Trăn trở đào tạo nghề
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) ở Điện Bàn đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, người làm công tác này đang trăn trở trước những hạn chế phát sinh trong quá trìnhtriển khai thực hiện.
Công nhân đang lao động tại nhà máy may mặc Châu Sơn. Ảnh: C.TÚ |
Nỗ lực triển khai
Thời gian qua, UBND thị xã Điện Bàn giao cho Phòng LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với các ngành, đoàn thể và các địa phương khảo sát lực lượng lao động trong độ tuổi nhưng chưa có việc làm, chưa được đào tạo nghề để tư vấn về chọn nghề, học nghề, lập nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, năng suất lao động. Thị xã kỳ vọng huy động mọi nguồn lực tập trung cho các chương trình đào tạo nguồn nhân lực với trình độ và hình thức phù hợp, đảm bảo 100% người dân có nhu cầu được đào tạo nghề. “Không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, chúng tôi còn mong muốn triển khai hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, vừa thực hiện chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động sang hướng công nghiệp - dịch vụ” - Trưởng phòng LĐ-TB&XH thị xã Trần Thị Trị chia sẻ. Theo bà Trị, các ngành chức năng của thị xã đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho LĐNT. Ngoài chuyên mục phát trên đài thị xã, tài liệu đào tạo nghề và giải quyết việc làm còn được chuyển đến từng thôn, khối phố. Các địa phương, đoàn thể tích cực phối hợp khảo sát nhu cầu học và tìm việc làm đúng đối tượng, đủ số lượng, đúng nghề mà LĐNT cần. Chưa kể, họ có cơ hội lựa chọn nghề, làm công việc phù hợp thông qua các phiên chợ việc làm.
Thống kê cho thấy, từ năm 2015 đến 31.5.2017, Điện Bàn đã phối hợp tổ chức 20 lớp đào tạo 643 LĐNT. Trong đó, đào tạo phi nông nghiệp chiếm 6 lớp với 194 người, còn lại là nông nghiệp. LĐNT chủ yếu học may mặc, chế biến món ăn, vỗ béo cho bò, điều trị bệnh gia súc, trồng lúa năng suất cao, chăm sóc cây cảnh, sử dụng thuốc thú y… Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH Điện Bàn, ông Trần Ngọc Hưng thông tin thêm, năm 2017 thị xã mở 5 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 162 người và 9 lớp đào tạo nghề nông nghiệp với 295 người tham gia. Những lớp này được thực hiện theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai Quyết định số 3577/QĐ-UBND của UBND tỉnh, ngành phối hợp với Công ty CP công nghiệp hỗ trợ miền Trung tổ chức đào tạo 4 lớp với 102 lao động. Toàn bộ số lao động vừa nêu được doanh nghiệp (DN) tiếp nhận vào làm việc. Đóng tại xã Điện Quang, nhà máy may mặc Châu Sơn của Công ty CP Châu Sơn Toàn Cầu chính thức hoạt động mấy tháng gần đây. DN đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH Điện Bàn, Trường Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam mở 2 lớp đào tạo nghề may cho 43 lao động mình tiếp nhận. Để dần ổn định sản xuất kinh doanh, Phó Giám đốc Công ty CP Châu Sơn Toàn Cầu - ông Ngô Thanh Tuấn cho biết sẽ tiếp tục phối hợp để đào tạo nghề may cho 30 người, dự kiến mở lớp vào trung tuần tháng 8 năm nay.
Còn đó trăn trở
Sau khi được đào tạo nghề, nhiều thành viên lớp học trở về địa phương tham gia các câu lạc bộ, tổ hợp tác, là nhân tố tích cực đẩy mạnh ngành nghề đang sản xuất kinh doanh. Cạnh đó, các mô hình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thấy tính hiệu quả, tiêu biểu như mộc mỹ nghệ ở xã Điện Phong, mây tre đan tại xã Điện Thọ. Hội LHPN thị xã là đơn vị đã phối hợp mở nhiều lớp đào tạo nghề kỹ thuật chế biến món ăn và may cơ bản cho hội viên phụ nữ. Riêng năm 2017, 4 lớp được hình thành với sự tham gia của 133 chị em. Chủ tịch Hội LHPN thị xã Đinh Thị Lệ cho biết, 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục có 2 lớp đào tạo nghề kỹ thuật chế biến món ăn tại 2 xã Điện Quang, Điện Thắng Trung và 1 lớp may công nghiệp tại xã Điện Phong đã bế giảng. Thực tế cho thấy, học viên nắm vững kỹ thuật nên tham gia rất hiệu quả vào mô hình nấu ăn ở địa phương mình, điển hình là tại 2 xã Điện Thọ và Điện Phước. Họ không khác gì đầu bếp chuyên nghiệp, chế biến và cung cấp món ăn tinh tế, ngon miệng cho thực khách có nhu cầu, kể cả ngoài địa bàn thị xã. Dịch vụ trên góp phần giải quyết việc làm ổn định, mang thu nhập cao cho hội viên phụ nữ.
Tuy nhiên, Phòng LĐ-TB&XH Điện Bàn thừa nhận, thực tế triển khai đào tạo nghề LĐNT đang đối mặt với nhiều tồn tại hạn chế. Chẳng hạn, nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật và công nhân có tay nghề cao của các DN tại các khu, cụm công nghiệp và dịch vụ với số lượng rất lớn khiến cho đào tạo nghề chạy theo không kịp. Trong khi đó, một số địa chỉ chuyên dạy nghề thiếu các công nghệ, thiết bị thế hệ mới cho đào tạo đúng như DN đang sở hữu nên LĐNT khi ra trường lại không đáp ứng yêu cầu sử dụng. Ông Trần Ngọc Hưng dẫn chứng thêm, có ngành đào tạo xong nhưng lương quá thấp, lại làm việc trong môi trường khắt khe khiến cho LĐNT làm một thời gian rồi bỏ việc. Nguồn lao động từ địa phương khác đến nhập cư ngày càng đông, do đó việc tiếp cận đào tạo cho đối tượng này không hề dễ dàng. Ngược lại, cán bộ theo dõi công tác này ở cấp xã, phường chỉ bố trí kiêm nhiệm, thế nên đôi lúc họ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm dẫn đến khâu tuyên truyền tư vấn, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề đạt kết quả chưa cao. Hiện nay, kinh phí phân bổ cho địa phương quá ít so với thực tế, vì vậy phải “liệu cơm gắp mắm”. Đơn cử, kế hoạch đặt ra về kinh phí đào tạo nghề cho LĐNT năm 2017 là 1,2 tỷ đồng, song chỉ được tỉnh phân bổ 400 triệu đồng. Ngoài ra, việc tổ chức đào tạo lao động cho các chương trình dự án trọng điểm chưa đạt kết quả theo chỉ tiêu của cấp trên giao là 1.000 người.
CÔNG TÚ