Đào tạo nghề cho lao động Bắc Trà My: Vẫn còn khó khăn
Việc đào tạo nguồn nhân lực để chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, đồng thời giúp bà con cải thiện đời sống của người dân tại huyện Bắc Trà My vẫn còn gặp những khó khăn do người dân chưa thích nghi với cách làm việc mới.
Với việc vận động các doanh nghiệp sử dụng lao động tại chỗ đã giúp cho nhiều người dân địa phương có được công việc, thu nhập ổn định. Trong ảnh: Hai lao động địa phương đang tham gia chế biến gỗ dăm ở công ty TNHH MTV Hào Hưng Trà My. Ảnh: N.DƯƠNG |
Vướng mắc nhiều khâu
“Một trở ngại lớn nhất trong việc đào tạo nghề cho lao động miền núi hiện nay chính là việc người dân vẫn quen theo kiểu sống tự do, không thích nghi được với các khuôn phép của các trường đào tạo nghề hay các công ty đang làm việc. Chính vì vậy, trước nay vẫn có quá nhiều trường hợp bỏ học giữa chừng, hoặc khi đi làm chừng vài ba tháng thì nghỉ việc về nhà. Vì thế, công tác đào tạo nghề trở nên khó khăn hơn bao giờ hết” - ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết. Thêm vào đó, việc thu hút các doanh nghiệp về đầu tư tại địa phương vẫn còn khó khăn nên việc giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động vẫn chưa được nhiều. Theo ông Nguyễn Hữu Sự - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bắc Trà My, hiện trên địa bàn huyện chỉ có 4 doanh nghiệp sử dụng lao động tại địa phương, trong đó đã có 1 công ty đóng cửa, còn lại 3 công ty sử dụng khoảng 34 lao động địa phương với thu nhập 2,5 - 4 triệu đồng/tháng. Đặc biệt có những công ty sử dụng 100% lao động địa phương như Công ty TNHH MTV Hào Hưng Trà My, Công ty TNHH TV-XD Tân Hội Phát nhưng số này vẫn còn rất ít. “Đa số vẫn chỉ là lao động thủ công là chính chứ chưa có nhiều về kỹ thuật” - ông Sự cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Nam Ngân - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện, thời gian qua, áp dụng những chính sách ưu đãi của UBND tỉnh cũng như các bộ ngành liên quan, huyện đã tổ chức dạy nghề cho khoảng 2.620 lao động nông thôn, bình quân 600 - 750 lao động/năm (765 người học nghề nông nghiệp; 1.855 người học nghề phi nông nghiệp), trong đó có khoảng 90% thuộc diện có công cách mạng, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn và người tàn tật. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này đạt khoảng 70%. “Tuy nhiên, việc đào tạo nghề vẫn còn rất nhiều khó khăn, phần đông là do dân trí còn thấp, năng lực tiếp thu còn hạn chế và chủ yếu là do thói quen sinh sống của bà con chưa phù hợp. Việc đào tạo nghề may cho lao động trong độ tuổi lao động nhưng trong thực tế khi hợp đồng cung ứng lao động cho các doanh nghiệp thì các doanh nghiệp chỉ nhận người đủ 18 tuổi và chủ yếu là lao động nữ. Đơn cử như Công ty Moon Chang VINA hiện nay không tiếp nhận lao động là nam giới. Trong khi đó, nhiều lao động nữ lại không muốn đi làm ăn xa vì có con nhỏ không ai chăm sóc. Mong muốn của người lao động nữ là được học nghề và làm việc tại công ty may trên địa bàn huyện nên việc đáp ứng rất khó khăn” - bà Ngân thông tin.
Đào tạo theo nhu cầu
Theo ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện, giải pháp đầu tiên vẫn là ưu tiên kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư tại địa phương, vừa để giải quyết lao động tại chỗ, vừa đáp ứng được nhu cầu của bà con. “Ngoài ra, huyện sẽ có những cuộc khảo sát từ thực tế nhằm nắm chắc, nắm cụ thể số lao động chưa có việc làm. Từ đó, nắm bắt được những khó khăn mà lao động gặp phải và có hướng hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề phù hợp để hỗ trợ họ tốt hơn. Đào tạo phải theo đặc điểm của từng vùng, từng lao động tùy theo trình độ cụ thể, như thế mới hạn chế việc người lao động bỏ học hay bỏ nghề giữa chừng” - ông Tuấn nói. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền thay đổi nhận thức cho người lao động cũng được chú trọng. “Phải thay đổi được nhận thức của họ thì mới có chuyển biến được. Hiện chúng tôi tích cực tuyên truyền đến từng thôn, từng nóc cho người dân. Bên cạnh đó, với những người đã qua đào tạo, có ngành nghề ổn định sẽ trở thành những tuyên truyền viên thiết thực nhất. Bởi chính họ, là những người hiểu rõ nhất tình hình thực tiễn, dễ gần gũi với bà con hơn” - bà Nguyễn Thị Nam Ngân cho hay.
Ngoài việc mở các lớp đào tạo nghề theo thực tiễn, huyện cũng đã phối hợp với các đơn vị để tổ chức các sàn giao dịch việc làm hàng tháng, giúp người lao động địa phương có nhiều cơ hội hơn tiếp cận với các doanh nghiệp, tìm kiếm việc làm. “Mục tiêu của huyện là phải giúp người dân có được công việc ổn định, đúng với mong muốn và sở trường của mình. Qua đó, sẽ có thu nhập ổn định từng bước vươn lên thoát nghèo, cải thiện được kinh tế gia đình của mình” - ông Tuấn nói.
NGUYỄN DƯƠNG