Nợ bảo hiểm xã hội: Trách nhiệm và lòng tin
Nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) đang là câu chuyện nóng từ thực tế đến nghị trường trong thời gian qua. Doanh nghiệp chây ì, nợ kéo dài khiến quyền lợi hàng nghìn lao động bị ảnh hưởng. Trách nhiệm của doanh nghiệp bị bỏ ngỏ, lòng tin của lao động bị sụt giảm.
Lao động tại Công ty CP Thái Dương chưa được tham gia BHXH do công ty đang giải quyết các khoản nợ quá nhiều. |
DOANH NGHIỆP “LƠ” BẢO HIỂM
Thực trạng doanh nghiệp tìm cách lách luật, trốn đóng BHXH cho người lao động diễn ra khá phổ biến thời gian qua. Trong khi đó, về phía người lao động lại thiếu kiến thức pháp luật liên quan nên quyền lợi bị ảnh hưởng.
Mù mờ chính sách
Làm việc tại Công ty TNHH may mặc xuất khẩu Minh Hải (huyện Quế Sơn) từ năm 2012 đến nay, nhưng bà H. vẫn chưa được tham gia BHXH. Về vấn đề này, bà H. cho rằng giai đoạn 2012 - 2013 bà làm việc ở công ty với tên khác. Năm 2013 bà làm lại giấy tờ tùy thân và sử dụng tên H. cho đến nay. “Tôi nghĩ do giấy tờ chưa thống nhất về tên nên ảnh hưởng đến việc tham gia BHXH. Thời gian qua tôi tuân thủ thời gian làm việc, nghỉ phép theo quy định của công ty. Công ty cũng hứa nếu có đợt sẽ tham gia chính sách đầy đủ cho tôi nhưng chưa biết đợt nào” - bà H. nói. Có thể thấy, việc nắm bắt các quy định về chế độ, chính sách về BHXH của bà H. nói riêng và người lao động phổ thông nói chung còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến bảo vệ quyền lợi của họ. Thậm chí, bà H. còn nhầm tưởng có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đồng nghĩa với việc… tham gia BHXH. Khi chúng tôi hỏi về nơi đăng ký BHYT, bà H. cho biết hiện tham gia BHYT tự nguyện theo hộ gia đình tại địa phương. Qua đó cho thấy, bà H. hoàn toàn không nhận được chế độ cơ bản là BHXH, BHYT khi làm việc tại Công ty TNHH may mặc xuất khẩu Minh Hải.
Tương tự, tại Công ty CP Thái Dương (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Bàn), anh Nguyễn Văn Hòa vào làm việc từ đầu năm 2017 nhưng vẫn chưa đóng BHXH. Anh Hòa cho hay: “Tôi làm việc trong môi trường nặng nhọc, nhiều nguy cơ rủi ro nên rất mong được công ty tham gia BHXH. Nghe nói công ty còn nợ BHXH cũ chưa trả được, nên không tham gia cho những lao động mới. Chúng tôi cũng mong có chỗ làm ổn định, chế độ đầy đủ để gắn bó lâu dài, ổn định cuộc sống”.
Doanh nghiệp đẩy trách nhiệm
Tại Công ty TNHH may mặc xuất khẩu Minh Hải, vào đầu tháng 12.2017 có 205 người thuộc diện ký kết hợp đồng lao động nhưng chỉ thực hiện đúng luật đối với 110 người. Đối với 95 còn lại công ty chỉ trả lương theo ngày công. Ông Nguyễn Duy Thuyết - Giám đốc Công ty TNHH may mặc xuất khẩu Minh Hải giải thích: “Việc không ký hợp đồng với 95 trường hợp nêu trên do họ không làm việc thường xuyên, bữa làm bữa nghỉ. Công ty đưa ra giải pháp nếu không làm việc đầy đủ thì người lao động tự đóng BHXH nhưng họ không đồng ý. Chúng tôi luôn muốn người lao động gắn bó lâu dài, kể cả độ tuổi trên 40 để đảm bảo quá trình sản xuất. Chưa kể bây giờ đã gần kề cuối năm, việc giữ chân người lao động rất quan trọng nhằm ổn định đơn hàng sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán”. Trước lý do không tham gia BHXH cho 95 lao động mà Công ty TNHH may mặc xuất khẩu Minh Hải đưa ra, đoàn thanh tra Sở LĐ-TB&XH không chấp nhận. Theo đó, đoàn yêu cầu công ty phải ký kết hợp đồng lao động và tham gia BHXH đầy đủ cho họ theo quy định.
Về phía Công ty CP Thái Dương, việc chậm đóng BHXH do gánh hậu quả từ thời ban giám đốc trước để lại, nên ban giám đốc hiện nay phải vừa lo trả nợ, vừa lo lương cho người lao động. Ông La Thanh Tân - Giám đốc điều hành nhà máy sản xuất của công ty tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc thông tin, khi tiếp nhận chức vụ này từ đầu năm 2017, công ty nợ các khoản hơn 4 tỷ đồng; trong đó nợ BHXH là 281 triệu đồng từ tháng 12.2014 đến nay của 3 lao động. Đến cuối tháng 11.2017, Ban giám đốc xin ý kiến Chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng ý có lộ trình giải quyết dần các khoản nợ, đã chuyển trả được 84 triệu đồng nợ BHXH. Ông Tân cho biết: “Chúng tôi cố gắng vừa duy trì hoạt động, vừa lo trả các khoản nợ từ trước. Công ty mới tái cơ cấu, tiến hành sản xuất lại và mới tuyển dụng 29 lao động vào làm việc. Hiện nay công ty vừa làm vừa trả nợ dần và đảm bảo lương công nhân hằng tháng. Tôi hiểu là anh em công nhân mong muốn được tham gia BHXH, nhưng nghe nói công ty nợ BHXH, mọi chế độ của người lao động không giải quyết được nên họ cũng sợ, chần chừ không muốn tham gia. Họ bị mất niềm tin vào thời giám đốc trước, nên chúng tôi phải gầy dựng lại tất cả”. Ông Tân cũng cho biết thêm, công ty sẽ giải quyết nợ BHXH theo lộ trình đến tháng 6.2018, chia ra mỗi tháng trả nợ cũ cùng số tiền mới phát sinh. Đồng thời từ tháng 1.2018 sẽ tham gia bảo hiểm cho công nhân đang làm việc đầy đủ.
THANH TRA MỚI TRẢ NỢ
Tháng 11.2017, nợ đọng BHXH diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu chấn chỉnh tình trạng nợ làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động nhưng việc chuyển biến vẫn rất chậm.
Khi nhận được thông báo thanh tra, Công ty TNHH Bao bì Tấn Đạt đã chuyển trả được phần lớn số nợ BHXH của người lao động. |
Theo đó, đoàn Thanh tra chuyên ngành của Sở LĐ-TB&XH phối hợp với BHXH tỉnh đến thanh tra 15 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổng nợ của 15 doanh nghiệp này là hơn 8 tỷ đồng. Đoàn thanh tra làm việc được với 12 doanh nghiệp, 3 doanh nghiệp né với lý do lãnh đạo đi công tác. Kết quả có 9 doanh nghiệp trả một phần hoặc toàn bộ số nợ, thu nợ được hơn 2,1 tỷ đồng trên tổng số nợ.
Chậm chuyển biến
Trước khi tiến hành thanh tra 15 ngày, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH gửi văn bản đến các đơn vị nằm trong danh sách thanh tra để thông báo. Trước động thái này, một số doanh nghiệp tự giác chuyển trả trước một phần hoặc toàn bộ số tiền nợ. Đơn cử, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH gửi thông báo đến Công ty TNHH bao bì Tấn Đạt (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Bàn), nhắc nợ số tiền BHXH là 470 triệu đồng của 119 lao động. Công ty đã chuyển trả nợ 2 lần được 400 triệu đồng đến cơ quan BHXH tỉnh. Thời điểm đoàn đến thanh tra, công ty còn nợ 70 triệu đồng cùng số phát sinh của tháng 11. Đây được xem là biến chuyển tích cực từ phía lãnh đạo Công ty Tấn Đạt. Theo ông Trần Hữu Phước - Trưởng phòng Nhân sự của công ty này, việc để nợ BHXH do thời gian trước công ty đang đầu tư thêm một nhà máy tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc nên khó khăn về tài chính. Hiện nay nhà máy thứ hai đã đi vào hoạt động, công ty ổn định trở lại nên tiến hành trả nợ BHXH. “Không phải khi nhận thông báo thanh tra chúng tôi mới chuyển trả, mà trước đó đã có kế hoạch cụ thể. Bởi chúng tôi đều nhận thức được lao động chỉ yên tâm công tác và gắn bó lâu dài khi quyền lợi đảm bảo. Và ngược lại nếu không có người lao động công ty cũng không thể hoạt động được. Chưa kể thời điểm cuối năm cần phải ổn định nhân công để đảm bảo sản xuất sau tết” – ông Phúc nói.
Hay như tại một số công ty gồm Công ty TNHH Thiên Phú Hưng (TP.Tam Kỳ) nợ BHXH hơn 464 triệu đồng, khi có thông báo thanh tra đã chuyển trả toàn bộ số nợ trên về cơ quan BHXH TP.Tam Kỳ. Khách sạn Thanh Bình (TP. Hội An) cũng chuyển trả đủ số tiền nợ hơn 285 triệu đồng cho cơ quan BHXH TP.Hội An. Hoặc Công ty TNHH may mặc Mỹ Hưng (Thăng Bình) nợ hơn 727 triệu đồng BHXH, khi nhận thông báo thanh tra đã chuyển trả nợ được hơn 370 triệu đồng. Những đơn vị có trách nhiệm với người lao động, nhưng vì lý do thiếu nguồn vốn kinh doanh, họ chỉ chuyển được một phần tiền nợ. Đồng thời cam kết sẽ chuyển trả toàn bộ nợ trong tháng 12.2017, hoặc có lộ trình trả nợ được đoàn thanh tra chấp nhận.
Xem thường pháp luật lao động
Trong số các doanh nghiệp nợ và có tên trong danh sách thanh tra đợt cuối năm này, vẫn còn nhiều đơn vị chây ì, thậm chí xem thường pháp luật lao động. Khi Thanh tra Sở LĐ-TB&XH gửi thông báo đến Công ty CP Mai Đoàn (có trụ sở tại TP. Đà Nẵng) hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, du lịch tại Núi Thành, đã tìm cách né tránh, không hợp tác. Thanh tra Sở LĐ-TB&XH yêu cầu, nếu lãnh đạo đi vắng phải có người được ủy quyền đứng ra làm việc với đoàn. Thế nhưng, khi đến thanh tra Công ty Mai Đoàn tại TP. Đà Nẵng thì trụ sở công ty cửa đóng then cài. Lúc này, ông Trần Sa - Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, Trưởng đoàn Thanh tra liên lạc lại với nhân sự của công ty thì được thông báo có việc ra ngoài. Được biết, Công ty Mai Đoàn nợ số tiền BHXH hơn 1,1 tỷ đồng của 142 lao động.
Chung tình trạng như trên, Công ty CP TM-DV Cát Vàng (TP.Hội An) cũng liên tục thoái thác, tránh né đoàn thanh tra nên không thể làm việc được. Hay như trường hợp Công ty TNHH TM-DV&DL Bạch Vân (TP.Tam Kỳ) nợ BHXH số tiền hơn 504 triệu đồng của 55 lao động, nhưng dây dưa không chịu trả. Điều này khiến lao động nản và nghỉ việc nhưng không được giải quyết các chế độ thất nghiệp hay nghỉ thai sản… Thanh tra Sở LĐ-TB&XH sau khi gửi thông báo thanh tra qua đường bưu điện, liên lạc đến công ty thì nhân sự công ty nói không nhận được quyết định. Lập tức quyết định được mang trực tiếp tới cho nhân viên công ty ký nhận. Khi Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cũng như BHXH tỉnh liên lạc với giám đốc công ty này qua điện thoại, thì được trả lời đã đi công tác xa. Khi đoàn trực tiếp đến thanh tra công ty Bạch Vân, thì được nhân viên lễ tân cho biết giám đốc đã chuyển ra Đà Nẵng kinh doanh, ở đây chỉ còn vài nhân viên làm việc, không có bất cứ một chế độ nào ngoài tiền lương hàng tháng được chi trả cho nhân viên.
CẦN “LIỀU THUỐC ĐẶC TRỊ”
Hiện nay, quy định xử phat doanh nghiệp chây ì, nợ BHXH vẫn chưa đủ tính răn đe. Vì vậy, đến năm 2018, khi Luật BHXH sửa đổi quy định lao động làm việc một tháng cũng phải được tham gia BHXH thì tình trạng nợ sẽ càng căng thẳng hơn.
Tại Công ty TNHH TM-DV&DL Bạch Vân, khi đoàn thanh tra đến làm việc chỉ có nhân viên lễ tân nên cuộc làm việc bất thành. Ảnh: D.L |
Hơn 11 nghìn lao động bị nợ BHXH
Theo số liệu từ cơ quan BHXH tỉnh, tổng nợ đến 30.11.2017 là hơn 271 tỷ đồng (tỷ lệ nợ bằng 8,46% so với kế hoạch được giao). Trong đó, nợ BHXH hơn 136 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp hơn 7,2 tỷ đồng và nợ BHYT hơn 114 tỷ đồng. Với tỷ lệ nợ này, BHXH tỉnh khó hy vọng sẽ kéo giảm tỷ lệ nợ về con số 3,04% đến hết năm 2017. Lý do được ông Nguyễn Ngọc Bá - Trưởng phòng Khai thác và thu nợ (BHXH tỉnh) phân tích: Trong số nợ này, nợ từ ngân sách Nhà nước sẽ được chuyển trả vào cuối tháng 12.2017. Nhưng số nợ kéo dài từ 3 tháng trở lên chiếm hơn 81 tỷ đồng, trong đó nợ khó thu đã hơn 21 tỷ đồng. Có thể kể đến một số đơn vị nợ dây dưa, khó thu mà BHXH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh mời làm việc như Công ty TNHH may Minh Hoàng 2, Công ty CP nhà Việt Nam Vinahouse, Công ty CP Khoáng sản Đất Quảng Chu Lai, Công ty CP xây dựng Quảng Nam - Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV may Minh Phương. “Ở các đơn vị này, số nợ lớn, thời gian kéo dài, đông lao động bị ảnh hưởng. Các đoàn kiểm tra, thanh tra, giám sát của các ngành, HĐND tỉnh đều đã đến làm việc nhưng tình hình không khả quan. Nợ càng lâu trả quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng càng nặng nề, mọi chế độ đều không được giải quyết, bỏ đi để làm chỗ khác thì mất thời gian dài tham gia, nhất là tiền lương của họ trích đóng đã bị doanh nghiệp chiếm dụng. Cuối cùng chỉ có người lao động phải gánh chịu mọi hậu quả do doanh nghiệp để nợ các khoản BHXH nêu trên” - ông Bá cho hay.
Theo kết quả giám sát chuyên đề của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh trong tháng 8 và 9.2017, dù có kiểm tra, thanh tra tình hình thu hồi nợ, bảo vệ quyền lợi cho người lao động vẫn không đạt. Cụ thể, một số doanh ngiệp có số nợ BHXH lớn, kéo dài buộc phải xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn không thu hồi được nợ. Năm 2016, các ngành của tỉnh đã kiểm tra liên ngành tại 30 đơn vị sử dụng lao động, thu hồi được 3,14/16,7 tỷ đồng tiền nợ (đạt 18,92%). Năm 2017, sau kiểm tra đã thu hồi được 8,32/23,8 tỷ đồng (đạt 34,6%); thanh tra chuyên ngành BHXH tại 18 doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên, thu hồi được 3,24/11,9 tỷ đồng (đạt 27,22%).
Tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT còn cao và kéo dài, tập trung ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Nhiều doanh nghiệp không thực hiện trả nợ theo lộ trình cam kết, xem thường quyền lợi của người lao động. Đối với việc xử phạt vi phạm hành chính cũng là giải pháp “chẳng đặng đừng”. Ông Nguyễn Thành Khả - Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cho biết, khi doanh nghiệp vi phạm, chúng tôi lập biên bản và làm việc để tìm giải pháp. Doanh nghiệp cũng chấp hành, đến làm việc nhưng cứ liên tục “than nghèo kể khổ”, xin xử lý nhẹ tay để họ còn đường làm ăn. Rồi thì xử phạt, doanh nghiệp cũng nhận quyết định và… để đó. Bởi họ đưa ra lý do không có tiền nộp phạt cũng chẳng trả được nợ BHXH. Đến lúc này chỉ còn cách báo cáo lên tỉnh, đề nghị tỉnh có phương hướng xử lý, chứ cấp thẩm quyền của Thanh tra Sở cũng chỉ đến vậy. Doanh nghiệp ngày càng chây ì, nợ cứ nợ, xử phạt cũng không tuân thủ nhưng đâu có cách gì cưỡng chế thi hành.
Trốn đóng BHXH sẽ bị khởi kiện
Theo Điều 216 Bộ luật Hình sự sửa đổi, tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động có thể bị phạt tù ở mức cao nhất là 7 năm tù. Cụ thể, hành vi gian dối hoặc bằng các thủ đoạn không đóng hoặc không đóng đầy đủ các khoản BHXH cho lao động từ 6 tháng trở lên với số tiền từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Nếu chủ sử dụng lao động phạm tội 2 lần trở lên, trốn đóng từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, trốn đóng từ 50 người đến dưới 200 người hoặc không đóng số tiền đã khấu trừ vào tiền lương của người lao động, bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Hình thức phạt tiền cao nhất từ 500 triệu đồng đến 3 tỷ đồng, phạt tù từ 2 năm đến 7 năm đối với hành vi trốn đóng từ 1 tỷ đồng trở lên, trốn đóng từ 200 người trở lên, thu của người lao động mà chiếm dụng không nộp về cơ quan BHXH. |
Lâu nay, ngoài việc kiểm tra, thanh tra thu hồi nợ còn có một biện pháp nữa đó là khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài. Từ năm 2016, chức năng khởi kiện được chuyển từ cơ quan BHXH sang Liên đoàn Lao động, đơn vị đại diện cho quyền lợi của người lao động. Từ đó đến nay, LĐLĐ tỉnh chỉ gửi đơn khởi kiện ra tòa được một đơn vị là Công ty Con đường xanh, với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Sau đó, công ty này cam kết trả nợ và chuyển trả số tiền nợ nên hòa giải thành tại tòa án. Việc khởi kiện bị “tắc” vì vướng quy định rằng LĐLĐ muốn khởi kiện phải có ủy quyền của người lao động cho tổ chức công đoàn. Quy định này rất khó thực hiện, do đây là quy trình được Tổng LĐLĐ đưa ra theo một hướng, khi khởi kiện vướng nhiều thủ tục khác từ phía các cơ quan tham gia tố tụng nên không thể thực hiện được. Ông Lưu Văn Thương - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, phía LĐLĐ tỉnh cũng đã nhiều lần kiến nghị tỉnh để có tiếng nói lên Trung ương gỡ khó về quy trình này. Đơn cử, Trung ương phải có hướng dẫn cụ thể về quy trình, trình tự thủ tục khởi kiện để cơ quan LĐLĐ căn cứ vào đó thực hiện. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục để tổ chức công đoàn thực hiện việc khởi kiện hành vi nợ BHXH của các đơn vị sử dụng lao động.
Ông Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc BHXH tỉnh hy vọng, khi Bộ luật Hình sự sửa đổi được thực thi từ ngày 1.1.2018, tình hình nợ đọng BHXH kéo dài, doanh nghiệp chây ì, trốn đóng sẽ được chấn chỉnh. Bởi mức xử phạt theo quy định mới tăng rất nhiều so với trước đây, có ba-rem cụ thể nên sẽ thuận lợi hơn khi ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động một cách hiệu quả.
LÊ DIỄM