Đối thoại về hỗ trợ lao động

LÊ DIỄM 30/08/2017 09:02

Hôm qua 29.8, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại với doanh nghiệp, người lao động và cơ sở dạy nghề về thực hiện cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động theo Quyết định 3577 của UBND tỉnh nhằm tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Các doanh nghiệp cho rằng, cần nâng cao ý thức, tác phong công nghiệp cho người lao động để tập sự gắn kết lâu dài. Ảnh: L.D
Các doanh nghiệp cho rằng, cần nâng cao ý thức, tác phong công nghiệp cho người lao động để tập sự gắn kết lâu dài. Ảnh: L.D

Nhiều vướng mắc

Cơ chế đào tạo nghề theo Quyết định 3577 của UBND tỉnh triển khai được gần một năm, nhưng số lượng người lao động hoàn thành đào tạo quá thấp, với 1.268 người/12 nghìn lao động theo nhu cầu. Hiện nay, việc đào tạo theo cơ chế đang chững lại vì gặp những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Có nhiều nguyên nhân khiến cho việc đào tạo gặp khó khăn. Về phía người lao động cho rằng, thu nhập ngành may chưa thu hút được lao động mặn mà; doanh nghiệp đăng ký nhu cầu nhưng không tiếp nhận, không hợp tác với cơ sở dạy nghề. Cơ sở dạy nghề chưa làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn tại địa phương, thông tin chưa đến với lao động; doanh nghiệp thì không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; người lao động không tuân thủ tác phong công nghiệp, nhảy việc đến nơi khác khi làm chưa đủ 3 tháng tại một doanh nghiệp đã ký kết với cơ sở dạy nghề... Nhiều vấn đề cùng xảy ra để khiến việc đào tạo đang gặp khó khăn, cần được tháo gỡ để có thể đào tạo tiếp tục trong thời gian tới”.

Ngoài hỗ trợ chuyên môn, doanh nghiệp cần sâu sát, chia sẻ với người lao động. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng phân biệt đối xử đối với lao động đồng bào dân tộc thiểu số. Lao động là đồng bào dân tộc thiểu số đã xác định đi học và làm việc đồng nghĩa họ đã đặt quyết tâm cao trong lập thân lập nghiệp. Vì thế, các đơn vị, doanh nghiệp liên quan cần hỗ trợ để họ khắc phục hạn chế, hòa nhập với môi trường làm việc mới. Đặc biệt, đóng bảo hiểm xã hội cho lao động là quy định của luật. Qua đó, giúp lao động gắn kết với doanh nghiệp hơn, nên doanh nghiệp phải thực hiện việc ký kết hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội theo đúng quy định.

Đến nay, các cơ sở đào tạo gặp vướng về việc thanh quyết toán, do không đủ 80% lao động sau đào tạo đi làm theo quy định. Ngoài ra, doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng khiến cơ sở đào tạo không đủ điều kiện thanh toán chi phí đào tạo. Nhiều cơ sở đào tạo chỉ mới thực hiện đào tạo được 1 - 2 lớp nhưng gặp khó khăn về thanh quyết toán chi phí buộc phải dừng lại. Chẳng hạn, Trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam đào tạo khóa đầu tiên tại xã Tam Lãnh (Phú Ninh) với hơn 100 lao động. Thế nhưng, sau đó lao động không chịu làm việc theo cam kết hoặc “nhảy việc” mà không thông báo nên nhà trường rất khó quản lý.

Đối với bản thân người lao động vẫn chưa thích nghi với môi trường làm việc công nghiệp nên dễ bỏ cuộc. Chị Arất Thị Nhung (SN 1996, quê Nam Giang) học nghề theo cơ chế, đang làm việc tại một công ty may ở Quế Sơn cho biết: “Chúng tôi vẫn còn bị phân biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, rồi quản lý là người Trung Quốc nên khó khăn trong giao tiếp. Cuối tuần chúng tôi chỉ được nghỉ một ngày nên không đủ thời gian về thăm nhà, nhất là đối với người có con nhỏ. Chưa kể, lương mỗi tháng 2,9 triệu đồng không đủ để trang trải cuộc sống, chứ chưa nói đến phụ giúp gia đình”.

Doanh nghiệp băn khoăn

Tại buổi đối thoại, hầu hết ý kiến của doanh nghiệp đều quan tâm đến chất lượng tay nghề, tác phong làm việc của người lao động còn hạn chế, chính điều đó làm ảnh hưởng đến việc ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội. Ông Trần Đình Ngạt - Trưởng phòng Nhân sự Công ty Tuấn Đạt 2 (Tiên Phước) cho rằng, Quyết định 3577 là một cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp có lao động để phục vụ sản xuất. Công ty đã phối hợp với cơ sở dạy nghề đào tạo được 24 người nhưng hiện chỉ đóng bảo hiểm xã hội 8 người. Ông Ngạt nói: “Thực tế cho thấy, ngoài chuyên môn rất cần ý thức làm việc của người lao động, nhất là làm việc theo đúng cam kết. Bên cạnh đó cũng cần xem xét đối tượng ưu tiên đào tạo nghề là người khuyết tật theo quyết định. Bởi thực tế, lao động nghề may công nghiệp bên cạnh chuyên môn phải có sức khỏe để đảm bảo yêu cầu tiến độ công việc”.

Người lao động mong muốn được quan tâm hơn để yên tâm làm việc. Ảnh: D.L
Người lao động mong muốn được quan tâm hơn để yên tâm làm việc. Ảnh: D.L

Còn ông Lê Văn Thăng - Giám đốc nhân sự Công ty TNHH MTV Germton (Quế Sơn) thông tin, công ty có  2 nhà máy, nhu cầu lao động cả năm tới lên 3.000 lao động nhưng hiện chỉ có 1.300 lao động. Có một tồn tại phổ biến là chất lượng lao động chưa phù hợp với công nghệ tại doanh nghiệp. Vì vậy, làm sao cho chất lượng lao động phù hợp với doanh nghiệp, chú trọng nâng cao tác phong công nghiệp. Trong đào tạo, tỉnh, nhà trường nên đặc biệt quan tâm đến đào tạo ý thức, tác phong của người lao động. “Lao động ở vùng quê quen tự do, khi vào nhà máy cần có bước đệm trước khi tiếp cận môi trường công nghiệp để họ không bị bỡ ngỡ. Nên đưa nội dung đào tạo cho lao động hiểu vì sao khi họ nghỉ thì không được, bản thân lao động mất gì, doanh nghiệp mất gì... Khi tôi đến địa phương thì lãnh đạo ở địa phương chưa cảm thấy rằng doanh nghiệp vào địa phương thì có lợi gì cho người lao động, chưa quan tâm đến việc tạo nguồn lao động để doanh nghiệp tiếp nhận” - ông Thăng băn khoăn.

Khó đạt chỉ tiêu

Các huyện ở miền núi như Tây Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My đều cùng chung nhận định khó đạt được chỉ tiêu giao năm 2017. Thời gian qua, các địa phương đã vào cuộc tuyên truyền đến tận xã, thậm chí đến thôn, bản, nhưng lao động không mặn mà. Chẳng hạn như Tây Giang hỗ trợ thêm 100 nghìn đồng/người học nghề nhưng vẫn rất khó tuyển sinh. Một số lao động sau khi hoàn thành khóa học lại không làm việc đúng cam kết, với các lý do nghỉ làm giữa chừng hoặc không chịu nổi áp lực công việc. Đối với huyện Bắc Trà My, chỉ tiêu giao 600 lao động nhưng mới đào tạo được 61 lao động. Bà Nguyễn Thị Minh Thư - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ sở đào tạo để đào tạo nghề cho lao động địa phương nhưng để đạt chị tiêu 600 người khó khả thi”.

Trong vấn đề đào tạo, ông Nguyễn Quí Quý - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi tỉnh cho biết: “Trong quá trình đào tạo, chúng tôi có đào tạo về tác phong công nghiệp bằng cách cho lao động ăn ở tập trung để làm quen, sau này dễ hòa nhập. Nhưng lao động đồng bào dân tộc thiểu số có chậm ở tay nghề thì doanh nghiệp cần đào tạo thêm. Nói thật là bộ phận nhân sự của công ty thì quan tâm đến lao động, nhưng bộ phận sản xuất khi kiểm hàng nếu thấy không đạt thường phản ứng khiến các em tủi thân. Điều này dẫn đến tâm lý các em nghĩ rằng có sự phân biệt nên nghỉ giữa chừng. Có doanh nghiệp kéo dài thời gian thử việc, khiến lao động đợi lâu nản cũng bỏ việc, nhà trường thì không thể có bảng xác nhận đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp để thanh toán chi phí”.

Khi nghe ý kiến của người lao động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh động viên lao động cố gắng khắc phục khó khăn để gắn bó lâu dài. Trong quá trình làm việc, cần ý thức nỗ lực vươn lên, nâng cao tay nghề. Bởi một người chậm sẽ làm ảnh hưởng đến cả dây chuyền sản xuất. Ông Lê Văn Thanh cũng yêu cầu lãnh đạo các huyện liên quan cần quan tâm hỗ trợ, động viên người lao động kịp thời. Về phía các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đối với nhóm lao động đào tạo theo cơ chế của tỉnh, bởi đây là nhóm lao động chủ yếu nằm ở khu vực nông thôn, miền núi nên ý thức chưa cao. Về cơ chế khác dành cho người lao động, tỉnh sẽ nghiên cứu để bổ sung, hỗ trợ người lao động để họ có thể gắn bó với doanh nghiệp lâu dài hơn.

LÊ DIỄM

LÊ DIỄM