Điểm nghẽn kết nối cung - cầu lao động
Để khơi thông điểm nghẽn trong quá trình kết nối cung - cầu lao động (LĐ) rất cần cái bắt tay hữu hiệu giữa cơ quan quản lý nhà nước - doanh nghiệp - người LĐ.
Việc cung ứng lao động cho các doanh nghiệp đang được thực hiện tại các sàn giao dịch việc làm của tỉnh. Ảnh: D.L |
Những điểm nghẽn
Kết quả thu thập thông tin thị trường LĐ năm 2017 của tỉnh do Sở LĐ-TB&XH thực hiện cho thấy, số người trong độ tuổi LĐ của tỉnh có hơn 929 nghìn người, chiếm tỷ lệ hơn 80% so với dân số từ 15 tuổi trở lên. Người tham gia vào quá trình LĐ, sản xuất có hơn 850 nghìn người trong số LĐ kể trên. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm được Sở LĐ-TB&XH giao Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đảm nhận. Từ năm 2015 đến hết quý 1.2018, đã có hơn 12 nghìn lượt người LĐ đăng ký tư vấn, tìm việc làm qua kênh này. Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 4.793 LĐ, có gần 1.500 lượt doanh nghiệp (DN) phối hợp đăng thông tin tuyển dụng tại các sàn giao dịch việc làm của tỉnh. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thực tế còn rất nhiều DN chưa phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tuyển dụng LĐ. Ông Thùy cho biết: “Việc các DN và cơ quan quản lý nhà nước về LĐ chưa phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với nhau đã làm hạn chế hiệu quả dịch vụ cung ứng LĐ, công tác tuyển dụng của DN cũng trở nên khó khăn hơn, các DN mạnh ai nấy tuyển dụng, xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển dụng. Cơ quan quản lý sẵn sàng tạo điều kiện, làm cầu nối giữa người LĐ và DN hoàn toàn miễn phí, nhưng ở đây cần sự phối hợp của DN thì thị trường LĐ mới thông suốt được”.
Trong thời gian tới, nhiều DN có kế hoạch đầu tư mới cũng như mở rộng sản xuất trên địa bàn tỉnh, nhu cầu tuyển dụng lớn, nhưng nguồn LĐ tăng không nhiều, nhất là thiếu nguồn LĐ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao. Tại Núi Thành có 224 DN đóng chân trong Khu kinh tế mở Chu Lai và các cụm công nghiệp, nguồn LĐ luôn là vấn đề “nóng”. Theo ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, hiện nay toàn huyện có hơn 82 nghìn LĐ. Mỗi năm, lực lượng LĐ của Núi Thành tăng gần 1 nghìn người. Nhưng chất lượng LĐ lại là nỗi lo. Ông An cho biết: “Trong số hơn 82 nghìn LĐ của huyện, có đến hơn 63 nghìn LĐ chưa qua đào tạo, không bằng cấp. LĐ được đào tạo vẫn còn hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp, thể lực, sức bền chỉ ở mức trung bình. Trên mặt bằng tổng thể thì việc đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của các DN, giữa đào tạo và làm việc vẫn còn những khoảng cách lớn, dẫn đến chênh lệch giữa cung - cầu LĐ, đặc biệt là LĐ trong các ngành nghề đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao”. Ông An phân tích thêm một số điểm nghẽn khác như hoạt động phân tích và dự báo thị trường LĐ còn yếu kém, DN không thực hiện thông báo định kỳ về biến động LĐ, việc quản lý LĐ chưa có đủ công cụ nên khó kiểm soát các số liệu về biến động cung - cầu, làm ảnh hưởng đến việc hoạch định các quyết sách liên quan đến vấn đề LĐ, phát triển nguồn nhân lực...
Cần giải pháp bền vững
“Để thị trường LĐ thông suốt, Sở LĐ-TB&XH sẽ tạo mọi điều kiện cho DN tiếp cận thông tin về nguồn lực LĐ, kiến nghị rà soát, sửa đổi những cơ chế, chính sách hiện có về đào tạo nguồn nhân lực theo đơn đặt hàng của DN, giúp DN tham gia quá trình đào tạo nghề phù hợp với điều kiện đề ra, xác định cơ chế phối hợp giữa đôi bên sao cho hiệu quả. Nhưng chính DN trên cơ sở chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình phải chủ động cung cấp, kết nối thông tin tuyển dụng, phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đặt hàng đào tạo theo nhu cầu”. (Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH) |
Kết nối thị trường LĐ thông suốt là vấn đề được các bên liên quan đặt ra nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa có một giải pháp hữu hiệu. Từ những phân tích về hạn chế của thị trường LĐ, ông Ngô Đức An cho rằng trước hết tỉnh cần hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường LĐ, dự báo được xu hướng việc làm của tổng thể các DN trên địa bàn tỉnh. Các dự án khi vào đầu tư thì yêu cầu phải cung cấp đầy đủ thông tin về công nghệ, quy mô tuyển dụng, thời gian dự kiến đi vào sản xuất... để các địa phương có sự chuẩn bị về nhân lực đáp ứng và cùng có trách nhiệm trong việc đào tạo nhân lực.
Về phía DN, ông Samson Ho - Giám đốc Công ty TNHH MTV công nghiệp Germton (Quế Sơn) cho biết, từ khi thành lập đến nay, công ty luôn cố gắng kết nối với các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có được nguồn LĐ đúng yêu cầu. Ông Samson Ho nói rằng tại Quảng Nam, nhiều DN ngành may mặc đã và đang đầu tư nên sự cạnh tranh LĐ rất lớn, đặc biệt chất lượng tay nghề chưa cao. Vì thế, công ty phải nỗ lực vừa tự thân tuyển dụng, vừa tích cực phối hợp với các địa phương và trường nghề để đảm bảo nhu cầu đặt ra. Ông Samson Ho nói: “Khi liên kết với các địa phương và trường nghề, nội dung trước mắt là tư vấn chọn nghề và địa điểm làm việc sao cho phù hợp. Trong quá trình đào tạo, công ty cử kỹ thuật viên cùng hỗ trợ trường nghề đào tạo chuyên sâu theo nhu cầu của công ty, hỗ trợ máy móc và tiếp nhận LĐ vào thực tập và làm việc. Quan trọng là việc thực thi cam kết khi tuyển dụng giúp LĐ yên tâm gắn bó lâu dài”.
Còn theo ông Nguyễn Thùy, công tác thu thập thông tin thị trường LĐ đến nay đã hình thành được cơ sở dữ liệu đồng bộ và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thị trường LĐ quốc gia. Bước đầu, đây là nguồn để các địa phương, sở ngành khai thác dữ liệu phục vụ việc hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực... Đồng thời với hoạt động của sàn giao dịch việc làm, mọi thông tin tuyển dụng, tìm việc đều được công khai đăng tải trên website của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, bước đầu tạo thuận lợi trong công tác thống kê liên quan.
DIỄM LỆ