Nguồn lực lao động ở Hội An: Bị tranh giành, nợ đọng bảo hiểm
Thực tế hiện nay ở TP.Hội An, ngoài tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ổn định ở mức 0,7%/năm, việc tăng dân số cơ học khá cao do nguồn nhập cư lực lượng lao động từ các vùng miền trong nước và nước ngoài.
Sự phát triển của mạng lưới lưu trú làm tăng nhu cầu nguồn lao động tại Hội An. Ảnh: ĐỖ HUẤN |
Trên địa bàn thành phố, hiện nay có khoảng 8.500 lao động đang làm việc tại hơn 440 cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng, biệt thự, homestay với 7.820 phòng lưu trú, trong đó có hơn 200 cơ sở lưu trú và biệt thự. Sự phát triển của mạng lưới lưu trú cơ bản đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách nhưng lại phát sinh thực trạng đáng quan ngại khác là thiếu nguồn nhân lực chuyên ngành. Theo các nhà quản lý chuyên ngành, đội ngũ lao động này chỉ cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ chứ chưa thực sự bảo đảm chất lượng ngành du lịch đang đòi hỏi cao. Do thiếu đội ngũ lao động ngành du lịch ở thành phố nên phải tuyển dụng từ các huyện lân cận trong tỉnh, lại vừa chưa được đào tạo bài bản chuyên nghiệp nên kỹ năng giao tiếp, tác nghiệp còn hạn chế (đặc biệt là ở các khách sạn 4 sao, 5 sao, các khu nghỉ dưỡng cao cấp...). Một số bộ phận như quản lý, lễ tân, tiếp thị, quảng cáo, thuyết minh viên… có cơ sở phải tuyển lao động từ các tỉnh, thành khác trong nước. “Trong cộng đồng du lịch, chúng tôi thấy rằng, nguồn lực lao động của ngành hiện nay rất khủng hoảng. Để tuyển dụng được ngành nghề cho mảng tiếp thị, nhà hàng, khách sạn rất là khó khăn. Cộng đồng du lịch hầu như tuyển dụng ở các huyện như Quế Sơn, Điện Bàn, Duy Xuyên… Khi tuyển về chúng tôi phải mất chi phí để cho người lao động có chỗ ở, chỗ ăn để giữ chân” - Tổng Giám đốc Công ty Emic Hospitality Phan Xuân Thanh cho biết.
Qua giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố cho thấy, tình trạng nợ đọng BHXH trên địa bàn Hội An ngày càng gia tăng, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người lao động. Tính đến cuối tháng 11.2017, có 210 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền lên đến hơn 15 tỷ đồng. Điển hình một số công ty nợ kéo dài nhiều năm như: Công ty Tân Nhật Linh (56 tháng với 217 triệu đồng), Công ty TM&DV Lê Gia (66 tháng với 183 triệu đồng), Công ty Nguyễn Thanh (67 tháng với 276 triệu đồng), Công ty Tân An Bình (75 tháng với 74 triệu đồng). Từ năm 2014 đến nay, Đoàn kiểm tra của thành phố đã kiểm tra 82 doanh nghiệp nhưng chỉ tham mưu ban hành 3 quyết định xử phạt, còn lại chủ yếu nhắc nhở. Do đó nhiều doanh nghiệp chây ỳ nhưng vẫn chưa bị xử phạt. Ngoài ra, từ năm 2012 đến 2015, BHXH đã khởi kiện 26 doanh nghiệp nợ với tổng số tiền 5 tỷ 886 triệu đồng, đến nay có 18 doanh nghiệp đã thi hành án xong, còn lại 8 doanh nghiệp chưa thi hành án xong với số tiền nợ là 708 triệu đồng. |
Chính vì “khủng hoảng” thiếu như vậy nên không chỉ phát sinh chi phí tuyển chọn, đào tạo và sử dụng mà còn xảy ra tình trạng tranh giành, chụp giựt lao động một cách không lành mạnh giữa các đơn vị, cơ sở kinh doanh trên lĩnh vực này. Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn nói: “Hội An có tình trạng là anh này giựt lao động của anh kia. Cứ ra sau là anh dùng chế độ chính sách, đẩy cao lương hơn một chút là ông kia nhảy cắt!”. Thực trạng thiếu, tranh giành lao động xảy ra trong thời gian qua rất đáng lo, chưa kể dẫn đến hệ lụy nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) của các doanh nghiệp đối với người lao động.
Theo quy định của Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2016 thì thẩm quyền khởi kiện thuộc về tổ chức công đoàn. Tuy nhiên 2 năm do nhiều vướng mắc về trình tự, thủ tục, thẩm quyền khởi kiện nên ở Hội An chưa khởi kiện được vụ nào. Trong khi đó, đáng quan tâm và lo ngại hơn nữa khi từ ngày 1.1.2018 việc thực hiện Nghị định 141 của Chính phủ về quy định mức tiền lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, mức lương cơ bản của người lao động trên địa bàn thành phố là 3,53 triệu đồng, tăng hơn 200 nghìn đồng so với hiện tại, chưa kể 7% cộng thêm đối với lao động đã qua đào tạo. Vì vậy tiền đóng BHXH cho người lao động cũng tăng thêm. “Đề nghị thành phố tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai phạm của doanh nghiệp trên lĩnh vực này. Đồng thời quyết liệt hơn trong việc xử lý những trường hợp nợ BHXH kéo dài trong thời gian qua để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động” - bà Phạm Thị Kim Loan - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Hội An đề nghị.
ĐỖ HUẤN