Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu
Sáng qua 23.4, hội nghị trực tuyến toàn quốc đã bàn bạc nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu năm 2018. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Hoạt động xuất khẩu của tỉnh tập trung ở ngành da giày và dệt may. Ảnh: D.L |
Theo báo cáo, xuất khẩu của Việt Nam năm 2017 tăng mạnh về quy mô, năng lực sản xuất hàng xuất khẩu, đạt mức 214 tỷ USD (trong đó khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 155,1 tỷ USD, khối doanh nghiệp trong nước đạt 59 tỷ USD. Các nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tốt gồm công nghiệp chế biến, nông lâm thủy sản, nhiên liệu và khoáng sản. Việt Nam tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng thêm nhiều thị trường mới, với 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD. Xuất khẩu nước ta đã tăng mạnh về quy mô; cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch thành công; thị trường phát triển và mở rộng; doanh nghiệp tận dụng tương đối tốt cơ hội từ hội nhập; tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm xuất khẩu dần được cải thiện. Dù vậy, xuất khẩu vẫn còn những điểm hạn chế như chỉ dựa vào dầu thô, nhóm hàng điện tử; dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; mức độ đa dạng hóa thị trường của nhóm hàng nông sản, thủy sản chưa cao; sản xuất mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún; chi phí của nền kinh tế còn cao làm giảm chi phí cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu...
Đối với Quảng Nam, hoạt động xuất khẩu chủ yếu ở ngành dệt may và da giày. Theo số liệu từ Sở Công Thương, năm 2017 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 619 triệu USD, tăng 7% so với năm 2016. Trong đó, ngành dệt may đạt khoảng 206,3 triệu USD, hàng thủy sản đạt khoảng 22,5 triệu USD, giày dép đạt khoảng 166,2 triệu USD. Những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như sản xuất chế biến thực phẩm, may mặc, giày da tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định; một số sản phẩm giảm như xe khách giảm 34%, thép hợp kim giảm 14%. Sở Công Thương nhận định, xuất khẩu của tỉnh gặp một số khó khăn như sản phẩm xuất khẩu chủ lực là dệt may và da giày nhưng do chưa tự chủ được nguồn nguyên phụ liệu trong nước nên không khai thác hết các ưu đãi thuế quan do việc thực thi các hiệp định thương mại tự do mang lại. Phần lớn các doanh nghiệp của tỉnh có quy mô đầu tư nhỏ, công nghệ sản xuất chưa đạt yêu cầu hội nhập, năng lực quản trị doanh nghiệp còn hạn chế, sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế thấp nên chất lượng một số mặt hàng còn chưa đáp ứng được thị trường xuất khẩu, giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu thấp. Bên cạnh đó, dịch vụ logistics chưa phát triển mạnh cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Bộ phận cán bộ làm công tác xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế chưa đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy vậy, Quảng Nam đã có nhiều cố gắng trong đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Tỉnh đã thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, lành mạnh để hội nhập kinh tế quốc tế bền vững, lâu dài.
Tại hội nghị, nhiều giải pháp đã được các bộ ngành và địa phương bàn bạc nhằm đẩy mạnh xuất khẩu năm 2018. Việt Nam sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Các giải pháp được đưa ra như tác động vào phía cung (thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng); nhóm giải pháp tác động vào phía cầu gồm đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, tăng cường các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định; và nhóm các giải pháp hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Quảng Nam cũng kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách về đầu tư kết cấu hạ tầng; phổ biến nội dung, cam kết của các hiệp định thương mại tự do để doanh nghiệp hiểu và khai thác hiệu quả; hỗ trợ đào tạo nghề, lao động chất lượng cao; ưu tiên hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, các ngành bổ trợ sản xuất, công nghiệp hỗ trợ và chính sách thương mại; hỗ trợ Quảng Nam tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại đến các thị trường tiềm năng trong khu vực và thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định xuất khẩu góp phần tăng tưởng bền vững nên đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Các tỉnh, thành phố và các bộ ngành cần có tầm nhìn tốt hơn về xuất khẩu, không chỉ ở góc độ quản lý nhà nước mà còn của các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Thủ tướng nhấn mạnh cần phải nhìn thấy và chỉ ra, loại bỏ những nút thắt, rào cản về thể chế, quy trình cản trở xuất khẩu; làm sao để Việt Nam nắm bắt được thị trường, định hướng thị trường đối với xuất khẩu, các cơ quan, hiệp hội ngành hàng cần có giải pháp để chủ động hơn trong xuất khẩu, tiếp tục phát triển thị trường tạo cầu nối cho xuất khẩu, đề xuất các chiến lược tổng quan để đẩy mạnh xuất khẩu.
DIỄM LỆ