Đào tạo nghề may công nghiệp theo Quyết định 3577 của UBND tỉnh: Nhiều nơi gặp khó

Đ.ĐẠO - H.LINH 11/09/2017 13:30

Tin liên quan

  • Triển khai Quyết định 3577 của UBND tỉnh: Đào tạo quá thấp so với nhu cầu
  • Đào tạo nghề may công nghiệp cho 140 lao động miền núi
  • Phước Sơn khai giảng khóa đào tạo nghề may tại chỗ
  • Đào tạo nghề may theo Quyết định 3577: Chuyển động ở Phước Sơn
  • 7 địa phương chưa đào tạo được nghề may công nghiệp theo Quyết định 3577
  • Đào tạo nghề may theo Quyết định 3577: Nỗ lực trong thời điểm khó

Từ đầu năm đến nay vẫn còn một số địa phương như Thăng Bình, Nông Sơn chưa thể mở các lớp nghề may theo Quyết định 3577 của UBND tỉnh.

Tìm hiểu về cách vận động người dân đi học nghề ở cơ sở, chúng tôi đến thôn Bình Hiệp (xã Bình Phục, Thăng Bình). Ông Nguyễn Sơn - Bí thư Chi bộ thôn Bình Hiệp cho biết, dù rằng thôn đã tổ chức họp dân, lồng ghép tuyên truyền về cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề may công nghiệp theo Quyết định 3577 của UBND tỉnh cho người dân trong độ tuổi lao động nhưng việc triển khai thực hiện vẫn giẫm chân tại chỗ, không có một lao động địa phương nào đăng ký học nghề. Ông Sơn cho hay: “Lao động trẻ vừa học xong THPT thì phần lớn ly hương, đi học đại học, cao đẳng hoặc tự mình tìm kiếm những công việc khác mà không chọn học nghề may”. Ở các thôn khác cũng tương tự như thế nên xã Bình Phục vẫn chưa thể mở lớp đào tạo nghề may nào. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phục - Phan Ngọc Bốn chia sẻ, toàn xã có gần 5.800 người trong độ tuổi lao động, địa phương nằm gần các khu - cụm công nghiệp như Hà Lam - Chợ Được, Đông Quế Sơn nên phần lớn người lao động đã tự đi tìm kiếm việc làm.

Trong khi đó, dù nhiều lao động nữ còn bấp bênh việc làm nhưng tại xã Quế Trung (Nông Sơn) vẫn chưa thể mở lớp đào tạo nghề may. Trở ngại lớn nhất khiến lao động không tham gia là khi học nghề xong phải đi địa phương khác để làm việc. Ông Nguyễn Tạo - Trưởng thôn Trung Phước 1 nói, dù có nhiều ưu đãi, nhưng phần lớn phụ nữ đều vướng bận con cái nên họ chấp nhận thu nhập thấp hơn để có thể toàn vẹn chuyện chăm sóc gia đình. Lãnh đạo xã Quế Trung cho biết, địa phương đã triển khai tuyên truyền nhiều lần, nhưng lao động không đăng ký học nghề nên đành chịu.

Ông Lê Văn Châu - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nông Sơn cho biết: “Lao động học nghề may chủ yếu là nữ, nhưng trên địa bàn huyện chưa có một doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Lao động dù mong muốn được “ly nông” nhưng họ không thể “ly hương” để đến các địa phương khác làm việc do vướng bận chuyện gia đình. Lao động chưa có gia đình thì phần lớn đi học, đi làm ở nơi xa cả rồi. Chỉ có cách thu hút được doanh nghiệp ngành may về đầu tư ở địa phương mới mong có lao động đi học nghề may”. Ở Thăng Bình, các công ty, xí nghiệp may tự đào tạo nghề, nhu cầu lớn về lao động không cần tay nghề đã khiến các lao động tự tìm đến xin việc nên không còn nhiều người lao động đăng ký học nghề. Lao động nhàn rỗi thì không thích học nghề may mà thích học những nghề khác. Nên huyện Thăng Bình cũng kiến nghị nên mở rộng ngành nghề để lao động dễ đăng ký.

Đ.ĐẠO - H.LINH

Đ.ĐẠO - H.LINH