Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: "Canh cánh trách nhiệm với công nhân lao động"

DIỄM LỆ - QUỐC TUẤN 24/04/2017 08:59

Từ sau cuộc đối thoại với công nhân lao động (CNLĐ) ở miền Nam cách đây gần một năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn “canh cánh trách nhiệm với CNLĐ”, vì thế mà cuộc đối thoại lần thứ 2 giữa Thủ tướng và CNLĐ khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung được Thủ  tướng mong chờ. Cuộc đối thoại vào ngày 22.4 diễn ra trong không khí chân tình, cởi mở giữa Thủ tướng với 2.000 CNLĐ của 3 tỉnh thành Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế.

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ gần 2.000 công nhân tại khu vực miền Trung
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tâm tư nguyện vọng của người lao động trong buổi đối thoại. Ảnh: L.T
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tâm tư nguyện vọng của người lao động trong buổi đối thoại. Ảnh: L.T

Trách nhiệm với CNLĐ

Mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại cảm xúc trong cuộc gặp gỡ với CNLĐ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tại tỉnh Đồng Nai vào năm ngoái. “Những tình cảm yêu quý mà những công nhân đã dành cho tôi ngày hôm đó khiến tôi thấy canh cánh trong lòng trách nhiệm với CNLĐ, những người trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Hôm nay, tôi rất vui mừng vì được gặp gỡ anh chị em công nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cùng nhau trao đổi những vấn đề rất quan trọng, gồm CNLĐ đồng hành với doanh nghiệp tăng năng suất lao động, công đoàn đồng hành đảm bảo quyền lợi, phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên và người lao động. Tôi mong muốn được trao đổi với CNLĐ, vì ý kiến, tâm tư nguyện vọng của công nhân chính là ý chí của công nhân, ý chí của hành động, của quyết tâm vun đắp sự phồn vinh và trường tồn của đất nước ta” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng đã nhắc lại chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt, vì nhân dân. Chính phủ đã và sẽ tiếp tục có những chính sách đúng đắn, hiệu quả, phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng nhiều lao động. Sự phát triển của nền kinh tế cần gắn kết chặt chẽ với tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của CNLĐ. Trong một năm qua, Chính phủ đã tiếp tục có những quy định vì lợi ích của CNLĐ, như điều chỉnh lương tối thiểu vùng, tăng mức lương cơ sở năm 2017; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phê duyệt thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu của CNLĐ; yêu cầu các địa phương đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; nâng mức xử phạt các trường hợp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) làm ảnh hưởng đến quyền lợi của CNLĐ. Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đồng hành chăm lo cho đời sống của người lao động bằng cách tạo ra việc làm, tăng thu nhập, quan tâm đời sống tinh thần…

Chung mối quan tâm

Là người đầu tiên đặt câu hỏi dành cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, anh Trần Ngọc Thành (công nhân Đà Nẵng) nói: “Mỗi công nhân đều mong muốn cùng doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động. Doanh nghiệp cần có những chính sách giúp CNLĐ nâng cao năng suất như thế nào cho phù hợp, thưa Thủ tướng?”. Trả lời ngay câu hỏi này của anh Thành, Thủ tướng cho rằng năng suất lao động là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ, người lao động và doanh nghiệp. Đặc biệt trong thời kỳ cạnh tranh và hội nhập quốc tế thì cạnh tranh về lao động bao giờ cũng gay gắt hơn. Chẳng hạn như trong cộng đồng ASEAN, người lao động có thể di chuyển giữa các nước để làm việc mà không có rào cản, vì thế đòi hỏi lao động Việt Nam phải nỗ lực để nâng cao tay nghề. Thủ tướng khẳng định việc nâng cao tay nghề cho người lao động được Chính phủ rất quan tâm, cụ thể đã chỉ đạo cho tổ chức công đoàn đẩy mạnh chương trình học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề cho người lao động. Chính phủ đã và sẽ tiếp tục có những chính sách ưu tiên cho việc dạy nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động ở doanh nghiệp, ở trường học... Doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến người lao động của mình vì tay nghề của người lao động tốt, cho ra sản phẩm tốt sẽ nâng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Bản thân người lao động cũng cần nỗ lực học hỏi để nâng cao tay nghề.
Không chỉ CNLĐ, nhiều doanh nghiệp rất quan tâm đến vấn đề này và khẳng định nâng cao năng suất lao động đòi hỏi phải có những công nghệ tiên tiến. Nhưng thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có công nghệ lạc hậu, không đủ điều kiện nhập công nghệ mới, hoặc nhiều rào cản về tài chính, hồ sơ thủ tục khiến doanh nghiệp e ngại khi nhập khẩu thiết bị mới. Ông Nguyễn Hữu Xia - Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng đại diện cho doanh nghiệp miền Trung hỏi Thủ tướng: “Thưa Thủ tướng, nhiều doanh nghiệp miền Trung cũng muốn nâng cao năng suất lao động, đó là nỗi lo đầu tiên khi hội nhập. Nhưng hiện nay, những thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, thủ tục thẩm định, xét duyệt hồ sơ để nhập các dây chuyền khoa học công nghệ mới quá phức tạp, khiến doanh nghiệp e ngại. Vậy Chính phủ có giải pháp gì giúp doanh nghiệp?”. Trả lời câu hỏi này, đầu tiên Thủ tướng khẳng định chủ trương đẩy mạnh khoa học công nghệ là chủ trương xuyên suốt. Việc cải cách hành chính ở các ngành, địa phương được thực hiện mạnh mẽ trong thời gian qua, và những thủ tục đầu tư nào còn phức tạp, còn gây phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp, Thủ tướng đã chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát và cải cách tốt hơn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Chính phủ sẽ có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ mới như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu khi nhập các thiết bị mới có trình độ khoa học công nghệ cao phục vụ sản xuất.

Vì lợi ích của CNLĐ

Nhiều CNLĐ đã đặt câu hỏi với Thủ tướng về các vấn đề liên quan đến lợi ích sát sườn của họ. Chị Cao Thị Thắm (Quảng Nam) đặt vấn đề: “Thưa Thủ tướng, việc tham gia đóng các khoản BHXH là trách nhiệm bắt buộc của chủ sử dụng lao động. Nhưng hiện nay, ngoài những doanh nghiệp thực hiện tốt thì còn rất nhiều doanh nghiệp để nợ đọng, trốn đóng các khoản BHXH, khiến CNLĐ chúng tôi bị ảnh hưởng quyền lợi, nhất là chị em CNLĐ nữ lúc nghỉ thai sản không có thu nhập, đời sống khó khăn mà không được nhận tiền thai sản từ cơ quan BHXH chỉ vì doanh nghiệp nợ. Vậy Chính phủ có biện pháp gì mạnh mẽ để bắt buộc các doanh nghiệp phải chăm lo cho CNLĐ chúng tôi?”. Sau khi nghe tâm sự này, Thủ tướng đã lắng lại vài giây rồi trả lời: “BHXH là một trong ba trụ cột chính của vấn đề an sinh xã hội của đất nước. Thực tế có hàng trăm doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH, làm ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của người lao động. Luật BHXH sửa đổi năm 2014 đã nâng mức xử phạt rất nặng đối với hành vi trốn đóng BHXH. Cơ quan BHXH có quyền thanh tra việc đóng BHXH; người lao động có quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH thông qua tổ chức công đoàn. Tôi hy vọng sự quan tâm của các cấp, sự vào cuộc của doanh nghiệp sẽ giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, bởi lúc đi làm còn có lương, chứ lúc ốm đau, nghỉ việc thì CNLĐ chỉ còn biết trông chờ vào khoản trợ cấp từ BHXH”.

Thủ tướng trao tặng 20 nhà “mái ấm công đoàn” cho 20 công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.Ảnh: T.L
Thủ tướng trao tặng 20 nhà “mái ấm công đoàn” cho 20 công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.Ảnh: T.L

Quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm trong bữa ăn của CNLĐ, anh Đỗ Hữu Phước (Đà Nẵng) nhắc lại rằng Thủ tướng đã nói “ở đâu có công nhân bị ngộ độc thì chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm” trong cuộc đối thoại ở phía Nam. “Hiện nay vấn đề an toàn thực phẩm là nỗi lo từ chợ đến bữa ăn của công nhân, Chính phủ cần có giải pháp gì để chấn chỉnh vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay?” - anh Phước đặt câu hỏi. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ quan tâm sát sao đến vấn đề này, yêu cầu các địa phương phải có các ban an toàn vệ sinh thực phẩm do lãnh đạo địa phương đứng đầu chịu trách nhiệm. Bản thân Thủ tướng cũng đã dành thời gian đi kiểm tra trực tiếp ở các chợ đầu mối, các quán ăn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nghị quyết về nâng cao chất lượng bữa ăn công nhân. Trong thực tế, dù giảm rất nhiều nhưng vẫn còn tình trạng ngộ độc thực phẩm trong dân, trong bữa ăn công nhân. Thủ tướng khẳng định rằng nơi đâu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm; ngộ độc xảy ra ở nhà máy, xí nghiệp nào thì người đứng đầu tại đó phải chịu trách nhiệm đối với CNLĐ của họ. Và trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ là một nội dung chất vấn, làm rõ trách nhiệm cá nhân trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiêm túc xử lý những vi phạm cả về hành chính lẫn hình sự. Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp phải vào cuộc, đảm bảo bữa ăn công nhân đủ dinh dưỡng, an toàn, chất lượng.

Tại buổi đối thoại, những vấn đề khác như nâng cao tay nghề cho người lao động từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, quan tâm đến quyền lợi của lao động nữ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động trên 40 tuổi tại doanh nghiệp... đã được CNLĐ quan tâm và đặt câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ. Những vấn đề trên đều được Thủ tướng trả lời cụ thể, khẳng định lao động là vốn quý của doanh nghiệp, là người làm ra của cải vật chất cho xã hội nên CNLĐ xứng đáng nhận được sự quan tâm của cả xã hội về vật chất lẫn tinh thần. Cuộc đối thoại khép lại trong sự chia tay lưu luyến giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và hàng ngàn CNLĐ với hy vọng Chính phủ sẽ lắng nghe và có những quyết sách giúp CNLĐ ổn định công việc, thu nhập, những quyền lợi thiết thân khi họ vẫn đang ngày đêm miệt mài lao động, đóng góp cho xã hội.

DIỄM LỆ - QUỐC TUẤN

DIỄM LỆ - QUỐC TUẤN