Đào tạo lao động nghề may: Khó tuyển sinh tận cơ sở
Quyết định 3577 của UBND tỉnh về đào tạo lao động nghề may cung ứng cho doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh được Trung tâm dạy nghề thanh niên vào cuộc tích cực nhưng kết quả vẫn không mấy khả quan.
Không lo việc làm
Từ khi Quyết định 3577 có hiệu lực, dù là một cơ sở đào tạo không lớn, nhưng Trung tâm dạy nghề thanh niên (thuộc Tỉnh đoàn) luôn nỗ lực để tạo nguồn lao động chất lượng. Ông Hồ Quang Lĩnh - Giám đốc trung tâm khẳng định, đây là cơ hội lớn cho lao động trẻ, nhất là khu vực miền núi. Theo đó, Trung tâm dạy nghề thanh niên đã kết nối với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho học viên trước khi tiến hành đào tạo. Bởi khâu này rất quan trọng, góp phần tạo động lực để ổn định đầu vào tại trung tâm. Từ Tam Kỳ đến Hiệp Đức, Quế Sơn, Đại Lộc, Tiên Phước, Phú Ninh, trung tâm đều đã có sự kết nối. Lần lượt các công ty may như Moon Chang Vina, Fashion Garments, may Hiệp Đức, Việt Tường Phát, Germton, Tuấn Đạt... đều đã ký kết hợp đồng cung ứng việc làm cho lao động của Trung tâm dạy nghề thanh niên đào tạo ra theo Quyết định 3577. Con số lao động mà các doanh nghiệp này cần lên đến 3.500 người.
Trung tâm dạy nghề thanh niên cùng với các địa phương tuyên truyền tận cơ sở.Ảnh: D.LỆ |
Bất cứ doanh nghiệp ở địa phương nào cũng đều đang cần một lực lượng lao động lớn, ít thì từ 100 người đến 300 người, nhiều thì hơn 500 đến 1.000 người. Chỉ cần trung tâm bắt tay vào đào tạo, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ thêm về mặt kỹ thuật, máy móc để có thể tiếp nhận nguồn lao động chất lượng, ổn định để mở rộng quy mô sản xuất. Chưa kể, đã đến lúc doanh nghiệp cần một lực lượng lao động trẻ thế chân cho những người “nhảy việc” hoặc lao động lớn tuổi.
Với những yếu tố nêu trên, vấn đề mà Trung tâm dạy nghề thanh niên lo lắng nhất khi ký kết hợp đồng cung ứng lao động với doanh nghiệp lại thành “chuyện nhỏ”. Đó là nỗi lo về điều khoản bắt buộc là doanh nghiệp khi tiếp nhận lao động phải cam kết ký kết hợp đồng lao động, đóng các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, chỉ cần có nguồn lao động bài bản, đảm bảo tác phong công nghiệp, doanh nghiệp tuyển dụng ngay và chủ động thực hiện đầy đủ các quy định nêu trên. Đại diện nhân sự Công ty CP may Hiệp Đức cho biết, khi lao động vào làm việc, điều họ lo nhất chính là tác phong công nghiệp của lao động. Lao động yếu tay nghề có thể đào tạo thêm được, nhưng tác phong công nghiệp rất khó đào tạo như thường nghỉ việc nếu gia đình có giỗ chạp, vào vụ thu hoạch... Điều này làm ảnh hưởng không ít đến dây chuyền sản xuất của công ty. Vì thế, để đào tạo cho được một lao động có tác phong công nghiệp chuyên nghiệp không hề dễ dàng. Điều đó đòi hỏi sự tự giác, ý thức trong mỗi người lao động.
Rất ít lao động sau khi được tuyên truyền thì chọn học nghề may để đi làm. |
Có thể nhận thấy các doanh nghiệp may đã và đang phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh, trừ một số huyện miền núi cao. Sự dịch chuyển đó nhằm đến gần với người lao động, dễ tuyển dụng lao động tại chỗ hơn. Cùng lúc, Quyết định 3577 hiện thực hóa Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh ra đời đã tạo thêm “cái phao” cần thiết để doanh nghiệp yên tâm trước tình trạng nguồn lao động thiếu ổn định như hiện nay.
Khó tuyển sinh
Nhu cầu lao động thì vô cùng lớn, nhưng trước những khó khăn đang cản trở quá trình đào tạo - cung ứng lao động đến từ phía người lao động, Trung tâm dạy nghề thanh niên chỉ dám đặt mục tiêu trong năm 2017 sẽ đào tạo và cung ứng được hơn 100 lao động. Con số quá nhỏ so với nhu cầu của các doanh nghiệp mà trung tâm đã ký kết hợp đồng cung ứng lao động. Nhưng trung tâm sẽ tiếp tục công cuộc vận động thanh niên đi học nghề theo đúng phương châm đã đề ra, đặt hết trách nhiệm và công sức cho công cuộc đào tạo nghề đối với lực lượng lao động trẻ của tỉnh. |
Việc mà Trung tâm dạy nghề thanh niên tưởng dễ đó là tuyển sinh lao động học nghề hóa ra lại là việc vô cùng khó khăn. Bắt tay vào đào tạo, khâu đầu tiên là tuyển sinh cho được lao động học nghề. Trung tâm dạy nghề thanh niên tham mưu Tỉnh đoàn có văn bản chỉ đạo các huyện, thị, thành đoàn cùng vào cuộc trong thực hiện Nghị quyết 12, xem đó là chỉ tiêu thi đua. Còn Trung tâm dạy nghề thanh niên phân công cán bộ đứng điểm địa bàn, phối hợp với các ngành LĐ-TB&XH, Đoàn thanh niên ở địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động học nghề theo phương châm “gõ từng nhà, rà từng lao động”. Những cán bộ được phân công đứng điểm các địa bàn đã dành hẳn cả tuần ăn ở với người dân, đi tuyên truyền tích cực từng địa điểm, giải thích từng chính sách cho người lao động hiểu để chọn học nghề may công nghiệp. Lúc tuyên truyền chính sách, ở bất cứ nơi đâu như Tiên Phước, Phước Sơn, lao động đều đến nghe khá đông. Nhưng khi cán bộ tuyển sinh đề cập yêu cầu bắt buộc phải làm việc ở doanh nghiệp sau khi kết thúc khóa học thì họ rút dần.
Ông Lĩnh cho biết, chẳng hạn như ở xã Tiên Cẩm (huyện Tiên Phước), cán bộ đề cập chế độ khi đi học đầy đủ, ai cũng hăng hái đăng ký. Nhưng họ lại e ngại về ràng buộc phải làm việc trong doanh nghiệp nào đó. Chính tâm lý này tạo thành rào cản trong quá trình tuyển sinh. Việc làm thì không thiếu, muốn xuống Tam Kỳ, Phú Ninh hay ở tại Tiên Phước đều có việc cho lao động. Nhưng lao động không chịu đăng ký đi học nghề, thì không thể nào đào tạo được. “Tại Tiên Phước chúng tôi vẫn chưa thể mở lớp nào được. Còn ở Đông Giang, khi tuyên truyền, giải thích, vận động trong tháng 3.2017 thì có 55 lao động trong hàng trăm người đến nghe tuyên truyền đăng ký học nghề. Đến nay, lao động rơi rớt dần, chỉ còn khoảng 30 người còn giữ cam kết sẽ đi học và đi làm” – ông Lĩnh nói. Hay như ở Phước Sơn, lúc tuyên truyền về Nghị quyết 12 thì rất đông thanh niên, lao động tới. Nhưng khi đăng ký học nghề thì chỉ còn lại 69 lao động. Đây là một con số được xem là vận động khá thành công đối với một huyện miền núi như Phước Sơn.
Tư tưởng của người lao động thích những gì ngay trước mắt, tại chỗ chứ không thích về lâu dài. Chẳng hạn như với lao động Tiên Phước, nếu đem so sánh, họ sẽ so sánh ngay việc học nghề may với việc đi làm nghề khai thác keo nguyên liệu. Học nghề may sẽ tốn 3 tháng đi học nghề mà không có thu nhập, sau đó đi làm với mức lương khởi điểm từ 3 - 4 triệu đồng. Còn đi khai thác keo nguyên liệu, dù là lột vỏ keo hay vận chuyển keo thì mỗi ngày cũng bỏ túi được từ 200 - 280 nghìn đồng tùy lao động nữ hay nam. Một tháng, nếu đi làm cần mẫn đủ 30 ngày, cơm nước ở nhà mang theo để ăn trưa, thì mỗi lao động sẽ có nguồn thu nhập chắc chắn là 6 triệu đồng. Và quan trọng hơn, với họ, đi khai thác keo thích thì làm, không thích thì nghỉ, làm ngày nào lấy tiền ngày đó, không có sự ràng buộc gì về pháp lý, trách nhiệm, kỷ luật... Còn đi may công nghiệp, phải ràng buộc trong một khuôn khổ. Còn đối với lao động ở miền núi, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, bước chân ra khỏi ghế nhà trường là lập gia đình. Khi đã lập gia đình thì không thể nào rứt ra để đi học nghề hay đi làm. Thế nên, dù có lực lượng lao động đó, nhưng họ không chịu đi học, khiến cho việc tuyển sinh gặp muôn vàn khó khăn.
Dù khó là thế, nhưng Trung tâm dạy nghề thanh niên, tập thể cán bộ, giáo viên của trung tâm phải vào cuộc, bắt đầu từ lực lượng thanh niên là đoàn viên đang thiếu việc làm, không có nghề nghiệp ổn định ở cơ sở. Đây là lực lượng phù hợp nhất cho nghề may công nghiệp, ở độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi. Trung tâm dạy nghề thanh niên cùng với các huyện, thị, thành đoàn xác định không ngại khó, không dừng chân trước khó khăn. Và tuyên truyền về Nghị quyết 12 luôn là khâu đầu tiên cần thực hiện kỹ lưỡng. Lúc tuyên truyền thì phải nói rõ, kỹ càng những chính sách và yêu cầu ràng buộc đối với lao động để họ có được sự lựa chọn chính xác, phù hợp nhất và quan trọng là không bỏ học hay bỏ việc giữa chừng.
LÊ DIỄM