Áp lực nguồn lao động công nghiệp - Bài cuối: Chuyển mình để hội nhập

DIỄM LỆ 20/10/2017 09:12

Cạnh tranh về nguồn nhân lực trong xu thế hội nhập ngày càng gia tăng. Vì vậy cần một chiến lược phát triển nguồn nhân lực hợp lý để người dân dễ dàng gia nhập thị trường lao động.

Tin liên quan

  • Áp lực nguồn lao động công nghiệp - Bài 3: Đào tạo theo nhu cầu
  • Áp lực nguồn lao động công nghiệp - Bài 2: Nghịch lý thiếu - thừa
  • Áp lực nguồn lao động công nghiệp - Bài 1: Gian nan tìm lao động
Việc đào tạo nghề cho lao động cần thiết phải đào tạo chuyên sâu, kèm theo việc rèn luyện các kỹ năng mềm.Ảnh: L.D
Việc đào tạo nghề cho lao động cần thiết phải đào tạo chuyên sâu, kèm theo việc rèn luyện các kỹ năng mềm.Ảnh: L.D

Nguồn lao động trên địa bàn tỉnh hiện nay được đánh giá là có “trình độ” nhưng chưa phù hợp với nhu cầu của nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, nhiều người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng nghề khi xin việc thì bị doanh nghiệp “chê” vì kỹ năng tay nghề kém, nên họ chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông vào để đào tạo. Điều này gây ra sự lãng phí cho người lao động và xã hội.

Cần liên kết đào tạo

Anh Trần Công Diễn (huyện Tiên Phước) học cao đẳng ngành xây dựng cầu đường, ra trường không xin được việc làm nên đổi hướng, đi học nghề sửa chữa thiết bị may để xin việc làm dễ hơn. Và khi làm việc cho một doanh nghiệp may mặc, anh không được xem là lao động có tay nghề mà chỉ là lao động phổ thông. Vì điều kiện gia đình, anh Diễn chấp nhận đi làm để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Anh nói: “Tôi cầm bằng nghề vào doanh nghiệp xin việc thì họ nói bằng này cũng như lao động phổ thông chứ không tính lao động có tay nghề thợ. Dù lương doanh nghiệp cao hơn khu vực nhà nước, nhưng tôi thấy như vậy là thiệt thòi, người có nghề phải được tính mức lương khác người chưa có tay nghề, ít nhất là hơn 7% mức lương tối thiểu vùng quy định. Nhưng trong bảng lương của tôi, tôi chưa thấy tính 7% này vào. Tôi kiến nghị, thì đại diện công ty nói tôi chỉ học nghề dưới 3 tháng, cần qua thời gian làm việc khoảng 1 năm, công ty cho sát hạch tay nghề, khi đảm bảo tay nghề theo yêu cầu thì tôi sẽ được nâng lương như lao động có bằng nghề các bậc trung cấp, cao đẳng nghề”.

Trong các phiên giao dịch việc làm, lao động phần lớn đã qua các trường cao đẳng, đại học nhưng không được doanh nghiệp tuyển dụng.
Trong các phiên giao dịch việc làm, lao động phần lớn đã qua các trường cao đẳng, đại học nhưng không được doanh nghiệp tuyển dụng.

Sự liên kết giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực đã được các cơ sở đào tạo chủ động thực hiện trong nhiều năm qua. Thực tế ở nơi nào sự liên kết được thực hiện tốt thì nơi đó lao động được đào tạo và giải quyết việc làm hiệu quả. Sự liên kết không chỉ thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tiếp nhận lao động, mà còn xem trọng lao động đã qua đào tạo nghề, phát huy những kiến thức mà người lao động đã học được từ trường nghề, bồi dưỡng những kỹ năng để phù hợp hơn với nhu cầu của doanh nghiệp. Như ở Trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam, nhà trường luôn gắn kết đào tạo với các công ty trong Khu kinh tế mở Chu Lai, nên lao động đào tạo theo hợp đồng khi ra trường được giải quyết việc làm. Các ngành nghề như cơ khí, công nghệ ô tô, trước khi đào tạo nhà trường luôn ký thỏa thuận cung ứng lao động với doanh nghiệp. Trong quá trình đào tạo, học viên không chỉ học tại nhà trường mà còn học tại doanh nghiệp, trên dây chuyền thực tế nên khi vào làm việc không bỡ ngỡ. Sự hợp tác này ba bên cùng có lợi, nhưng việc tuyển người học nghề hiện nay gặp khó khi nguồn lao động ngày càng ít nên nhà trường không đào tạo đủ nguồn lao động để cung ứng cho các doanh nghiệp, dự án lớn.

Và phải thay đổi

“Bước vào giai đoạn mở cửa, cơ hội, việc làm sẽ khó khăn hơn do yêu cầu của nhà tuyển dụng cao hơn, tiêu chí khắt khe hơn. Người lao động phải tự trau dồi kiến thức ngoại ngữ, kỹ năng mềm là điều vô cùng cần thiết bên cạnh tay nghề chuẩn...”.
(Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH)

Theo một nghiên cứu của tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong vòng 10 năm tới, có đến 68% lao động trong khu vực may mặc, điện tử có thể mất việc làm. Nguyên nhân chủ yếu là các doanh nghiệp sử dụng máy móc thay thế con người. Cùng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, việc đưa công nghệ mới vào sản xuất làm tăng năng suất lao động sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho doanh nghiệp. Vậy nên, nếu lao động không tự thay đổi về lề lối làm việc, năng suất lao động thấp thì sẽ bị thay thế. Chuyển dịch lao động trong khu vực là thời cơ cũng là thách thức cho lực lượng lao động của tỉnh. Để hội nhập tốt hơn đòi hỏi lao động phải thay đổi ngay từ bây giờ, tự học hỏi để trang bị cho mình những kiến thức tham gia sân chơi lớn.

Anh Lê Văn Nam (huyện Thăng Bình) làm việc trong ngành điện tử, viễn thông đã có kinh nghiệm làm việc hơn 3 năm, nhưng khi được đi xuất khẩu lao động, bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp ở Hàn Quốc, anh vẫn bị bỡ ngỡ và thấy mình tụt hậu. Gặp chúng tôi trong một dịp về thăm quê, Nam tâm sự rằng có “đi ra” mới thấy lao động của tỉnh còn nhiều điểm hạn chế, yếu kém cần được nâng cao hơn. Anh Nam cho biết mình có trình độ đại học, tiếng Anh giao tiếp cơ bản nhưng bước ra thế giới thấy mình còn quá hạn chế. “Làm việc trong môi trường máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến, tôi thấy rằng những việc mình đã làm ở một công ty trong nước chẳng dính dáng gì cả. Qua bên đó, cái gì tôi cũng phải học, vừa làm vừa học thêm. Họ làm việc rất chuyên nghiệp, công nghệ thì tiên tiến. Lao động của mình qua bên đó nếu không có ngoại ngữ là tiếng Anh hay ngôn ngữ chính thống của họ là tiếng Hàn Quốc thì không thể nào giao tiếp được. Thế mới thấy lao động của tỉnh mình ngoài trình độ tay nghề thì còn phải học hỏi nhiều hơn nữa thì khi thị trường lao động mở cửa mới mong duy trì được việc làm”.

Nhận định về thị trường lao động cũng như trình độ của lao động trong tỉnh, ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng yếu ngoại ngữ là tình trạng chung của lao động trong tỉnh. Chính rào cản về ngôn ngữ đã làm cho cơ hội việc làm, thăng tiến của lao động bị mất đi tính cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế hiện nay. Quảng Nam kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện cho dự án lớn cũng nhằm tạo việc làm tốt hơn cho người lao động của tỉnh, đặc biệt là người dân trong vùng dự án. Nhưng nếu chính bản thân mỗi người lao động không học hỏi, không tự nâng cao trình độ về cả tay nghề lẫn ngoại ngữ, tác phong công nghiệp thì sẽ tụt đi cơ hội việc làm. Ông Thùy cho biết: “Bước vào giai đoạn mở cửa, cơ hội, việc làm sẽ khó khăn hơn do yêu cầu của nhà tuyển dụng cao hơn, tiêu chí khắt khe hơn. Người lao động phải tự trau dồi kiến thức ngoại ngữ, kỹ năng mềm là điều vô cùng cần thiết bên cạnh tay nghề chuẩn. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở đào tạo nghề cần đào tạo chuyên sâu và trang bị kỹ năng mềm, ngoại ngữ cho học viên, sinh viên. Sở LĐ-TB&XH đang tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình mục tiêu về giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động đến năm 2020 nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng và phát triển lực lượng lao động phù hợp với bối cảnh hội nhập hiện nay. Nếu không chuẩn bị ngay từ bây giờ, lao động của tỉnh sẽ tụt hậu so với các nước trong khu vực”.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ