Doanh nghiệp "khát" lao động

LÊ DIỄM 06/06/2018 10:15

Với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, nguồn lao động (LĐ) đang là vấn đề nóng hiện nay. Các doanh nghiệp cần rất nhiều LĐ nhưng rất khó tuyển dụng trong thời điểm này.

Ở miền núi, lương lao động đồng bào dân tộc thiểu số còn nhưng không thích đi xa. Ảnh: D.L
Ở miền núi, lương lao động đồng bào dân tộc thiểu số còn nhưng không thích đi xa. Ảnh: D.L

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm ở nhiều địa điểm từ đồng bằng đến miền núi, các doanh nghiệp cũng mang “quân” đi cùng để tuyển dụng, nhưng đều gặp khó.

Theo ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trung tâm đã nỗ lực đưa thông tin tuyển dụng đến với người LĐ, kết nối người LĐ với doanh nghiệp qua các sàn giao dịch việc làm đưa về tận huyện. Trung tâm tổ chức sàn giao dịch ở mỗi điểm, địa phương đều cố gắng tuyên truyền để người LĐ tìm kiếm việc làm. Có nhiều hình thức như chạy xe tuyên truyền lưu động qua các tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã, thị trấn, treo băng rôn, khẩu hiệu trực quan, gửi thông báo phát trên hệ thống loa phát thanh của các xã, các hội đoàn thể thông báo cho hội viên biết để kêu gọi con cháu chưa có việc làm đến với các sàn giao dịch. Tuy nhiên, khi sàn giao dịch việc làm diễn ra, rất ít LĐ đến, nơi đông nhất cũng chỉ khoảng hơn trăm người, trong khi nguồn lao động doanh nghiệp cần cả chục nghìn người.

Đơn cử như tại sàn giao dịch tổ chức tại TP.Hội An, nhiều doanh nghiệp đến với sàn tuyển dụng lao động vì hy vọng được tổ chức tại điểm Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung sẽ có nhiều sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp của trường này và các trường lân cận đến tìm việc. Thực tế, rất ít LĐ đến với sàn giao dịch. 

Mới đây nhất, sàn giao dịch việc làm được tổ chức tại huyện Tiên Phước, chỉ có được vài chục lao động thực sự có nhu cầu việc làm tìm đến. Trong khi đó, các doanh nghiệp cần tuyển dụng số lượng lao động rất lớn. Như Công ty thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi) tuyển dụng hơn 9 nghìn người ở các vị trí như kỹ sư và công nhân cơ khí, điện, luyện kim, hóa học, nhân viên phiên dịch; Công ty may Germton (Quế Sơn) tuyển dụng 500 công nhân may; Công ty Panko Tam Thăng cần 350 công nhân may; Công ty Sedo Vinako tuyển 500 công nhân may...

Các công ty có nhu cầu lớn hầu hết đều do mở rộng sản xuất, có nhiều đơn hàng... nên thiếu hụt LĐ. Các công ty cũng đưa ra mức thu nhập khá hấp dẫn, khởi điểm từ 4 triệu đồng trở lên cùng nhiều chế độ đãi ngộ khác. Nhưng nguồn LĐ đang dần trở lên khan hiếm, không có để doanh nghiệp tuyển dụng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH MTV Hào Hưng nói: “Công ty chúng tôi đang cần tuyển dụng 70 LĐ thôi, nhưng vẫn khó tuyển huống hồ gì các công ty tuyển dụng vài trăm đến hàng nghìn LĐ. Công ty tuyển dụng LĐ đi làm việc trong Quảng Ngãi nên lo đầy đủ chỗ ăn ở, chế độ phúc lợi xã hội. Chúng tôi đã đồng hành với tỉnh qua nhiều sàn giao dịch nhưng vẫn chưa thể tuyển dụng đủ số LĐ cần thiết”.

Tại các huyện đồng bằng có nhiều LĐ tự do nhưng họ lại không thích vào khuôn khổ gò bó nên không có ý định xin việc làm. Còn ở miền núi, LĐ là đồng bào dân tộc thiểu số có số lượng tương đối nhưng họ chưa quen đi xa; vùng trung du, LĐ lại bằng lòng với cuộc sống hiện tại.

Theo ông Mai Minh Nguyệt - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tiên Phước, trước khi diễn ra sàn giao dịch, việc tuyên truyền được đẩy mạnh nhưng không có LĐ vì nhiều lý do khác nhau. Ông Nguyệt cho biết: “Với Tiên Phước, lao động nhàn rỗi còn số lượng ít, nhưng họ cũng chỉ nhàn rỗi trong một thời gian ngắn. Bởi LĐ làm việc ở các nhóm khai thác keo, mùa này đang là mùa khai thác nên họ đi làm hết. Hoặc họ đi làm phụ hồ, ngày công LĐ giá cao, công việc lại tự do, thích thì làm, không thích thì nghỉ. LĐ trẻ có chí hướng lại đi làm ở xa từ đầu năm. Hiện doanh nghiệp cần LĐ nhưng các địa phương lại không có nguồn để cung ứng”.

LÊ DIỄM

LÊ DIỄM