Ngư dân đi Hàn

VIỆT QUANG 12/02/2018 14:42

Xuất khẩu lao động để khai thác hải sản ở Hàn Quốc đã mở ra hướng đi mới cho ngư dân trẻ làng biển Bình Minh (Thăng Bình). Vài năm trở lại đây, làn sóng xuất khẩu lao động nghề biển đã khiến vùng quê này thay đổi hẳn.

Anh Phạm Văn Trơn chuẩn bị đi biển sau khi hết hợp đồng xuất khẩu lao động về nước.Ảnh: Q.V
Anh Phạm Văn Trơn chuẩn bị đi biển sau khi hết hợp đồng xuất khẩu lao động về nước.Ảnh: Q.V

Cơ hội

Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Minh Thu (thôn Tân An, xã Bình Minh) khi anh sửa soạn hành lý để lại xuất ngoại sang Hàn Quốc sau 3 tháng nghỉ ngơi theo mùa. Chỉ 4 năm xuất khẩu đi biển ở Hàn Quốc, anh Thu tích lũy hơn 1 tỷ đồng xây dựng được ngôi nhà khang trang. “Công việc của tôi là đi câu lươn biển với mức lương 30 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp nước bạn lo hết chuyện ăn ở, mình chỉ việc đầu tư cho công việc đạt chất lượng cao” - anh Thu nói. Nghề câu của anh Thu bắt đầu từ đêm cho đến sáng, sau đó bàn giao sản phẩm, các công cụ câu lươn cho chủ, rồi nghỉ ngơi. Khi câu, phải chuẩn bị kỹ càng từ mồi câu, các công đoạn bủa câu, cách bố trí bảo quản lươn phải nhuần nhuyễn, chuyên nghiệp. “Doanh nghiệp đưa quy định rõ ràng, nếu vượt chỉ tiêu thì được thưởng lớn còn không đạt thì bị trừ lương rất nặng” - anh Thu kể.

Nhiều thanh niên làng biển Bình Minh xem xuất khẩu lao động nghề biển là cơ hội đổi đời. Một số gia đình ở các thôn Bình Tân, Hà Bình, Tân An đã vay vốn, đầu tư cho con xuất ngoại đi biển. Như gia đình ông Nguyễn Thành Viện ở thôn Tân An có 3 con trai sang Hàn Quốc đi biển. Có tháng, ông Viện nhận được 100 triệu đồng từ tiền gửi về của các con. So với lao động nghề biển ở địa phương thì đây là nguồn thu nhập khá lớn.

Xuất ngoại đi biển ở Hàn Quốc đã giúp anh Nguyễn Minh Thu xây được ngôi nhà 2 tầng.
Xuất ngoại đi biển ở Hàn Quốc đã giúp anh Nguyễn Minh Thu xây được ngôi nhà 2 tầng.

Như làn sóng mới, xuất khẩu lao động nghề biển đã trở thành mối quan tâm lớn của người dân xã Bình Minh trong vài năm trở lại đây. Bà Trần Thị Đồng ở thôn Tân An tất tả ngược xuôi vay mượn từ nhiều nguồn để lo cho 3 con trai sang Hàn Quốc đánh bắt hải sản. Và bây giờ, khi đã có ô tô, nhà cao tầng từ tiền gửi về của các con, bà Đồng nhiều khi nghĩ mình… nằm mơ. Những gia đình xã Bình Minh có con đi biển ở nước ngoài, mọi chi phí sinh hoạt dễ dàng hơn nhiều so với trước.

Ra đi để... trở về

Nỗi lo cơm áo tạm gác lại nhưng ông Trần Văn Tám - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh lại có nỗi trăn trở khác: chuyện ngư dân lao động “chui” ở Hàn Quốc. Vì tình trạng lao động bất hợp pháp của ngư dân, giai đoạn 2011-2015, Quảng Nam không thể xuất khẩu lao động nghề biển sang Hàn Quốc. Trong năm 2017, có 3 trường hợp ngư dân xã Bình Minh lao động “chui” ở xứ Hàn. “Ngư dân đi xuất khẩu lao động nghề biển có thu nhập mỗi tháng hơn 30 triệu đồng là số tiền rất lớn. Diện mạo làng quê cũng nhờ đó thay da đổi thịt. Điều quan trọng bây giờ là chúng tôi tập trung tuyên truyền người dân giữ đúng cam kết. Khi hết hợp đồng, bà con phải trở về nước, sau đó có thể trở lại nước bạn bằng bản hợp đồng mới chứ không thể “chui”  khiến ảnh hưởng đến lao động khác” - ông Tám chia sẻ.

Hiện tại, có không ít trường hợp ngư dân trẻ của xã Bình Minh sau khi hết hợp đồng lao động với phía Hàn Quốc, trở về đánh bắt hải sản trên các vùng biển xa của nước ta. Họ yên tâm vì tích lũy được nhiều vốn liếng cho cuộc sống mới ở quê nhà. “Tôi cũng như nhiều người đều không muốn ly hương lâu dài. Sau 10 năm xuất khẩu lao động nghề biển, chừ có vốn kha khá, tôi đầu tư tàu công suất lớn để sản xuất ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Làm việc ở Hàn Quốc, mình tích lũy được nhiều kinh nghiệm lắm, chừ có thể vận dụng” - anh Phạm Văn Trơn ở thôn Tân An nói.

Đến thời điểm này, nguồn cung xuất khẩu lao động nghề biển của tỉnh chỉ có duy nhất từ xã Bình Minh. Và điểm đến của lao động xuất khẩu chỉ là Hàn Quốc. Trong năm 2016, Quảng Nam có 35 ngư dân Bình Minh xuất ngoại để lao động nghề biển. Trong năm 2017, toàn tỉnh có 17 ngư dân xuất khẩu lao động nghề biển, cũng từ xã Bình Minh. “Xuất khẩu lao động nghề biển là cơ hội lớn để các ngư dân trẻ được làm việc trong môi trường lao động có nhiều cạnh tranh, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại, qua đó không chỉ tích lũy vốn mà còn học hỏi nhiều kinh nghiệm, kỹ năng để có thể trở về khai thác hải sản bền vững tại quê hương. Chúng tôi đang phối hợp với các địa phương ven biển của tỉnh như Duy Xuyên, Núi Thành, Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ để vận động ngư dân đăng ký đi lao động nghề biển ở nước ngoài”, ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết.

VIỆT QUANG

VIỆT QUANG