Quyết liệt giảm nghèo
Nửa nhiệm kỳ 2015 - 2020 ghi dấu ấn với sự vào cuộc quyết liệt trong công cuộc giảm nghèo, từ sự chỉ đạo đến việc thực hiện đồng bộ các chính sách liên quan.
Hộ nghèo không có ý chí vươn lên thoát nghèo sẽ không được ưu tiên hỗ trợ. Ảnh: D.L |
Cộng lực từ nhiều chính sách
Các chính sách dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện nay đang được thực hiện rất nhiều, từ Trung ương đến địa phương. Từ năm 2016 - 2018 nguồn ngân sách nhà nước đã phân bổ hơn 839 tỷ đồng thực hiện các mục tiêu giảm nghèo theo Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nguồn vốn này tỉnh đã tổ chức thực hiện 5 dự án thành phần thuộc chương trình. Toàn tỉnh đã có hơn 15 nghìn lượt hộ nghèo, hơn 10 nghìn lượt hộ cận nghèo vay tổng nguồn vốn ưu đãi hơn 803 tỷ đồng; tuyển sinh, dạy nghề và bồi dưỡng, tập huấn nghề nghiệp cho hơn 71 nghìn lượt người. Người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo còn được cấp miễn phí hơn 720 nghìn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Ngoài ra, các nhóm người thuộc hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người bị mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em mổ tim bẩm sinh còn được hỗ trợ khám chữa bệnh, tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng. Theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ xây mới và cải tạo nhà ở của 429 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở kinh phí hơn 6,4 tỷ đồng; cho vay làm nhà cho 1.191 lượt hộ nghèo. Hộ nghèo còn được hỗ trợ kinh phí sử dụng điện, chi phí học tập cho con em, hỗ trợ sinh kế, phương tiện sản xuất, hỗ trợ pháp lý...
Ngoài các chính sách của Trung ương, năm 2016 - 2017, Quảng Nam còn thực hiện Nghị quyết số 31/2011 của HĐND tỉnh về hỗ trợ khuyến khích thoát nghèo bền vững. Các địa phương đã hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT cho hơn 118 nghìn người thuộc hộ cận nghèo theo quy định của Luật BHYT (trong đó, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ đóng 70%); hỗ trợ cho 244 người làm công tác giảm nghèo của 244 xã, phường, thị trấn với mức bằng 30% mức tiền lương cơ sở. Có 7.336 hộ/29.679 nhân khẩu thoát nghèo bền vững theo đăng ký năm 2015 được thưởng (5 triệu đồng/hộ), 10 thôn thoát nghèo được thưởng tiền để xây dựng công trình phúc lợi cho thôn. Chính sách của tỉnh còn mua và cấp hơn 18 nghìn thẻ BHYT đối với người thuộc hộ thoát nghèo, giải quyết hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh các cấp phổ thông, cấp bù học phí cho học sinh, sinh viên và hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các đối tượng theo quy định.
Năm 2017, chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 13/2017 của HĐND tỉnh. Các địa phương tổ chức cho hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập (trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội) và hộ cận nghèo năm 2016 đăng ký thoát nghèo bền vững. Kết quả phát động đăng ký thoát nghèo bền vững năm 2017, toàn tỉnh đã công nhận và phê duyệt được 3.567 hộ nghèo thoát nghèo bền vững vượt qua chuẩn cận nghèo và 5.801 hộ cận nghèo được công nhận thoát cận nghèo bền vững. UBND tỉnh đã cấp hơn 83 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 13, trong đó khen thưởng cho 3.567 hộ nghèo được công nhận thoát nghèo bền vững, thưởng cho cộng đồng thôn có hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững.
Khó vẫn phải làm
Địa chỉ hệ thống phần mềm quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh: http://qlhongheo.sldtbxh.quangnam.gov.vn Tài khoản: quangnamtk Mật khẩu: 1234567 Các địa phương, cơ quan, đơn vị có thể truy cập vào địa chỉ trên khai thác thông tin phục vụ cho việc hoạch định các chính sách kinh tế, xã hội. |
Đánh giá về việc thực hiện giảm nghèo, ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhận định: “Là cơ quan thường trực thực hiện công tác giảm nghèo của tỉnh, chúng tôi nhận thấy các địa phương đã rất quyết liệt trong công tác này. Cụ thể, đầu năm 2016 tỉnh có 51.817 hộ nghèo, tỷ lệ 12,90%; đến đầu năm 2018, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 38.112 hộ, tỷ lệ 9,28%. Khu vực đồng bằng tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững hơn khu vực miền núi, hiện nay đồng bằng tỷ lệ hộ nghèo còn 4,16%, trong khi miền núi đến 30,19%. Như vậy, đối với mục tiêu “Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm được 3,62% (tương ứng giảm 13.705 hộ nghèo), bình quân giảm 1,81%/năm (tương ứng giảm 6.852 hộ/năm)”, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện chưa đạt so với mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra”.
Ông Triều còn phân tích thêm một số mục tiêu khác qua nửa nhiệm kỳ. Như đối với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 “Các thành phố, thị xã không còn hộ nghèo”, qua nửa nhiệm kỳ, 2 thành phố và thị xã của tỉnh còn 1.619 hộ nghèo, tỷ lệ 1,51%. Nếu trừ đi hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, người cao tuổi thì tỷ lệ còn 0,36%. Như vậy đến năm 2020 sẽ đạt mục tiêu đề ra. Đối với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 “Các huyện đồng bằng tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%”, hiện nay, khu vực đồng bằng còn 13.707 hộ nghèo, tỷ lệ 4,16%, sau khi trừ đi hộ nghèo diện bảo trợ xã hội và hộ không có điều kiện để thoát nghèo thì tỷ lệ còn 1,27%, đã đạt mục tiêu đề ra. Riêng mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 “Các huyện trung du miền núi ở mức dưới 7% (không bao gồm hộ nghèo thuộc chính sách BTXH thuộc diện trợ cấp xã hội thường xuyên)” sẽ khó đạt được.
Theo ông Triều, dù khó, nhưng tỉnh đang tính đến những phương án giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Hiện Quảng Nam đang xây dựng đề án hỗ trợ hộ nghèo yếu thế gồm hộ nghèo diện bảo trợ xã hội và hộ nghèo là người có công thoát nghèo bằng các chính sách hỗ trợ trực tiếp. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục phát động nhiều phong trào có ý nghĩa để hỗ trợ giảm nghèo như “Quỹ Ngày vì người nghèo”, “Quảng Nam chung tay với người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh đang vào cuộc tích cực giúp hội viên nghèo thông qua hỗ trợ sinh kế phù hợp, cầm tay chỉ việc... Qua nhiều cuộc họp bàn và cách thức thực hiện, có thể thấy địa phương đã và đang tập trung mọi nguồn lực, nhất là nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới để ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý chí, điều kiện và khả năng thoát nghèo, tự nguyện đăng ký thoát nghèo, không hỗ trợ cho những hộ nghèo, cận nghèo không đăng ký thoát nghèo nhằm xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, giúp đỡ của xã hội. Đồng thời đề xuất tập trung hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo giải quyết các chỉ số thiếu hụt đa chiều 5 dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin) để đảm bảo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và thoát nghèo bền vững.
LÊ DIỄM