Sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Theo hướng mở và linh hoạt (bài 2)
BÀI 2: LẤY Ý KIẾN, XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Từ khi Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 19 đến nay, việc tham khảo ý kiến của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) về sáp nhập, giải thể được Sở LĐ-TB&XH triển khai rộng rãi, làm cơ sở xây dựng đề án để thực hiện tối ưu.
Tin liên quan
|
Công tác tuyển sinh đào tạo tại các cơ sở GDNN có sự giẫm chân nhau nên cần thiết sắp xếp lại. Ảnh: D.L |
Sắp xếp theo khu vực
Khi chủ trương sắp xếp cơ sở GDNN được đưa ra bàn thảo, các trường nghề trong tỉnh đều chia sẻ quan điểm và có những kiến nghị góp ý trong việc xây dựng đề án để thực hiện, bởi đây là những đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp. Ông Đặng Nam Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam thẳng thắn nhìn nhận, về mặt quản lý nhà nước, trong định hướng phát triển cơ sở dạy nghề chưa lường trước được quy hoạch phát triển phù hợp nên giờ mới có một mạng lưới quá nhiều trường nghề, gây chồng chéo, lãng phí. Có một thời chủ trương từ trung ương đến địa phương phải đẩy mạnh thành lập cơ sở dạy nghề, thậm chí mỗi huyện có một trung tâm dạy nghề, nên gây ra thực trạng như hiện nay. “Đến nay đã bộc lộ những bất cập trong đào tạo nghề, sắp xếp lại là quy luật tất yếu. Nhưng việc sắp xếp nên tùy theo khả năng đào tạo của mỗi trường và theo khu vực trọng điểm phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Như Trường Trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam nhập với trường Trung cấp Văn hóa, nghệ thuật & du lịch sẽ hợp lý vì hai nơi đều đào tạo mạnh về du lịch, tập trung cho khu vực cánh bắc Quảng Nam vì nơi đây định hướng đầu tư du lịch, dịch vụ mạnh hơn” - ông Đặng Nam Phương nêu ý kiến.
Trong khi nhiều ý kiến đồng ý nên giữ nguyên trường miền núi, thì ông Nguyễn Quí Quý - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề thanh niên, dân tộc miền núi tỉnh lại nghĩ khác. “Tôi thống nhất phương án giữ trường y tế, còn các trường khác, kể cả trường miền núi, sáp nhập thành một trường cao đẳng. Theo tôi không phải chuyện sáp nhập khó hay dễ, mà vấn đề là có đổi mới được hoạt động GDNN hay không. Các trường nghề hiện nay đều rơi vào thực trạng thừa - thiếu nội bộ con người và thiết bị đào tạo. Thế nên cần sắp xếp lại để luân chuyển hợp lý, sắp xếp toàn bộ thì sẽ điều chuyển dễ dàng hơn. Khi sắp xếp cần quan tâm đến con người, vì đó là yếu tố quan trọng nhất, tác động mạnh đến tâm lý, điều kiện của mỗi giáo viên. Đằng nào cũng sắp xếp lại, thế nên xác định cần thực hiện ngay chứ không kéo dài thành ra kéo dài sự chờ đợi, tâm lý xáo trộn thì dạy cũng không hiệu quả” - ông Quý kiến nghị. |
Ông Hồ Văn Quang - Hiệu phó phụ trách Trường Trung cấp Văn hóa, nghệ thuật & du lịch Quảng Nam cho rằng nên đánh giá thực trạng, năng lực của mỗi trường nghề để thực hiện việc sắp xếp cho phù hợp. Theo ông Quang hiện nay khó đánh giá được vì tuyển sinh có sự dẫm chân, chồng chéo, đào tạo kém hiệu quả. Khi sắp xếp lại, ông Quang đề xuất chia ra làm 3 mảng, thứ nhất mảng y tế - sức khỏe đã có Trường Cao đẳng Y tế tỉnh, mảng kỹ thuật - công nghiệp nên tập trung tại các trường mạnh ngành nghề này, và nhập các trường thiên về đào tạo mảng du lịch - dịch vụ - giải trí. Về khu vực, mảng y tế đào tạo tại trung tâm tỉnh, nơi đào tạo du lịch - dịch vụ tập trung ở phía bắc của tỉnh, kỹ thuật - công nghiệp thì tập trung khu vực phía nam, và thêm một trường chuyên biệt ở miền núi thì tỉnh sẽ hình thành nên 4 cụm trường GDNN.
Quan điểm của những người đang quản lý các trường nghề của tỉnh đều đồng ý rằng định hướng của tỉnh trong phát triển kinh tế, xã hội cần được nhìn nhận để sắp xếp, đầu tư phù hợp. Và khi sắp xếp mạng lưới GDNN, tỉnh cũng cần tính toán đến quy hoạch mạng lưới của trung ương về đầu tư nghề trọng điểm, hiện nay tỉnh có đến 5 trường được đầu tư nghề trọng điểm. Đồng thời là tỉnh có tiềm năng về du lịch nên phải có trường chuyên về du lịch ở phía bắc. Có trường chuyên về kỹ thuật công nghiệp, nông nghiệp có thể phân bố ở trung tâm tỉnh và khu vực phía nam. Riêng khu vực miền núi, nhiều ý kiến cho rằng cần giữ nguyên, vì Quảng Nam có đến 9 huyện miền núi, địa bàn rộng, dân cư đông đúc nên phải có trường miền núi đầu tư thành trường đào tạo đặc thù, chuyên biệt. Tuy nhiên, khi sắp xếp lại sẽ chưa biết bố trí việc đào tạo các nghề dưới 3 tháng vào đâu nên cần tính toán đến một trung tâm GDNN tập trung để đào tạo nghề dưới 3 tháng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hoặc có thể phân cấp đào tạo tại các cơ sở GDNN phù hợp sau khi sắp xếp.
Cần thiết thực hiện
Ông Đặng Đôi - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam nói sẽ ủng hộ chủ trương sắp xếp lại các cơ sở GDNN và cho rằng cần quyết liệt thực hiện phương án sáp nhập, giải thể trường hoạt động không hiệu quả. Sự điều chỉnh nào cũng phải theo sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp, nhưng khi xây dựng đề án không thể bỏ qua ngành nông nghiệp và công nghiệp không khói. Theo ông Đôi, cần xác định nội hàm “đổi mới căn bản” có nghĩa cũng cần đổi mới công tác quản lý hoạt động GDNN, như thế sẽ tạo được bước đột phá trong công cuộc đào tạo nhân lực. Và điều ông quan tâm nữa là quy về một đầu mối quản lý phải tính đến yếu tố con người; phải là người quản lý có tầm. Do đó ông Đôi đề nghị dự thảo đề án sắp xếp cơ sở GDNN cần xem trọng những vấn đề này. “Nói là sắp xếp, nhưng từ nay đến năm 2019 các cơ sở GDNN cũng phải hoạt động bình thường, vẫn phải tuyển sinh và đào tạo. Có một điều cơ quan quản lý cần chú ý là câu chuyện sắp xếp cơ sở GDNN gây ảnh hưởng không ít đến tâm lý cán bộ, giáo viên các trường nghề và cả người học. Vì thế tôi kiến nghị nên thực hiện nhanh, không kéo dài làm ảnh hưởng lớn đến các trường trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề” - ông Đôi nói.
Ông Lương Văn Vui - Hiệu trưởng Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam cũng thống nhất rằng Nghị quyết 19 nhất thiết phải thực hiện, nhanh nhưng cần theo đúng Luật GDNN. Sắp xếp lại nghĩa là đang tính cả việc quy hoạch mạng lưới GDNN của tỉnh sao cho phù hợp với quy hoạch của trung ương được Chính phủ phê duyệt. Ông Vui còn quan tâm đến một khía cạnh khác: “Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 5.700 người học nghề, mục tiêu năm 2020 phải đạt 10.000 người học các bậc học cao đẳng, đại học. Nhưng những khó khăn trong tuyển sinh đào tạo nghề sẽ là rào cản cho mục tiêu này thành hiện thực. Đến năm 2020, kế hoạch phân luồng 40% số học sinh tốt nghiệp THCS vào trung cấp chuyên nghiệp và 40% số học sinh tốt nghiệp THPT vào học cao đẳng. Vì thế khi sắp xếp lại cũng cần tính đến mục tiêu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh”. Trên cơ sở tính toán bài toán nhân lực, theo ông Vui nếu cả tỉnh chỉ còn một trường thì khó quá, trong điều kiện tuyển sinh khó khăn, địa bàn quá rộng. Ông Vui kiến nghị giữ nguyên Trường Cao đẳng Y tế vì chuyên môn sâu, trường miền núi cũng nên giữ nguyên, còn các trường khác cần sắp xếp theo thực lực và định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. “Một trường Cao đẳng Cộng đồng Quảng Nam tập trung các trường khác” là phương án được ông Vui đề xuất. Theo đó, trường sẽ có 2 cơ sở đào tạo tại Tam Kỳ và Duy Xuyên. Tại Tam Kỳ, gồm các trường Cao đẳng Công nghệ, Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật, Trung cấp Nam Quảng Nam; cơ sở Duy Xuyên sáp nhập Trường Trung cấp Văn hóa, nghệ thuật & du lịch và Trường Trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam. Ở đây chỉ dùng tên gọi cơ sở đào tạo, không dùng tên phân hiệu, vì Luật GDNN quy định phân hiệu phải nằm ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác so với cơ sở chính. Khi sắp xếp lại phải đảm bảo được lộ trình tự chủ tài chính của các trường, nhà nước cắt dần sự bao cấp.
____________
Bài cuối: Tinh gọn để nâng chất
DIỄM LỆ