Đào tạo nghề may theo Quyết định 3577 ở Bắc Trà My: Khó nhưng quyết làm

LÊ DIỄM 25/10/2017 13:51

Cùng tham gia một buổi tư vấn cho lao động ở Bắc Trà My đi học nghề, mới thấy hết cái khó mà địa phương đang gặp phải khi thực hiện Quyết định 3577 của UBND tỉnh, nhất là việc ngại đi học và làm việc theo tác phong công nghiệp.

Nhiều lao động sau khi nghe tư vấn kỹ càng đã bàn bạc lựa chọn đăng ký học nghề may công nghiệp. Ảnh: D.L
Nhiều lao động sau khi nghe tư vấn kỹ càng đã bàn bạc lựa chọn đăng ký học nghề may công nghiệp. Ảnh: D.L

Lao động ngại đi học

Vào tháng 10 vừa qua, UBND huyện Bắc Trà My đã tổ chức tư vấn tuyển sinh học nghề tại cụm xã Trà Giáp, Trà Giác, Trà Ka. Tham dự buổi tuyển sinh có khoảng 150 người, phần lớn ở độ tuổi từ 18 đến 35 cùng những người có trách nhiệm của huyện và đại diện doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề. Hồ Văn Tèo (SN 1997) khi nghe thông tin có buổi tư vấn đào tạo nghề từ cán bộ xã, đã dừng việc đi rẫy một ngày để tham dự. Anh Tèo cho hay đã biết về nghề may công nghiệp vì có người em cũng tham gia khóa đào tạo và hiện làm việc tại một công ty may tại TP.Tam Kỳ. Anh Tèo chia sẻ: “Gần nhà tôi cũng có người tham gia học nghề may và đi làm nhưng sau đó nghỉ việc giữa chừng. Hỏi chuyện mới biết do anh làm chậm nên thường bị quản lý nhắc nhở, cộng thêm lương thấp, không đủ chi tiêu phải quay về quê. Nghe vậy tôi cũng do dự nên đến tìm hiểu kỹ để có quyết định chắc chắn”.

Theo đó, trong buổi tư vấn, anh Tèo thắc mắc các vấn đề như đi học có phải tốn thêm khoản tiền nào nữa không, có được về nhà khi cần hay không, đi làm có được lo chỗ ở hay không... Theo đó, cán bộ tuyển sinh của Trường Trung cấp nghề thanh niên dân tộc miền núi tỉnh giải thích tận tình. Cụ thể, học viên không phải tốn kém bất cứ khoản chi phí nào cho việc học, vì đã có Nhà nước hỗ trợ. Việc ăn ở, trong 2 tháng học được nhà trường lo toàn bộ; học xong nếu đạt trình độ tay nghề, được tuyển dụng thì nhà nước còn hỗ trợ tiền ở trọ trong 3 tháng đầu. Phía các doanh nghiệp cũng đã giải thích thêm, nếu tay nghề lao động đạt chất lượng sẽ được hưởng mức lương tối thiểu vùng đảm bảo thấp nhất là 2,9 triệu đồng/tháng, công ty sẽ hỗ trợ thêm tiền xăng xe đi lại, tiền trọ và miễn phí tiền ăn trưa. Ngoài ra, lao động cũng được nghỉ vào cuối tuần, lễ tết. Vì vậy, việc về thăm nhà người lao động phải bố trí vào thời gian nghỉ nêu trên, vì làm theo dây chuyền, không thể tự ý nghỉ làm sẽ ảnh hưởng đến tập thể.

Với những lao động đã học xong lớp 12 như nhóm ba bạn trẻ Nguyễn Thị Diệu Minh, Đoàn Thị Hương và Nguyễn Thị Hậu (đều SN 1999), việc học nghề được họ nhận thức tốt hơn. Còn trẻ, chưa có gia đình nên họ không vướng bận như nhiều lao động khác. Theo đó, vấn đề họ lo nhất là không thích ứng được với tác phong công nghiệp. Diệu Minh nói: “Chúng tôi tham gia buổi tư vấn để hiểu rõ về quy định cụ thể trong môi trường làm việc mới này. Nghe nói đi làm trong công ty phải tuân theo kỷ luật, nếu làm không đạt sẽ bị la rầy, thậm chí bị đuổi việc nên lo lắng. Nhưng các thầy ở trường cho hay sẽ chỉ dạy tận tình từ tay nghề đến cách ứng xử trong môi trường làm việc công nghiệp. Đồng thời sẽ phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ khi tiếp xúc môi trường thực tế, không phân biệt giữa lao động miền núi với đồng bằng nên cũng yên tâm hơn”.

Con đường giảm nghèo

Việc thực hiện Quyết định 3577 của UBND tỉnh, đến nay có tổng cộng 1.507 người được hỗ trợ đào tạo theo cơ chế (trong đó 789 người là đồng bào dân tộc thiểu số); hoàn thành đào tạo 924 lao động (trong đó 516 người là dân tộc thiểu số); số lao động hiện nay đang làm việc tại doanh nghiệp là 741 lao động (trong đó có 430 người là dân tộc thiểu số).

Việc vận động người lao động ở miền núi học nghề gắn với đi làm ở đồng bằng gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Kiên - Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Ka thông tin, xã có hơn 600 lao động trong độ tuổi từ 18 đến 35. Tất cả đều không có việc làm ổn định, chủ yếu đi làm rẫy, hoặc đi làm thuê ở Tây Nguyên mỗi mùa vụ cà phê hay thu hoạch sắn, khoai lang. Bà Kiên cho hay: “Cuộc sống khó khăn, nhưng gọi lao động đi học nghề, đi làm để có thu nhập ổn định họ lại không mặn mà. Tâm lý chung họ sợ không học được nghề, ngại đi làm xa. Thêm nữa là lao động trong độ tuổi nhiều, nhưng phần lớn đã lập gia đình, vướng bận con cái nên khó thay đổi môi trường sống. Từ khi có Quyết định 3577, xã cũng nỗ lực vận động, tuyên truyền bằng cách đến từng nhà, gặp từng người nhưng kết quả vẫn không khả quan. Xã sẽ cố gắng tập trung vào đối tượng lao động học xong lớp 9 hoặc lớp 12 nhưng không đi học tiếp được để vận động, thay đổi nhận thức nghề nghiệp một cách hiệu quả”.

Từ khi triển khai đào tạo nghề theo Quyết định 3577 đến nay, huyện Bắc Trà My đã có 200 lao động đi học nghề và đi làm. Riêng buổi tư vấn vào trung tuần tháng 10 này, có 35 lao động đã đăng ký đi học nghề may công nghiệp. Bà Nguyễn Thị Minh Thư - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói rằng, đây là con đường giúp lao động của huyện học được nghề và đi làm, đem lại nguồn thu nhập ổn định sẽ góp phần rất lớn cho công cuộc giảm nghèo tại địa phương. Bởi ở miền núi thường lao động trẻ nếu học xong lớp 9 hoặc lớp 12 mà không đi học tiếp hoặc không đi làm, ở nhà sẽ lập gia đình. Như thế, sẽ có thêm một hộ mới, với chủ hộ là lao động chính nhưng không có việc làm, chủ yếu bám vào nương rẫy sống qua ngày. Và như thế, lại thêm một hộ nghèo, thêm gánh nặng cho huyện. Nhưng khi có Quyết định 3577 đồng nghĩa với việc huyện có thêm một con đường giúp lao động lập nghiệp. Bà Thư cho biết: “Quyết định 3577 thực sự giúp huyện Bắc Trà My rất nhiều trong việc đào tạo nghề nhằm giải quyết lượng lao động trẻ dôi dư hiện nay. Bắc Trà My gặp nhiều khó khăn trong triển khai đào tạo nghề, nhưng chúng tôi quyết tâm phải thực hiện được, bởi đây là con đường giúp lao động là đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo hiệu quả nhất. Chỉ tiêu 700 lao động trong năm 2017 chắc chắn không đạt được, nhưng từ nay đến cuối năm 2017 chúng tôi cố gắng đạt được khoảng 40 - 50%”.

LÊ DIỄM

LÊ DIỄM