Đào tạo ngay tại xưởng
Sau rất nhiều khó khăn, cố gắng, huyện Tiên Phước cũng đã khai giảng được khóa đào tạo nghề may đầu tiên với 30 lao động tham gia.
Lao động đi học nghề may tại Tiên Phước được Công ty CP Tuấn Đạt hỗ trợ thêm 2 tháng lương tối thiểu vùng. Ảnh: D.L |
Khóa đào tạo được mở ngay tại xưởng sản xuất của Công ty CP Tuấn Đạt 2 (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước), đó là thuận lợi rất lớn cho cơ sở đào tạo và người lao động. Được học nghề ngay tại doanh nghiệp, người lao động sẽ bắt nhịp nhanh hơn khi được bố trí vào chuyền sản xuất. Còn cơ sở đào tạo là Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh không phải di chuyển máy móc theo lớp học, bởi đã có Công ty CP Tuấn Đạt 2 hỗ trợ máy may công nghiệp cho lao động học nghề. Khi doanh nghiệp bố trí máy may theo đúng dây chuyền đang được sử dụng tại doanh nghiệp, lao động khi vào làm việc sẽ không mất thêm thời gian để làm quen với máy móc. Như vậy người lao động và doanh nghiệp đều được lợi về mặt thời gian, hiệu quả sản xuất sẽ cao hơn. Và điều quan trọng hơn cả, mấu chốt giúp cho lao động yên tâm đi học nghề là sự hỗ trợ từ phía cơ chế theo Nghị quyết 12, và hỗ trợ thêm từ phía Công ty Tuấn Đạt. Ông Trần Hữu Doãn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tuấn Đạt cho biết: “Ngoài chính sách của Nhà nước, phía công ty quyết định hỗ trợ thêm cho mỗi lao động đi học nghề may 2 tháng lương theo quy định mức lương tối thiểu vùng (khoảng 2,7 triệu đồng/tháng ở khu vực Tiên Phước), hỗ trợ ăn trưa miễn phí tại công ty. Như thế, lao động có thể yên tâm học nghề, và được giải quyết việc làm tại chỗ ngay sau khi học. Khi lao động đã học ngay tại công ty, có đội ngũ kỹ thuật viên của công ty cùng vào cuộc hướng dẫn, nên đảm bảo sau 2 tháng là lao động vào may được ngay. Chúng tôi đã có kế hoạch mở rộng xưởng sản xuất của nhà máy ở Tiên Phước, nên cần khoảng 500 lao động. Vì thế cơ chế đào tạo nghề may của tỉnh, cùng với sự vào cuộc của công ty, mong rằng sẽ đào tạo đủ số lượng lao động mà công ty cần”.
Đi học nghề may công nghiệp trước mắt chưa phải là lựa chọn của nhiều lao động khu vực Tiên Phước, bởi họ cho rằng thu nhập không cao so với đi làm nghề khai thác keo nguyên liệu. Nhưng với lao động nữ, nghề may có lẽ vẫn là một lựa chọn sáng suốt nếu họ đem hai nghề trên ra so sánh. Như chị Lê Thị Thanh (xã Tiên Lộc) đã chọn nghề may công nghiệp để đi học, đi làm theo lý lẽ của riêng chị. Chị Thanh nói rằng, đã làm nhiều việc như phụ nấu ăn đám tiệc, lột vỏ keo... nhưng không việc nào được gọi là nghề. “Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy mấy chị phụ nữ nói đúng, đi học nghề may, đi làm ở công ty, siêng năng thì tháng cũng được 3 - 4 triệu đồng, thấp hơn đi làm keo nhưng được cái ổn định, lại không phải lo nắng lo mưa. Đi làm có được thẻ bảo hiểm y tế, được đóng bảo hiểm xã hội, cũng an tâm hơn. So đi so lại tôi thấy đi học nghề không tốn tiền lại có thêm tiền, công việc sẽ ổn định, nên tôi chọn đi học nghề may, và sẽ gắn bó với nghề này”.
HOÀNG LINH