Nguồn lao động chất lượng cao: Nguy cơ thiếu hụt
Nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động đã qua đào tạo từ năm 2020 - 2025 trở đi; thực trạng lao động thuộc lĩnh vực nông - lâm - thủy sản (chiếm gần 50% tổng lao động của tỉnh); giải pháp cân đối cung - cầu lao động thuộc nhóm ngành kỹ thuật... là những vấn đề được mổ xẻ tại hội thảo “Dự báo và phát triển nguồn nhân lực của các ngành kinh tế kỹ thuật của tỉnh Quảng Nam” được tổ chức mới đây.
Dự báo Quảng Nam thiếu hụt lao động qua đào tạo rất lớn từ năm 2025 trở đi. (Ảnh minh họa).Ảnh: TRỊNH DŨNG |
Nguy cơ bị “bỏ lại” phía sau
Tại hội thảo, TS.Nguyễn Chín - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thông tin về thực trạng phát triển kinh tế của tỉnh từ giai đoạn 1997 - 2016. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn này tăng 11,24%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Song song với tốc độ phát triển của nền kinh tế, tỷ lệ lao động Quảng Nam tăng bình quân hàng năm là 1,76% ở giai đoạn 1997 - 2016 và có xu hướng giảm dần. Năm 2016, lao động làm việc trong lĩnh vực kinh tế là 857.700 người (chiếm hơn 59% dân số). Trong đó, lao động thuộc lĩnh vực nông - lâm - thủy sản là hơn 428.000 người (chiếm 48,8% dân số); lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 216.000 người (24,6%); dịch vụ là 234.000 người (28,6%). Cũng theo TS.Nguyễn Chín, cơ cấu lao động của tỉnh có chuyển dịch tích cực song vẫn còn chậm, nhóm ngành nông - lâm - thủy sản tuy giảm nhanh trong 10 năm qua nhưng vẫn còn khá cao (48,8%) trong khi tỷ lệ này của cả nước chỉ 42%. Dù chiếm gần 50% dân số của tỉnh, song lực lượng lao động lĩnh vực nông - lâm - thủy sản chỉ tạo ra 13% sản lượng của nền kinh tế. TS. Nguyễn Chín nhấn mạnh: “Cơ cấu lao động lĩnh vực nông - lâm - thủy sản còn rất cao (430.000 người). Dự báo dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0, thì nguy cơ sẽ có rất nhiều lao động của tỉnh bị “bỏ lại” phía sau. Đây là điều đáng lo lắng, cần phải có sự tính toán được lực lượng lao động này bằng việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai các chính sách như: thúc đẩy nâng cao năng suất nội ngành nông - lâm - thủy sản theo hướng cơ cấu lại sản xuất theo thị trường, đầu tư nguồn lực vốn, hạ tầng, đào tạo nâng cao trình độ lao động, quản lý, tăng đầu tư cho khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển dịch lao động sang khu vực công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp công nghệ cao…”.
Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thông tin, khái niệm lao động đã qua đào tạo được hiểu bao gồm công nhân kỹ thuật có bằng cấp cho tới sau đại học, công nhân không có bằng cấp nhưng qua kinh nghiệm thực tế, được đào tạo từ thực tế, thợ lành nghề, lao động có việc làm ổn định. Qua điều tra cung cầu lao động của Sở LĐ-TB&XH, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ chiếm 55% trong cơ cấu lao động, 45% còn lại là chưa qua đào tạo. Trong số đã qua đào tạo, chiếm 18,2% là nguồn lao động có trình độ từ sơ cấp nghề trở lên, 22,5% là lao động có bằng cấp từ 3 tháng trở lên và 18,6% là lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng. Thực trạng lao động ở Quảng Nam phân thành 3 khu vực rõ rệt; ở đô thị, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo lớn nhất, và tỷ lệ này ở miền núi vô cùng thấp. Cụ thể, Nam Trà My có tới 91,7% lao động chưa qua đào tạo, trong khi tỷ lệ này ở Tây Giang là 85,78%, Phước Sơn 68%, Bắc Trà My là 78%. “Đây là thách thức lớn của Quảng Nam, cần phải tăng cường cơ chế, chính sách hỗ trợ, đào tạo lao động cho nông thôn, miền núi và nhóm lao động thuộc nông - lâm - thủy sản cũng như tính đến phương án chuyển dịch các nhóm lao động trên sang các lĩnh vực kinh tế khác” - ông Thùy nói.
Nâng chất nguồn lao động
Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, Quảng Nam đã ban hành cơ chế hỗ trợ 154 tỷ đồng xây dựng và triển khai đề án đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho lao động. Với cơ chế này, đến năm 2017, toàn tỉnh có hơn 4.300 lao động được đào tạo nghề thuộc các lĩnh vực kỹ thuật và nông nghiệp. Ông Nguyễn Thùy nhấn mạnh: “Để giải quyết bài toán ổn định cung - cầu lao động, bên cạnh tăng cường chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, việc mở rộng chính sách hỗ trợ, thu hút lao động có tay nghề bên ngoài vào địa phương hết sức cần thiết”. Qua theo dõi biến động cung - cầu lao động của Sở LĐ-TB&XH, nếu những năm sau 1997, tỷ lệ lao động có tay nghề ở Quảng Nam đi các nơi khác như Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương làm ăn, lập nghiệp và không quay trở về địa phương rất lớn (hơn 70.000 người), thì những năm gần đây, số lao động đi mới giảm dần do thị trường việc làm, cơ hội và các chính sách thu hút lao động chất lượng của tỉnh đã cải thiện phần nào.
PGS-TS. Đào Hữu Hòa (Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) cho rằng, trước biến động khó lường, việc nghiên cứu thực trạng nguồn lao động, dự báo cung - cầu lao động của tỉnh là hết sức cấp thiết. Từ đó đề ra giải pháp phù hợp nhằm phát triển nguồn lao động đảm bảo cả về mặt số lượng lẫn chất lượng và cơ cấu, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. PGS-TS. Hòa đã đưa ra 9 kịch bản dự báo cung và cầu lao động của tỉnh dựa trên các thông số, dữ liệu nền tảng. Theo đó, trường hợp xấu nhất, tức nguồn cung thấp nhất, nhu cầu lao động cao nhất thì đến năm 2018, Quảng Nam bắt đầu xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động với mức thiếu hụt cao nhất 134.000 lao động/năm vào năm 2030. Trường hợp tốt nhất, tức nguồn cung cao nhất, nhu cầu thấp nhất, thì tương lai sẽ xảy ra tình trạng dư thừa lao động với tỷ lệ 8,4% vào năm 2030. Trường hợp bình thường nhất, Quảng Nam xảy ra thiếu hụt lao động vào năm 2024, với khoảng 21.700 người vào năm 2030, chiếm khoảng 2,2% tổng nhu cầu lao động. Qua phân tích chung, xu hướng chung là cả cung và cầu lao động đều tăng, tuy nhiên tốc độ giảm dần, đặc biệt về phía cung. Bình quân mỗi năm, nhu cầu sử dụng lao động trong toàn bộ nền kinh tế của tỉnh tăng thêm gần 13.600 người, tuy nhiên mức tăng bình quân nguồn lao động của tỉnh chỉ đạt 12.000 người mỗi năm.
Những thông tin trên cho thấy, nguy cơ thiếu hụt lao động, đặc biệt là nguồn lao động đã qua đào tạo đang hiển hiện nếu thiếu giải pháp phù hợp. “Tỷ lệ lao động có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp và nghề hiện nay trong toàn bộ nền kinh tế mới đạt 18,2%, quá thấp so với yêu cầu. Trong khi đó, lao động có trình độ trung cấp nghề và lao động kỹ thuật hiện nay còn rất thiếu. Bên cạnh các giải pháp đã và đang triển khai, tỉnh cần có giải pháp để thu hút lao động có chất lượng từ các địa phương khác, hạn chế xuất cư. Phải tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động, khuyến khích đa dạng hóa ngành nghề đào tạo. Đẩy mạnh liên kết đào tạo nguồn nhân lực với các địa phương có tiềm năng như Đà Nẵng, Huế, TP.Hồ Chí Minh để tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh” - PGS-TS. Đào Hữu Hòa kiến nghị.
HOÀNG LIÊN