ông Tuyền, ông Đồng ngán ngẫm, đến cơ quan BHXH tỉnh xin được giải quyết chế độ tính từ thời điểm công ty hết đóng BHXH cho họ. Ông Tuyền bức xúc: “Theo quy định, khi DN chưa tuyên bố phá sản, giải thể thì chúng tôi cũng chưa thể được chốt sổ BHXH để hưởng chế độ liên quan. Vì thế mà chúng tôi lại phải tiếp tục chờ, chẳng biết đến bao giờ mới được giải quyết. Thử hỏi, phần DN có trách nhiệm đóng BHXH cho NLĐ nhưng không đóng thì họ nợ, còn phần chúng tôi tự đóng cho mình bằng việc DN trích lương hàng tháng, nhưng họ giữ lấy không đóng luôn phần này thì làm sao chúng tôi đòi được. Rồi quy định của pháp luật thế nào mà DN chiếm dụng phần tiền đóng BHXH của NLĐ như thế lại không bị xử lý?”.
Đóng đến đâu giải quyết đến đó
Công ty TNHH May Minh Hoàng II (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Bàn) nợ BHXH số tiền hơn 10 tỷ đồng, trong thời gian 20 tháng tính đến tháng 6.2019, khiến ảnh hưởng quyền lợi của 532 NLĐ đang làm việc ở đây. Hậu quả, nhiều NLĐ khi nghỉ ốm đau, thai sản không được giải quyết chế độ. NLĐ nào lên tiếng, thì công ty mới có văn bản xin cơ quan BHXH đóng phần tiền nợ của riêng người đó, để họ được giải quyết chế độ. Từ đầu năm 2019 đến nay, DN này có văn bản đề nghị và đóng số tiền nợ cho những NLĐ cần được giải quyết chế độ ngắn hạn, nên cơ quan BHXH tỉnh tạm thời giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho 322 lượt NLĐ. Như trường hợp chị Nguyễn Thị T.T bị sảy thai và nghỉ thai sản từ ngày 24.7.2018 đến ngày 1.9.2018. Đến khi đi làm lại, chị T. đề nghị công ty giải quyết chế độ thai sản. Nhưng công ty đang nợ, nên chế độ của chị bị khất lại. Chị T. dứt khoát đề nghị công ty phải giải quyết chế độ cho bản thân. Nhờ vậy mà trường hợp của chị mới được công ty này đóng phần tiền nợ BHXH. Đến ngày 4.3.2019, chị T. mới được giải quyết chế độ thai sản của mình.
Trường hợp của Công ty CP Gạch men Anh em DIC (KCN Bắc Chu Lai, Núi Thành) nợ BHXH của NLĐ tính đến nay đã 13 tháng, khiến 332 NLĐ bị ảnh hưởng quyền lợi. Chính vì nợ nên trong tháng 4.2018, tại công ty này có 14 trường hợp NLĐ nghỉ việc xin giải quyết chế độ ốm đau nhưng không giải quyết được. Khi công nhân lên tiếng, DN này mới có văn bản đề nghị được đóng phần BHXH bị nợ của những NLĐ nghỉ ốm đau, thai sản để họ được giải quyết chế độ. Và tháng 6.2019, 14 người này mới được nhận chế độ mà họ đáng ra phải nhận từ khi hết nghỉ hưởng chế độ.
NGÁN NỢ CHÂY Ỳ
Phạt lãi chậm đóng, thanh kiểm tra nhắc nhở vẫn không đủ sức răn đe những DN cố tình chậm đóng, chây ỳ trong việc đóng BHXH cho NLĐ. Có DN thực sự khó khăn, nhưng cũng có những DN cố tình chiếm dụng phần tiền này của NLĐ.
Đơn vị, DN nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của NLĐ từ 3 tháng trở lên được gọi là nợ kéo dài, nợ đọng. DN để nợ trên 6 tháng được xếp vào diện nợ chây ỳ, cần phải cảnh báo. Số đơn vị nợ từ 6 tháng trở lên trong toàn tỉnh hiện có 294 đơn vị, phần lớn là DN. Trong đó, nợ từ 6 - 12 tháng có 142 đơn vị, DN; từ 12 - 24 tháng có 64 đơn vị, DN; từ 24 - 36 tháng có 33 đơn vị, DN; từ 36 tháng trở lên có 55 đơn vị, DN. Tổng số tiền nợ kéo dài hơn 49 tỷ đồng, trong đó có phần của 13.705 NLĐ đã được trích đóng nhưng lại bị DN chiếm dụng mà không chuyển đến cơ quan BHXH để đóng cho người NLĐ.
Có những DN được xếp vào diện nợ chây ỳ, nhưng cơ quan BHXH cũng không biết có khả năng thu được nợ hay không. Đơn cử như Công ty CP xây dựng Quảng Nam - Đà Nẵng (Tam Kỳ) chỉ nợ hơn 168 triệu đồng nhưng đã để nợ 70 tháng không trả; Công ty CP Thương mại & dịch vụ Thăng Bình (Thăng Bình) đã 72 tháng nợ số tiền hơn 106 triệu đồng; Công ty CP Nhà Việt Nam Vinahouse (Điện Bàn) nợ số tiền hơn 1,7 tỷ đồng đã 46 tháng; Công ty May thời trang Việt Hương (Tam Kỳ) nợ hơn 467 triệu đồng trong 39 tháng...
Nhắc đến nợ của một số DN, ông Nguyễn Ngọc Bá - Trưởng phòng Khai thác và thu nợ (BHXH tỉnh) cho biết: “Một số DN nợ vì lý do họ thực sự khó khăn thì BHXH tỉnh và các huyện vẫn cố gắng giúp đỡ bằng cách khoanh nợ, để họ có lộ trình trả nợ. Nhưng có nhiều DN chây ỳ, cố tình vi phạm, để nợ dây dưa kéo dài mà không chịu nộp. Nhiều DN không những nợ nghĩa vụ họ phải đóng cho NLĐ, mà còn chiếm dụng luôn phần trích đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp từ tiền lương hàng tháng của NLĐ. Cuối cùng chỉ có NLĐ thiệt hại nặng nhất, mọi chế độ liên quan của họ cũng không thể giải quyết được khi DN nợ BHXH”.
Trường hợp của Công ty CP Nhà Việt Nam Vinahouse (Điện Bàn), đã có rất nhiều đoàn của các cơ quan BHXH, HĐND tỉnh, Công an tỉnh đến làm việc, đôn đốc thu nợ nhưng vẫn không khả quan. Lúc đầu, lãnh đạo DN còn làm việc với cơ quan chức năng, và hứa hẹn sẽ trả nợ để giải quyết chế độ cho NLĐ. Nhưng rồi vẫn đâu vào đấy, đến bây giờ, theo khẳng định của lãnh đạo BHXH Điện Bàn, vị giám đốc công ty này đã hoàn toàn bất hợp tác với cơ quan thu hồi nợ, khiến quyền lợi của NLĐ cứ “treo” lơ lửng. Với NLĐ làm việc tại Công ty May thời trang Việt Hương (Tam Kỳ), họ gửi đơn kêu cứu đến cơ quan chức năng, phải đi kiện, và tòa án đã thụ lý đơn thư. Nhưng đến khi phiên tòa diễn ra, chỉ có NLĐ và cơ quan BHXH TP.Tam Kỳ, còn DN bị kiện vẫn vắng bóng. Trụ sở DN không còn, ông chủ không xuất hiện, chỉ có NLĐ khốn khổ bị mất tất cả quyền lợi.
MẤT TRẮNG VÌ DOANH NGHIỆP PHÁ SẢN
Khi DN phá sản, chủ mất tích thì tài sản họ để lại chỉ là cơ sở vật chất, thiết bị không mấy giá trị. NLĐ cũng đành ngậm ngùi bỏ hết để làm lại từ đầu.
201 doanh nghiệp mất tích, đang phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn là con số để lại nhiều hệ lụy. Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng theo cơ quan BHXH tỉnh thì có khoảng 2.000 NLĐ bị ảnh hưởng bởi số tiền nợ BHXH hơn 23,2 tỷ đồng. NLĐ mệt mỏi, phải đi tìm việc mới, chấp nhận bỏ luôn sổ BHXH cùng số tiền, quyền lợi mà họ đáng ra được hưởng. Những cái tên DN nợ trải khắp trên địa bàn tỉnh. Những địa phương “dính” đến nợ khó đòi nhiều nhất như Tam Kỳ có 94 đơn vị, Hội An 52 đơn vị, Điện Bàn 11 đơn vị... Có những DN mà khi nhắc đến, cơ quan chức năng chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm. Ở Đại Lộc có Công ty CP Đồng Xanh - Nhà máy cồn Đại Tân, Điện Bàn có Công ty TNHH Quang Minh, Công ty TNHH MTV May thêu Song Châu, Công ty TNHH Ha Ba, TP.Tam Kỳ có Công ty CP Nguyên liệu giấy Miền Trung, Công ty CP Không gian Việt, Công ty TNHH Bảo Châu... Số nợ họ bỏ lại, cơ quan chức năng cũng không biết cách nào để có thể thu hồi.
Ông Nguyễn Thanh Danh - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Cơ quan BHXH đã phân loại từng nhóm đơn vị, DN nợ để có những biện pháp phù hợp. Với nhóm nợ khó thu, dù đã có nhiều cố gắng nhưng nói thật cũng “bó tay”. Hiện nay, chúng tôi đang thống kê cụ thể số NLĐ bị ảnh hưởng bởi những DN phá sản, bỏ trốn để lại số nợ lớn không thể thu hồi. Việc thống kê để dự lường những vấn đề phát sinh, nhằm có giải pháp đảm bảo an sinh xã hội. Từ đó thì cơ quan BHXH mới tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có định hướng xử lý phù hợp tình hình. Với bên thuế thì có khoanh nợ, xóa nợ nhưng BHXH là quyền lợi của NLĐ nên không thể xóa được”.
XỬ LÝ CÒN NHẸ
Quy định pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH đã có, nhưng những ách tắc đang xảy ra, khiến quyền lợi của NLĐ không thể giải quyết được. Thanh tra, kiểm tra chủ yếu để nhắc nhở là chính, việc xử lý vẫn còn rất “nhẹ tay” nên dường như có sự “nhờn thuốc”.
DN khó khăn thì nhắc nhở là chính
Trên hệ thống của ngành BHXH, từ tháng 1.2019, đơn vị nào nợ trên 3 tháng là hệ thống tự động cảnh báo, bắt buộc phải thanh tra thu hồi nợ. Nhiều DN để nợ, cơ quan BHXH thanh tra chuyên ngành, nhiệm vụ chính là đôn đốc thu hồi nợ, còn lập biên bản xử lý chỉ là biện pháp chẳng đặng đừng khi DN cố tình vi phạm. Tháng 7.2019, Thanh tra BHXH tỉnh đã thanh tra một số DN có số nợ trên 3 tháng. Thực tế thì những DN bị thanh tra đợt này chưa từng vi phạm, nhưng do kinh doanh khó khăn nên họ mới để nợ.
Tại Chi nhánh miền Trung - Công ty CP Giống gia cầm Lương Mỹ (Điện Bàn), nợ BHXH 5 tháng với số tiền nợ hơn 200 triệu đồng. Ông Nguyễn Duy Kiện - Phó Giám đốc Công ty CP Giống gia cầm Lương Mỹ phân trần: “Do ngành sản xuất, kinh doanh bên gia cầm khó khăn, nguồn tài chính không đảm bảo, thua lỗ triền miên nên cực chẳng đã chúng tôi mới để nợ. Công ty đang cố gắng duy trì hoạt động, đảm bảo tiền lương, quyền lợi của NLĐ trước mắt. Công ty đang cố gắng để hoàn thành việc nộp BHXH trong 6 tháng đầu năm ở quý 3.2019. Tháng này chỉ cố gắng hứa nộp một nửa số tiền nợ. Đến ngày 9.7.2019, lương tháng 5.2019 của cán bộ quản lý chưa có, chỉ cố gắng trả lương cho công nhân”. Sau khi đoàn thanh tra chỉ ra những quy định bắt buộc phải thực hiện việc đóng BHXH cho NLĐ, ông Kiện hứa sẽ báo cáo công ty, trích đóng phần của NLĐ nộp từ lương trước, còn phần của công ty đóng thì được trả theo lộ trình đã cam kết.
Trường hợp tại Công ty CP Dược Quảng Nam (TP.Tam Kỳ), giám đốc là bà Trịnh Thị Hiếu không nghĩ phải chuyển phần trích đóng của NLĐ mà cứ nghĩ đã chuyển đóng tiền BHXH là phải chuyển đủ cả phần của NLĐ và phần của DN phải đóng cho NLĐ. Bà Hiếu nói: “Khi đoàn thanh tra đến và phân tích, tôi mới biết quy định khi trích lương của NLĐ thì phải chuyển lên BHXH, đây là quy định khi chúng tôi biết thì mới thấy khi làm như thế sẽ giảm phần gánh nặng tài chính cho DN. Thời gian qua, công ty nợ 6 tháng BHXH là do có khó khăn về tài chính nên mới để nợ hơn 247 triệu đồng. Đến đầu tháng 7.2019, công ty đã chuyển khoản hơn 115 triệu đồng tiền nợ BHXH của NLĐ trong quý 1.2019, và sẽ chuyển tiền nợ của quý 2.2019. Sau đó trích nộp hàng tháng đúng quy định”.
Ách tắc khởi kiện
Trong kỳ họp HĐND tỉnh mới đây, vấn đề nợ BHXH khiến nhiều đại biểu rất quan tâm, và nhiều đại biểu cũng bày tỏ bức xúc khi DN nợ mà không thể xử lý được để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh kiến nghị: “Vấn nạn nợ BHXH khiến quyền lợi của bao nhiêu NLĐ bị ảnh hưởng, nhất là NLĐ nữ khi ốm đau, thai sản cũng không được giải quyết chế độ. Theo tôi thì tỉnh cần xử lý dứt điểm những DN nợ BHXH quá nhiều và quá lâu, NLĐ bị tước đoạt cả số tiền bản thân họ đóng vào khi bị DN chiếm dụng. Chúng ta cần xử lý một vài trường hợp cho dứt điểm, mang tính răn đe mạnh mẽ, chứ cứ để như thế thì DN không sợ”.
Việc khởi kiện DN nợ BHXH từ khi chuyển qua cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh - là tổ chức đại diện cho NLĐ, thì chỉ mới khởi kiện được 1 trường hợp. Khi khởi kiện, ra đến phiên hòa giải thì DN bị khởi kiện đã cam kết lộ trình và trả được nợ, nên không phải xử lý. Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Liên đoàn Lao động các cấp cố gắng làm tốt vai trò của tổ chức công đoàn, như tổ chức đối thoại với NLĐ, giám sát, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với NLĐ tại các DN. Vấn đề khởi kiện không thể thực hiện được thủ tục như quy định. Khi công đoàn muốn khởi kiện thì ở DN đó ít nhất có 2 biên bản xử phạt hành chính của đoàn thanh tra liên ngành. Nhưng DN có nợ BHXH chủ yếu cũng chỉ nhắc nhở, chứ lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính thì chưa có. Phía NLĐ phải có ý kiến, có ủy quyền công đoàn cơ sở tại chỗ khởi kiện, nếu họ không làm được thì mới kiến nghị cấp trên khởi kiện. Nhưng thực tế điều này không thể nào làm được. Mà NLĐ ngại kiện, vì kiện thì sợ bị đuổi việc, thậm chí tổ chức công đoàn cơ sở cũng không dám đối đầu với chủ DN để khởi kiện. Nếu tổ chức công đoàn cấp trên muốn khởi kiện cũng không được, vì không có giấy ủy quyền của NLĐ thì tòa án không chấp nhận hồ sơ khởi kiện”. Đây là những kẽ hở khiến việc xử lý những trường hợp nợ chây ỳ hoặc trốn đóng BHXH gặp nhiều khó khăn, cần sớm được cơ quan chức năng tháo gỡ.
Ông Nguyễn Thanh Danh khẳng định với các đơn vị cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH thì cơ quan BHXH hoàn toàn có thể chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra, xử lý. Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp rất rõ ràng. Cụ thể, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên; trốn đóng BHXH từ 50 triệu đồng trở lên; trốn đóng BHXH cho từ 10 người trở lên; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tái phạm...