Đào tạo nghề may theo Quyết định 3577: Chuyển động ở Phước Sơn

LÊ DIỄM 11/05/2017 09:56

Với sự vào cuộc quyết liệt của huyện Phước Sơn, đã có những chuyển động đáng mừng trong đào tạo nghề may công nghiệp. Những lao động đầu tiên của huyện đã đến trường học nghề may công nghiệp, dần quen với cách sinh hoạt theo nền nếp ở trường, chuẩn bị tâm thế đi làm ở doanh nghiệp.

  • 7 địa phương chưa đào tạo được nghề may công nghiệp theo Quyết định 3577
  • Tiên Phước khai giảng lớp đào tạo nghề may đầu tiên
  • Bàn giao 74 lao động nghề may cho doanh nghiệp
  • Đào tạo nghề may theo Quyết định 3577: Lo "bể" kế hoạch
  • Đào tạo nghề may công nghiệp cho 90 lao động miền núi
  • Đào tạo lao động nghề may: Khó tuyển sinh tận cơ sở
  • Rời núi đi may
Lãnh đạo huyện Phước Sơn thăm lao động của huyện đang học nghề tại Nam Giang. Ảnh: D.L
Lãnh đạo huyện Phước Sơn thăm lao động của huyện đang học nghề tại Nam Giang. Ảnh: D.L

Dần quen nếp sinh hoạt mới

Kể từ khi đến trường học may tập trung đến nay đã hơn 2 tuần, anh Hồ Văn Dược (SN 1993, xã Phước Hòa, Phước Sơn) đã quen hơn với cách ăn ở, sinh hoạt tập trung. Dược nói rằng chọn đi học nghề thay vì ở nhà đi làm rẫy, làm thuê. Dược chỉ học xong lớp 7, không có nghề nghiệp gì trong tay, chỉ biết đi làm rẫy, ai thuê gì làm nấy, mỗi ngày được trả 150 nghìn đồng tiền công, nhưng rất vất vả. Ngày nào không làm, ở nhà rủ nhau ăn nhậu thì tiền đó lại hết, rồi lại đi làm tiếp, không biết tương lai về đâu. Dược nói: “Lúc ở nhà, tôi đi làm rẫy thuê là chủ yếu, cũng có đi làm phụ hồ, rồi đi làm phu mỏ vàng cho người ta nữa. Công việc chân tay nên rất cực, muốn có nghề chi đó để học, để đi làm nhưng đâu biết đi học gì, với lại tiền đâu đi học. Hôm cán bộ xã đến nhà vận động đi học nghề, ở nhà cũng cản không cho đi, nhiều đứa bạn nói nghề may dành cho phụ nữ, mình là nam giới đi may nhìn yếu đuối lắm. Nhưng tôi muốn thử, sẽ cố gắng học nghề rồi đi làm”.

Là một trong những lao động đầu tiên của Phước Sơn đi học nghề may công nghiệp, chị Hồ Thị Dừa (SN 1991, xã Phước Hòa) đã gửi 3 đứa con nhỏ nhờ ông bà ngoại chăm. Một nách 3 con, sống bằng nghề làm thuê, làm ngày nào đong gạo ngày đó, nên cuộc sống của chị Dừa vẫn cứ nghèo hoàn nghèo. Nhìn các con ngày một lớn, đi học, chị Dừa ước mong có được nghề nghiệp ổn định, có thu nhập để cho các con được học hành đến nơi đến chốn. Bởi vậy nên khi Hội LHPN xã đến nhà vận động đi học nghề may, cho biết sẽ được giải quyết việc làm sau học nghề, chị Dừa đăng ký tham gia ngay. Chị Dừa cho hay: “Xa con hơn 2 tuần, nhớ chúng nó lắm, nhưng tôi sẽ cố gắng học nghề, rồi đi làm để lo cho các con. Trước khi đi học, tôi đã nhờ ông bà ngoại chăm các cháu cẩn thận, nhất là đứa nhỏ nhất, mới có 4 tuổi, sợ ở nhà chạy ra đường, ra sông suối nguy hiểm. Dù rất nhớ và lo cho các con, lần này tôi quyết tâm phải hoàn thành khóa học nghề may và đi làm”.

Từ khi đi học tại Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc - miền núi tỉnh (đóng chân tại Nam Giang), 50 lao động đầu tiên của huyện Phước Sơn không chỉ học nghề may, mà còn làm quen với môi trường kỷ cương kỷ luật, sinh hoạt đúng theo giờ giấc. Điều này nhằm tạo cho người lao động làm quen với nếp sống công nghiệp trước khi đến công ty làm việc.

Quyết đưa lao động rời buôn làng

Trong số 50 lao động của huyện Phước Sơn đi học nghề may lần này, Phước Hòa là xã có nhiều lao động tham gia nhất, với 19 người. Ông Đặng Ngọc Liên - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa cho biết, ông được xã cử đi theo người lao động suốt 3 ngày kể từ lúc họ rời nhà đến khi dự lễ khai giảng. Ngày đầu tiên, ông Liên đồng hành với người lao động đến trường nghề; ngày thứ hai, ông cùng họ đến công ty sau này sẽ làm việc để tham quan, tìm hiểu kỹ trước khi bước vào khóa học; ngày thứ ba, ông dự lễ khai giảng khóa học để động viên người lao động. Sau khi lao động của xã vào trường học nghề, ông Liên thi thoảng cũng đến trường để thăm hỏi, động viên họ cố gắng học, đi làm chứ không nên bỏ về giữa chừng. Ông Liên nói: “Lúc xã vận động, có 32 người đăng ký, nhưng lúc đi học thì còn 19 người. Vận động lao động đi học nghề khó lắm, phần lớn đã có gia đình, con cái nên vướng bận, không đi học được. Xã đã tuyên truyền nhiều về việc học nghề may, giải thích đó là nghề làm thay đổi kinh tế gia đình, nhưng thay đổi nhận thức cần cả một quá trình chứ không thể nói là làm liền được. Họ đi học, mình cũng phải có cán bộ bám theo suốt, chứ không họ mặc cảm, nói mình “đem con bỏ chợ”, tự ái bỏ về thì thành công cốc hết”. Ông Liên đặt kỳ vọng lớn vào 19 người đầu tiên đi học nghề này, bởi những người này đi học, đi làm thành công thì hiệu quả tuyên truyền trong dân sẽ tốt hơn.

Kể từ khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 12, mà cái mốc là Quyết định 3577 của UBND tỉnh được triển khai, huyện Phước Sơn đã tập trung tuyên truyền về chính sách mới đến tận các xã, thôn bản để người dân nắm thông tin. Ông Hồ Quang Hường - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết: “Phước Sơn xác định đây là con đường giải quyết việc làm, giảm nghèo hiệu quả cho lao động trẻ, các gia đình trẻ ở huyện nên phải vào cuộc, quyết tâm làm. Sự vào cuộc của địa phương từ lúc tuyên truyền, đến việc đưa lao động đến trường học, rồi đồng hành với họ xuyên suốt quá trình học nghề và đi làm thì mới động viên được lao động làm việc ổn định ở doanh nghiệp. Với lao động vùng cao, doanh nghiệp cần động viên, thông cảm cho họ về nhiều mặt, giúp đỡ để họ gắn bó với công việc. Bởi lao động vùng cao tính tự ái, tính cộng đồng rất cao, nên chỉ cần một người vì bị la mắng lúc làm việc tự ái bỏ về thì những người khác cũng theo đó mà về luôn”. Ông Hường nói thêm, việc vận động người dân vùng cao đi học rất khó khăn, vận động đi học được rồi đến đoạn đi làm càng khó hơn vì phải đi xa nên họ rất ngại. Phước Sơn đang rất cố gắng trong kêu gọi doanh nghiệp đến địa phương để mở nhà máy, giải quyết việc làm tại chỗ được thì sẽ có rất nhiều lao động chọn học nghề may công nghiệp.

LÊ DIỄM

LÊ DIỄM