Đi làm ở Nhật

DIỄM LỆ 11/02/2018 13:06

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Quảng Nam có lợi thế với nguồn lao động trẻ. Trong xu thế hội nhập, cơ hội luôn đi cùng thách thức. Hướng đi mà Quảng Nam ưu tiên trong giai đoạn hiện nay cũng như tương lai là XKLĐ sang thị trường có chất lượng cao.

Ban lãnh đạo Công ty Kobayashi ở Nhật Bản trực tiếp đến phỏng vấn lao động tại Việt Nam. Ảnh: DIỄM LỆ
Ban lãnh đạo Công ty Kobayashi ở Nhật Bản trực tiếp đến phỏng vấn lao động tại Việt Nam. Ảnh: DIỄM LỆ

Đến xứ sở hoa anh đào

Học xong ngành giáo dục thể chất ở một trường cao đẳng tại Đà Nẵng, Trần Thị Thuận (sinh năm 1995, thị trấn Đông Phú, Quế Sơn) không xin được việc làm, đành cất tấm bằng đi làm công nhân, vừa tìm hiểu về XKLĐ, sau đó đăng ký dự tuyển đi XKLĐ sang Nhật Bản. Đầu tháng 12.2017, Thuận vượt qua vòng phỏng vấn trực tiếp từ một công ty chuyên ngành chế biến thực phẩm của Nhật Bản. Có kết quả này, Thuận đã phải rèn luyện rất nhiều để được doanh nghiệp phía Nhật Bản tuyển dụng. Thuận cho biết: “Tôi phải học hỏi mọi thứ, từ giờ giấc làm việc đến kỷ luật nghiêm khắc, tác phong nhanh nhẹn... Đặc biệt tôi phải học tiếng Nhật để có thể giao tiếp vì họ phỏng vấn bằng tiếng Nhật. Mọi thứ đối với tôi đều mới mẻ, không như hồi học cao đẳng. Thế nên tôi mới thấy kiến thức của mình còn thiếu nhiều lắm, phải học nhiều nữa trước khi sang Nhật làm việc”.

Đỗ Thị Như Quỳnh (sinh năm 1994, xã Tiên Hà, Tiên Phước) tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành marketing, nhưng ra trường chỉ có thể xin đi làm nhân viên thu ngân, pha chế hay bán hàng. Công việc không như ước muốn, Quỳnh phải tìm cho mình một hướng đi khác. Có bạn cùng quê đi XKLĐ, Quỳnh tìm hiểu thông tin từ bạn mình, và đăng ký sơ tuyển vào học ở công ty XKLĐ. Một thời gian sau, Quỳnh được tuyển chọn bởi một công ty ở Nhật Bản trực tiếp đến Việt Nam phỏng vấn. Bước tiếp theo, Quỳnh sẽ có một thời gian rèn luyện gắt gao nữa trước khi chính thức bay sang Nhật làm việc. Không giấu được niềm vui, Quỳnh cho biết: “Dù đã được tuyển dụng nhưng tôi còn phải rèn luyện thêm nhiều nữa. Tôi sẽ tiếp tục học tiếng Nhật cho thật tốt, luyện tác phong kỷ luật khi vào môi trường làm việc thực tế, và học văn hóa Nhật nữa. Tôi sẽ cố gắng để khi qua xứ sở hoa anh đào làm việc có thể hòa nhập tốt với cuộc sống ở đó”.

Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Lao động trong tỉnh yếu các kỹ năng như ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc nhóm, tìm hiểu và xử lý thông tin. Vì thế phải học hỏi, rèn luyện bên cạnh sự hỗ trợ từ những cơ chế của Nhà nước trong đào tạo tay nghề. Cả tỉnh đã có 4.818 lao động sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan... Nguồn thu nhập mà lao động đi XKLĐ chuyển về nước trong 2 năm gần đây, mỗi năm từ 180 đến 220 tỷ đồng. Không chỉ là kinh tế, lao động sau XKLĐ còn là nguồn lực chất lượng cao bổ sung cho lực lượng lao động của tỉnh. Trong thời buổi cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay, người lao động cần rèn luyện nhiều hơn nữa để thích ứng, đáp ứng nhu cầu của các thị trường có chất lượng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc mà tỉnh đang hướng đến”.

Người trẻ đi xa

Lực lượng trong độ tuổi LĐ của Quảng Nam hiện có hơn 741 nghìn người, trong đó độ tuổi có thể tham gia XKLĐ (từ 20 đến 39 tuổi) là hơn 404 nghìn người (hơn 54%). Đây là lợi thế mà trong so sánh tương quan với các tỉnh trong khu vực, Quảng Nam được doanh nghiệp lưu tâm.

Ông Nguyễn Duy Hiền - Phó Tổng giám đốc Công ty Hải Phong nhận xét: “Trong khu vực miền Trung, chúng tôi nhận thấy lao động Quảng Nam khá lành tính, chịu khó học hỏi và có tinh thần cầu tiến cao. Các bạn rất dễ hòa đồng. Đó là lợi thế rất quan trọng do công việc ở Nhật Bản đòi hỏi tính tập thể cao. Vì vậy, LĐ của tỉnh qua Nhật có tỷ lệ vi phạm pháp luật so với các tỉnh thành trong cả nước ở mức thấp nhất. Chính quyền Quảng Nam rất nhiệt tình, tạo mọi điều kiện để chúng tôi tiếp cận với lao động, tư vấn và tuyển dụng. Đó cũng là điểm cộng quan trọng thu hút các công ty XKLĐ đến với Quảng Nam. Và qua các cuộc phỏng vấn doanh nghiệp Nhật thực hiện, lao động Quảng Nam tỷ lệ đậu cao nhất”.

Vừa có đợt sang Việt Nam tuyển dụng lao động, ông Kobayashi - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty thực phẩm Kobayashi (tỉnh Fukuoka, Nhật Bản) đã có nhận xét tốt dành cho lao động của Việt Nam nói chung, trong đó có Quảng Nam. Đợt này, Công ty Kobayashi tuyển dụng được 6 lao động của Việt Nam qua làm việc, trong đó đã có 2 người của Quảng Nam. Ông Kobayashi cho biết: “Dân số của Nhật Bản đang già đi, chúng tôi rất khó tuyển dụng lao động ở đất nước chúng tôi. Việt Nam có nguồn lao động trẻ, đã có một số người làm việc tại công ty chúng tôi. Các bạn làm việc rất chăm chỉ, ham học hỏi và thích nghi được với môi trường công nghiệp chuyên nghiệp. Chúng tôi khuyên LĐ Việt Nam muốn đi XKLĐ ở Nhật Bản cần phải học tiếng Nhật thật tốt, giao tiếp thành thạo, luyện tính kỷ luật và tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản để dễ hòa nhập hơn”.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ