Cơ hội cho lao động vùng khó khăn

05/12/2018 06:24

Lao động các huyện nghèo và các xã bãi ngang ven biển có cơ hội đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Hàn Quốc theo chương trình EPS trong ngành nông nghiệp. Tuyên truyền để giúp lao động tiếp cận với chương trình này đang được các huyện vào cuộc thực hiện.

Lao động thuộc các huyện nghèo, xã bãi ngang ven biển sẽ có cơ hội đi xuất khẩu lao động miễn phí tại Hàn Quốc. Ảnh: D.L
Lao động thuộc các huyện nghèo, xã bãi ngang ven biển sẽ có cơ hội đi xuất khẩu lao động miễn phí tại Hàn Quốc. Ảnh: D.L

Miễn phí

Lao động thuộc 6 huyện miền núi gồm Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang và 8 xã bãi ngang ven biển của 3 huyện Thăng Bình, Núi Thành, Duy Xuyên sẽ có cơ hội đi làm việc miễn phí ở Hàn Quốc theo Chương trình EPS trong ngành nông nghiệp. Đối với các xã bãi ngang ven biển ở các huyện Thăng Bình, Núi Thành và Duy Xuyên, lao động đã tiếp cận với XKLĐ rộng rãi, nhất là trong ngành ngư nghiệp. Nhưng với 6 huyện miền núi, lao động đi làm việc ở các nước có chất lượng cao, thu nhập tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc rất ít. Qua kênh của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, đến 30.11.2018, huyện Tây Giang chỉ có 1 người đi làm việc ở Hàn Quốc; Phước Sơn có 3 lao động xuất cảnh đến Hàn Quốc, Nhật Bản; các huyện Nam Giang, Đông Giang, Nam Trà My không có lao động nào đi XKLĐ; huyện Bắc Trà My có được 3 người đi làm việc ở Nhật Bản. Rõ ràng, so với tiềm năng lao động ở các huyện này, số lượng người đi XKLĐ sang các thị trường chất lượng cao còn quá ít. Ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản đòi hỏi cao về yêu cầu tay nghề, ngoại ngữ, trình độ kỹ thuật nên lao động ở các huyện miền núi khó tiếp cận. Hơn nữa, lao động miền núi còn gặp rào cản về vấn đề tài chính nên không thể đi theo con đường do các doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng, đào tạo. Trong khi đó các chương trình miễn phí thuộc ngành công nghiệp, dịch vụ, xây dựng thì họ không tiếp cận được. Vì thế, đợt này có chương trình miễn phí trong ngành nông nghiệp tại Hàn Quốc sẽ là cơ hội tốt cho lao động ở các huyện nghèo, khó khăn của tỉnh”.

Theo thông báo của Bộ Việc làm và lao động Hàn Quốc phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam, đợt tuyển dụng lao động theo chương trình EPS trong ngành nông nghiệp sẽ bắt đầu từ ngày 10.12.2018. lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn theo Chương trình EPS phải đạt được các yêu cầu nằm trong độ tuổi 18 -  39 tuổi, đảm bảo về sức khỏe, không có tiền án tiền sự, chưa từng bị trục xuất khỏi Hàn Quốc, không có thân nhân đang cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc... Đồng thời sẽ được hỗ trợ học tiếng Hàn trước khi dự thi từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Người lao động đạt yêu cầu tiếng Hàn mới làm hồ sơ dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc để giới thiệu với doanh nghiệp nước này. Sau khi được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn ký hợp đồng, người lao động mới làm thủ tục đi làm việc tại Hàn Quốc.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký của lao động từ ngày 10.12 đến 12.12.2018 tại Sở LĐ-TB&XH hoặc trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Thời gian tổ chức kỳ thi từ ngày 11.3 đến 15.3.2019. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã thông báo rộng rãi về kỳ thi này đến các huyện được hưởng thụ chương trình, để các huyện thông tin đến người lao động. Ông Võ Như Sơn Trà - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My cho biết: “Trước đây, các ngành, đoàn thể ở Nam Trà My đã từng nản lòng sau những vụ việc vỡ lở từ XKLĐ đi Malaysia, lao động cũng mất niềm tin. Nhưng thời gian gần đây, huyện đẩy mạnh tuyên truyền trở lại, chú trọng lựa chọn lao động có chất lượng dự nguồn cho các đợt đi XKLĐ ở Hàn Quốc, Nhật Bản. Huyện vẫn chưa có người nào đi XKLĐ ở các thị trường này do chi phí cao nên khó tiếp cận. Bây giờ có chương trình đi miễn phí trong ngành nông nghiệp, huyện sẽ tuyên truyền đến lực lượng lao động để họ lựa chọn đăng ký, tạo cơ hội việc làm góp phần giảm nghèo bền vững”.

Đối với huyện Bắc Trà My hay Phước Sơn, đã có lao động đi XKLĐ, nên các huyện sẽ đến trực tiếp gặp các gia đình, tìm hiểu xem con em họ đi làm hiệu quả ra sao. Từ đó, huyện mời gia đình của những người đã đi XKLĐ mang lại nguồn kinh tế tốt làm tuyên truyền viên theo hướng “người thật việc thật”. Các huyện sẽ chú trọng đến lực lượng lao động là người Kinh sinh sống trên địa bàn huyện để vận động, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ chỉ chọn những người có trình độ học vấn cấp bậc THPT. Quan trọng lao động có nguyện vọng, quyết tâm đi XKLĐ sẽ là lựa chọn ưu tiên của các huyện.

DIỄM LỆ