Tháng an toàn vệ sinh lao động: Chủ động phòng ngừa

LÊ DIỄM 05/05/2017 08:52

“Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ)  để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp” là chủ đề chính của Tháng ATVSLĐ  lần thứ I - năm 2017 được phát động vào sáng nay 5.5.

An toàn tại doanh nghiệp

Văn hóa an toàn lao động đã được xây dựng và tiếp tục phát huy trong nhiều năm qua tại mỗi cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Khi ý thức phòng tránh tai nạn lao động (LĐ), bệnh nghề nghiệp được nâng cao cho cả người LĐ và người sử dụng LĐ, họ sẽ hành động đúng và an toàn. Điều đó phải thành hành động cụ thể tại mỗi doanh nghiệp. An toàn sẽ giúp cho việc sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp và sức khỏe, tính mạng của người LĐ được đảm bảo.

Kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại doanh nghiệp là việc làm thường xuyên.Ảnh: D.L
Kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại doanh nghiệp là việc làm thường xuyên.Ảnh: D.L

Tình trạng an toàn, vệ sinh của thiết bị máy móc, nhà xưởng, việc chấp hành tốt các quy định về chế độ bảo hộ LĐ, nội quy LĐ, tiêu chuẩn an toàn phòng chống cháy nổ sẽ phục vụ tốt hơn cho quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Người LĐ và chủ sử dụng LĐ thường xuyên được các cơ quan chức năng hướng dẫn huấn luyện về ATVSLĐ, nhất là những người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn. Ông Lê Trọng Cảm - Phó Giám đốc Thường trực Công ty TNHH MTV Hữu Toàn Chu Lai cho biết: “Chúng tôi vẫn thường xuyên được kiểm tra bởi cơ quan chức năng và thực hiện tự kiểm tra, vệ sinh máy móc, thiết bị, nhà xưởng sau mỗi ngày làm việc nhằm đảm bảo an toàn. Đặc biệt đối với người LĐ, chúng tôi trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ, thường xuyên tổ chức kiểm tra sức khỏe, phát hiện bệnh nghề nghiệp, làm sao để người LĐ yên tâm làm việc”.

Phương châm “Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất” không còn là khẩu hiệu suông bởi không ít doanh nghiệp đã xác định sự tồn vong và phát triển của doanh nghiệp liên quan mật thiết đến vấn đề ATVSLĐ. Khi môi trường lao động an toàn, người LĐ sẽ an tâm sản xuất, thúc đẩy tăng năng suất, hiệu quả LĐ, từ đó tiến độ công việc, chất lượng sản phẩm ngày càng tăng cao. Không những vậy, nếu lĩnh vực ATVSLĐ  được quan tâm đầy đủ sẽ giảm thiểu được nguy cơ rủi ro, giảm thiểu chi phí và nguồn lực để khắc phục rủi ro. Phong trào “xanh, sạch, đẹp, đảm bảo ATVSLĐ” được các cấp công đoàn phối hợp với chủ doanh nghiệp xây dựng và thực hiện khá tốt. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm thành lập đội phòng cháy chữa cháy (PCCC) cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ bởi lực lượng cảnh sát PCCC. Đội viên đội PCCC cơ sở là cán bộ, công nhân trực tiếp sản xuất, và đầu tư hệ thống PCCC tại cơ sở đạt yêu cầu. Những máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn đã được doanh nghiệp đưa đi kiểm định rồi mới đưa vào sử dụng. Phương tiện bảo vệ cá nhân, bồi dưỡng bằng hiện vật, chăm sóc sức khỏe cho người LĐ, chấp hành đúng thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ đối với LĐ nữ... được doanh nghiệp quan tâm thực hiện đảm bảo.

Quy trình làm việc an toàn đã được chú trọng hơn tại các doanh nghiệp.
Quy trình làm việc an toàn đã được chú trọng hơn tại các doanh nghiệp.

Phòng ngừa rủi ro

Năm 2016, theo báo cáo của 354 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 250 vụ tai nạn LĐ làm 251 người bị nạn; trong đó có 12 người chết, 27 người bị thương nặng. Trong số 250 vụ tại nạn LĐ, có 180 vụ do lỗi của người sử dụng LĐ. Nguyên nhân các vụ tai nạn LĐ được xác định do không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người LĐ; người LĐ chưa được huấn luyện ATVSLĐ; tổ chức LĐ chưa hợp lý; người LĐ vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn và biện pháp làm việc an toàn; máy móc, thiết bị không đảm bảo an toàn; điều kiện làm việc không tốt; không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn. Ngành y tế khám phát hiện 14 người bị mắc bệnh nghề nghiệp suy giảm sức khỏe từ 31% trở lên, đa số mắc bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp. Toàn tỉnh xảy ra 51 vụ cháy, làm bị thương 4 người, gây thiệt hại 21,5 tỷ đồng, xảy ra 1 vụ nổ làm 1 người chết.

Chủ đề của Tháng ATVSLĐ lần thứ I - năm 2017 là “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các tai nạn LĐ và bệnh nghề nghiệp”. Đây là lần đầu tiên Tháng ATVSLĐ được tổ chức trong cả tháng 5, thay cho Tuần lễ ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ trước kia. Điều này chứng tỏ vai trò của công tác ATVSLĐ ngày càng phải được xem trọng hơn, bởi nó liên quan mật thiết đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và an toàn sức khỏe, tính mạng của người LĐ. Phòng ngừa luôn là yếu tố đầu tiên giúp giảm thiểu các nguy cơ tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ tại mỗi cơ sở sản xuất, mỗi doanh nghiệp.

Sự đồng hành giữa cơ quan chức năng và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh là yếu tố không thể thiếu nhằm đảm bảo ATVSLĐ. Doanh nghiệp cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển sản xuất và đảm bảo môi trường sản xuất an toàn. Đồng thời các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ ở các doanh nghiệp và đơn vị sản xuất. Ngoài ra, quan trọng hơn cả, mỗi người LĐ cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ để tích cực ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây mất an toàn LĐ.
Ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Lao động - việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Trong Tháng ATVSLĐ, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra tại các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua đó, phát hiện kịp thời các nguy cơ, sai sót để chấn chỉnh, nhắc nhở các đơn vị khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cho con người và tài sản của chính các đơn vị. Các hoạt động tư vấn, huấn luyện, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người LĐ; hướng dẫn xây dựng nội quy, quy trình làm việc an toàn; hướng dẫn, tư vấn cải thiện điều kiện LĐ; tuyên truyền, huấn luyện cho người LĐ làm việc trong khu vực không có quan hệ LĐ sẽ được tổ chức xuyên suốt tháng hành động”.

Các lớp huấn luyện ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ, bảo hộ LĐ cho cán bộ quản lý, người sử dụng LĐ, người lao động tại các doanh nghiệp được các sở, ngành gồm Sở LĐ-TB&XH, Sở Công Thương, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức thường xuyên tại các doanh nghiệp. Hàng nghìn lượt người đã qua các lớp huấn luyện, từ đó bản thân mỗi người được trang bị các kiến thức cần thiết về ATVSLĐ, tự phòng ngừa cho bản thân và đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các đợt tuyên truyền PCCC lưu động tại các khu dân cư, nơi tập trung đông người, chợ và các khu công nghiệp của lực lượng PCCC Công an tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề an toàn cháy nổ.

LÊ DIỄM

LÊ DIỄM