Thủ tướng, miền Trung và Tết công nhân

KHÁNH TƯỜNG 01/05/2017 06:55

Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về quê hương miền Trung “ăn Tết” công nhân với hơn 2.000 người lao động vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Thủ tướng đã có những gửi gắm lay động: “Từ lúc còn nằm trong nôi, người dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã nghe câu hát ru: Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu hồng đào chưa nhấm đà say/ Bạn về nắm nghĩ gác tay/Hỏi nơi mô ơn trượng, nghĩa dày bằng ta.... Có nơi nào ân sâu nghĩa nặng như chính quê hương mình. Tôi mong anh chị em công nhân hãy cùng cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương miền Trung”.

Thủ tướng thăm hỏi công nhân Phan Thị Tuyết Sương.Ảnh: DIỄM LỆ
Thủ tướng thăm hỏi công nhân Phan Thị Tuyết Sương.Ảnh: DIỄM LỆ

Vì sao là miền Trung?

Không nhiều người biết, cách đây 71 năm, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1.5), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 56 quy định công nhân lao động được nghỉ ngày Quốc tế Lao động vẫn hưởng nguyên lương. Vậy là với công nhân viên chức lao động, đây cũng là một cái Tết – Tết Lao động. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi năm 2016, không lâu sau ngày nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chọn Đồng Nai để “ăn Tết” Lao động bằng một cuộc gặp gỡ, đối thoại với hơn 3.000 công nhân lao động khu vực phía Nam. Và năm nay, tại Đà Nẵng, Thủ tướng đã “ăn Tết” Lao động với hơn 2.000 công nhân đến từ Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.

Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và công nhân vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tại Đà Nẵng, đã có lúc những người tổ chức nhận được chỉ đạo của Thủ tướng về mong muốn cuộc gặp chỉ có toàn công nhân chứ không có lãnh đạo chính quyền, doanh nghiệp, thậm chí cả tổ chức công đoàn. Chỉ một mình Thủ tướng với hơn 2.000 công nhân “ăn Tết” với nhau! Tất nhiên đó là điều chưa bao giờ xảy ra. Nhưng kể để biết “chữ tình” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với công nhân miền Trung lớn như thế nào…

Vì sao Thủ tướng lại chọn miền Trung để “ăn Tết” với công nhân mà không phải một nơi nào khác? Ông Đặng Văn Chương - Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Nam trả lời bằng một hồi ức buồn về những năm tháng cứ dịp đầu xuân là các địa phương miền Trung đắng lòng chứng kiến những đoàn thanh niên nam nữ đổ ra quốc lộ 1 xếp hàng chờ đón những chuyến xe vào Nam tìm việc làm. Họ ra đi, để lại phía sau cha già mẹ yếu, em thơ, để lại quê hương  miền Trung mãi còn trong cảnh khó khăn, cơ cực. “Câu hỏi làm sao để dân mình ly nông nhưng không ly hương đã ám ảnh lãnh đạo các địa phương trong một thời gian dài” - ông Chương nhớ lại. Nhưng đó đã là chuyện quá khứ. Bởi trong gần 20 năm trở lại đây, cùng với Trung ương, các tỉnh thành khu vực miền Trung đã nỗ lực tạo ra nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư, xây dựng mới nhiều khu công nghiệp nhằm tạo công ăn việc làm cho con em địa phương, để thực hiện mục tiêu “ly nông nhưng không ly hương”.

Nhiều địa phương, như Quảng Nam, từ một tỉnh thuần nông đến hôm nay đã có 9 khu công nghiệp, gần 35 cụm công nghiệp với 120.000 đoàn viên công đoàn trong tổng số 135.000 công nhân. Miền Trung dần trở thành vùng kinh tế trọng điểm với nhiều khu, ngành công nghiệp quy mô, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước... Nhưng thực tế vẫn đang rất buồn bởi thu nhập của công nhân ở miền Trung vẫn còn thấp (bình quân 3 triệu đồng/tháng), đời sống thiếu thốn đủ thứ mà bức thiết nhất là vấn đề nhà ở (riêng Đà Nẵng hiện có 11.000 công nhân đang có nhu cầu về nhà ở). Rồi hàng loạt vấn đề liên quan như các doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Thu nhập giữa các công nhân còn chưa đồng đều. An toàn vệ sinh lao động - trong đó đặc biêt là an toàn thực phẩm trong các công ty, chất lượng bữa ăn công nghiệp... - có nơi tuân thủ, có nơi chưa. Các thiết chế văn hóa cho công nhân vẫn còn manh mún, chưa được toàn diện, hoạt động chưa hiệu quả…

Tất cả là những vấn đề nóng bỏng, cần sự vào cuộc sâu hơn, cụ thể hơn của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương… Vậy nên “Tết Lao động” năm nay là cơ hội để công nhân được chia sẻ, nói lên những mong muốn không chỉ họ mà của hàng triệu công nhân cả nước với Thủ tướng. Ngược lại, đây cũng là dịp để Thủ tướng một lần nữa thực hiện cam kết trước toàn dân về xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ, liêm chính và hành động...

Chữ “tình” của Thủ tướng

“Chúng tôi phấn khởi vô cùng vì cả 9 nhóm vấn đề mà công nhân, doanh nghiệp đặt ra lần này đều được Thủ tướng trả lời rốt ráo kèm theo những chỉ đạo, giải pháp rất cụ thể, đầy hy vọng” - ông Đặng Văn Chương nói. Nhưng điều đọng lại sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và hơn 2.000 công nhân vùng trọng điểm miền Trung sáng 22.4 chính là chữ “tình”, là cái tình lớn lao, dung dị mà Thủ tướng dành cho công nhân khi yêu cầu các địa phương phải kiểm điểm nghiêm túc kết quả của cuộc gặp năm 2016: “Các địa phương đã phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp để giải quyết chỗ ở cho công nhân chưa, đến nay có thêm được bao nhiêu nhà ở xã hội hoặc nhà cho thuê, bao nhiêu nhà trẻ cho con em công nhân? Tôi rất đau lòng khi đọc những tin trẻ em bị bạo hành trong những nhà giữ trẻ tự phát, còn những trường hợp như vậy, có nghĩa là chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm với người lao động...”.

Đã có những giọt nước mắt của hạnh phúc vỡ òa, khi chị Phan Thị Tuyết Sương - công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster (Đà Nẵng) bất ngờ được Thủ tướng xuống tận nơi để hỏi thăm về cuộc sống, gia cảnh… và quyết định tặng luôn tại chỗ cho chị Sương một căn nhà. Chị Sương mất chồng, để lại một nách 3 con và cả 4 mẹ con đang sống trong căn nhà tạm bợ cách chỗ làm 40km, thuộc thôn Giáo Ái Bắc (xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn). Nói là nhà nhưng nơi ở của chị thực chất là căn chòi tạm, mùa nắng thì nóng hầm hập, mùa mưa thì nước tràn vào trong. Chúng tôi không thể nào quên sáng hôm ấy, chị Sương mang theo hai con nhỏ đến và đã mở lời bằng câu xin lỗi khi được mời giao lưu với Thủ tướng. Chị trình bày: “Xin lỗi Thủ tướng và mọi người, vì vừa muốn được đi đối thoại với Thủ tướng nhưng vừa sợ để 2 cháu nhỏ ở nhà không ai trông nom nên em mang các cháu tới đây luôn”. Nghe đến đây, Thủ tướng bước xuống tận nơi chị Sương và 2 con đang ngồi và hỏi: “Cháu quê ở đâu? Làm công ty nào? Làm lương tháng bao nhiêu? Có đủ tiền nuôi con không?”. Rồi bất ngờ Thủ tướng quyết luôn tại chỗ khiến cả hội trường vỗ tay không dứt: “Ở đây có Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - Bùi Văn Cường, tôi đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam  cùng với Thủ tướng tặng một căn nhà cho chị Sương”. Một ngày sau khi nhận được món quà của Thủ tướng, chúng tôi gặp lại mẹ con chị Sương, mắt chị lại rơm rớm niềm hạnh phúc: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể nhận được một món quà tình cảm và vật chất lớn đến thế”.

Đợt này, ngoài chị Sương - hoàn cảnh đặc biệt - còn có 19 công nhân ở Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế nhận quà của Thủ tướng là một căn nhà. Dù lặng lẽ hơn, nhưng cũng là nước mắt hạnh phúc, mừng tủi, như chị Nguyễn Thị My Ly (thôn 2B, xã Quế Châu, huyện Quế Sơn), công nhân Công ty TNHH MTV Con Đường Xanh (Quảng Nam). Chị Ly đã ly hôn, đang một mình nuôi hai con nhỏ cùng… một căn bệnh hiểm nghèo, lại không nhà cửa, phải tá túc nhờ nhà bố mẹ nuôi. Là nước mắt của chị Bùi Thị Vàng (thôn Điện An, xã Bình Định Nam, Thăng Bình), công nhân Công ty TNHH Đông Phương (Quảng Nam). Chị Vàng không chồng, cha mẹ đã mất, hiện sống nhờ nhà em trai thuộc diện hộ nghèo. Bản thân là một “siêu thị bệnh” gồm bướu basedow, thoái hóa khớp, chân bị thương tích của chiến tranh... “Tui chưa bao giờ nghĩ đời mình lại có ngày được gặp, bắt tay và được Thủ tướng thăm hỏi rất thân tình như vậy. Rồi lại còn được Thủ tướng tặng một món quà to lớn và ý nghĩa như thế này” - chị Vàng xúc động nói.

KHÁNH TƯỜNG

KHÁNH TƯỜNG