Chỗ dựa khi thất nghiệp
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) luôn là chỗ dựa cho người lao động khi thất nghiệp, giúp họ trang trải cuộc sống trong khi tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp.
Người lao động làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: D.L |
Người lao động yên tâm
Từ ngày 30.8, anh Huỳnh Đình Phước (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) bắt đầu được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian 3 tháng. Mỗi tháng, mức trợ cấp anh Phước được nhận hơn 2 triệu đồng. Trước khi thất nghiệp, anh Phước là công nhân may ở KCN Điện Nam - Điện Ngọc, do công việc không thuận lợi, anh Phước xin nghỉ việc. Khi đến cơ sở của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tại thị xã Điện Bàn làm hồ sơ hưởng chế độ BHTN, anh Phước đã được cán bộ chuyên môn tư vấn những nội dung cần thiết như được hỗ trợ học nghề, hưởng trợ cấp. Tuy nhiên, anh Phước cũng phải có trách nhiệm tìm kiếm việc làm cho bản thân, khi có việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp BHTN thì thông báo cho Trung tâm Dịch vụ việc làm. Anh Phước nói: “Việc tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm là cơ sở để tôi hưởng BHTN đúng quy định. Khoản tiền nhận được không nhiều nhưng góp phần giúp tôi không phải lo lắng trong quãng thời gian tìm việc mới”.
Trong 8 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có 8.343 người nộp hồ sơ hưởng BHTN, trong đó có 1.700 người từ các địa phương khác nộp về tỉnh để được giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp. Sở LĐ-TB&XH đã ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho 7.970 trường hợp, với số tiền hơn 85 tỷ đồng. Trong số những người đã làm hồ sơ hưởng trợ cấp BHTN, có 97 trường hợp bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp vì có việc làm mới, có 119 trường hợp sau khi tìm được việc làm mới đã dừng hưởng trợ cấp BHTN, và 142 người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề. |
Còn đối với anh Nguyễn Quốc Khánh (TP.Hội An) sau khi thất nghiệp đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tại Điện Bàn cung cấp thông tin để hưởng chế độ liên quan. Anh Khánh có trình độ đại học kế toán, làm kế toán cho doanh nghiệp được hợp đồng dài hạn. Nhưng do áp lực công việc, anh xin nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội phù hợp. Khi nghỉ việc, số tháng anh Khánh đã đóng BHTN là 112 tháng, nên số tháng được hưởng BHTN của anh là 9 tháng, bình quân một tháng hơn 4,8 triệu đồng. Tổng số tiền BHTN anh Khánh được hưởng khá lớn, đó là nguồn hỗ trợ đắc lực cho anh trong thời gian thất nghiệp. Anh Khánh cũng hiểu rõ rằng nếu có việc làm lại trong thời gian đang hưởng BHTN, anh sẽ thông báo cho cơ quan chức năng, không hưởng BHTN nữa để được tiếp tục cộng dồn thời gian hưởng chế độ.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Khi thất nghiệp, người lao động không chỉ được hưởng chế độ, mà còn được hỗ trợ học nghề phù hợp. Như anh Lê Tự Hùng (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) sau khi mất việc làm tại một công ty xây dựng, anh có nhu cầu học nghề lái xe ô tô và được hỗ trợ học nghề trong 4 tháng, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Theo anh Hùng, việc chọn học nghề lái xe sẽ chủ động hơn khi tìm việc như lái taxi hoặc làm việc tại các công ty vận tải. Đây thực sự là chính sách hỗ trợ cần thiết cho người lao động, vừa có thể trang trải cuộc sống, lại được hỗ trợ học nghề theo nguyện vọng nhằm ổn định sinh kế sau này.
Ông Võ Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Mỗi ngày có hàng chục lượt lao động đến trung tâm đề nghị làm hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp. Chế độ BHTN từ khi ra đời đến nay đã hỗ trợ tích cực cho người lao động khi mất việc làm, là chỗ dựa cho họ và gia đình. Chúng tôi ngoài giải quyết chế độ cũng kết hợp tuyên truyền chính sách đến người lao động, để họ hiểu rõ hơn về chế độ, quyền và nghĩa vụ của bản thân mà thực hiện đúng. Người lao động đóng BHTN từ 12 đến 36 tháng thì được hưởng 3 tháng, thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng nhưng không quá 12 tháng hưởng. Người lao động có mức hưởng là 60% của bình quân 6 tháng lương tham gia BHTN liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc mức lương tối thiểu vùng quy định của Chính phủ”.
LÊ DIỄM