Đà Nẵng "khát" nhân lực ngành du lịch

QUỐC TUẤN 24/05/2017 08:30

Với hệ thống các resort, khách sạn vẫn đang tiếp tục bùng nổ từng ngày trên địa bàn thành phố, Đà Nẵng đang đối mặt với bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực và từng bước tìm hướng giải quyết.

Hụt cả lượng và chất

Thống kê cho thấy, Đà Nẵng hiện có 585 khách sạn, tăng gần gấp 10 lần so với năm 1997 (61 khách sạn) và thu hút được tới 5,6 triệu lượt khách trong năm 2016. Con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng mạnh trong năm nay khi dọc ven biển từ Ngũ Hành Sơn đến bán đảo Sơn Trà như một “đại công trường” với các dự án nước rút để kịp đón sự kiện APEC 2017. Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, tổng số phòng khách sạn kể cả loại hình condotel của Đà Nẵng đã lên đến khoảng 26.000 phòng. Theo tính toán, mỗi phòng cần lượng người lao động gấp 1,5 lần thì nhu cầu lao động ngành du lịch hiện nay đã vượt qua con số 30.000 lao động. Đến năm 2020, dự báo số lượng phòng sẽ gia tăng lên 26.000 phòng và năm 2030 chạm mức 62.000 phòng; khi đó nhu cầu nhân lực sẽ tăng gấp 2 đến 3 lần nhu cầu hiện tại.

Tập đoàn Empire ký kết hợp tác với 5 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP. Đà Nẵng với mong muốn tạo ra nguồn lao động ngành du lịch chất lượng.
Tập đoàn Empire ký kết hợp tác với 5 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP. Đà Nẵng với mong muốn tạo ra nguồn lao động ngành du lịch chất lượng.

Nguồn cầu luôn dồi dào là vậy nhưng hiện tại số lượng nhân lực du lịch mỗi năm mà các cơ sở giáo dục chỉ cung cấp chưa tới 1.000 người (bằng khoảng 20% nhu cầu thực tế). Tổng lực lượng lao động đang phục vụ trong ngành du lịch Đà Nẵng cũng mới đạt khoảng 20.000 người, chỉ mới đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu hiện tại. Một tồn tại khác khiến các doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố trăn trở chính là việc lao động chưa toàn tâm gắn bó với doanh nghiệp. Điều này cũng xuất phát chính từ thực trạng thiếu hụt nhân lực, từ đó người lao động nhảy việc khi có mức lương hấp dẫn. Ngoài ra, tình trạng lao động làm trái chuyên môn cũng dẫn đến chất lượng phục vụ chưa thực sự chuyên nghiệp. Đơn cử như lao động trong các mảng dịch vụ, buồng, thể thao… phần lớn từ tay ngang sang và phải đào tạo lại, tiếp thu kiến thức chuyên môn dần dần trong quá trình làm việc. Theo Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, tỷ lệ lao động được đào tạo đúng chuyên môn trên địa bàn thành phố chỉ mới đạt khoảng 40%, lực lượng lao động thạo ngoại ngữ Nhật, Nga, Hàn… còn thiếu hụt nghiêm trọng.

Tìm cách tháo gỡ

Nhận thức được những khó khăn trong việc giải quyết bài toán nhân lực cho ngành du lịch, vài năm gần đây cả cơ quan chức năng địa phương, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục dần kết nối với nhau để “chỉnh hướng” và tìm ra nguồn lao động chất lượng cao. Đại học (ĐH) Kinh tế Đà Nẵng, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng hay ĐH Duy Tân là những đơn vị tích cực trong việc tạo mối liên kết với các doanh nghiệp có tiếng tăm như Furama Resort, Vingroup… Mới đây nhất vào ngày 9.5, lần đầu tiên nhiều đơn vị giáo dục chung tay với doanh nghiệp để nhận được sự phối hợp, hỗ trợ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và tìm đầu ra cho sinh viên từ Tập đoàn Empire. Cũng theo ông Nguyễn Xuân Bình, khoảng 20 thương hiệu du lịch hàng đầu thế giới có mặt tại Đà Nẵng, vì vậy nhu cầu nhân lực chất lượng cao là tất yếu. Hoạt động kết nối vừa qua của Empire với một loạt cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố rất thiết thực, góp phần giải quyết hiệu quả chất lượng giữa cung - cầu.

Phát biểu tại buổi lễ ký kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa Tập đoàn Empire với 5 cơ sở giáo dục gồm: ĐH Kinh tế Đà Nẵng, ĐH Duy Tân, ĐH Đông Á, Cao đẳng Việt Úc, Cao đẳng Pegasus, ông Trịnh Việt Hưng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Empire cho biết, mục tiêu quan trọng của đơn vị là tạo ra khoảng 10.000 việc làm từ nay đến năm 2020. “Điều cốt lõi của dự án này nằm ở việc Empire sẽ góp phần định hướng trong quá trình đào tạo, thực tập để gia tăng kỹ năng cho sinh viên ngay từ khi còn ở giảng đường. Ngoài ra, đơn vị dự kiến cũng sẽ phát triển thêm hệ thống trường học và các hệ thống giáo dục du lịch cải tiến cho Đà Nẵng nói riêng và các địa phương miền Trung nói chung, với mong muốn tạo ra một lực lượng lao động ngành du lịch vừa dồi dào vừa chuyên nghiệp cho khu vực này” - ông Hưng nói.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN