Cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp
Hội nghị tổng kết ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được Sở LĐ-TB&XH tổ chức ngày 29.3 đã đánh giá các ưu, khuyết điểm trong năm 2016 và đề ra nhiều giải pháp thực hiện trong năm 2017.
Chưa thông suốt
Năm 2016, Ban quản lý (BQL) Khu công nghiệp tỉnh đã thực hiện 12 nhiệm vụ quản lý lao động được ủy quyền. Trong số 85 doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý, có 75 doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, 10 doanh nghiệp đã tạm ngưng. Trong 12 nội dung được ủy quyền quản lý đã phát sinh nhiều bất cập. Theo bà Võ Thị Trâm Anh - Trưởng phòng Hỗ trợ doanh nghiệp (BQL Khu công nghiệp tỉnh), việc cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép và xác nhận người lao động nước ngoài làm việc không thuộc diện cấp giấy phép lao động gặp nhiều khó khăn. Đến tháng 3.2017, đã có 194 trường hợp người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động, 148 trường hợp được cấp lại giấy phép, tuy nhiên có đến 17 trường hợp lao động người nước ngoài không thuộc diện cấp phép lao động. “Đáng nói hơn cả là thủ tục thông báo chấp thuận người lao động nước ngoài quá chậm, vượt quá thời hạn 15 ngày như quy định. Thang lương, bảng lương, định mức lao động, tổ chức làm thêm từ hơn 200 giờ đến 300 giờ trong một năm không được các doanh nghiệp thực hiện. Việc này cần được chấn chỉnh trong thời gian đến” - bà Trâm Anh nói.
BQL Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, việc tiếp nhận, báo cáo, giải trình của doanh nghiệp về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc ở khu công nghiệp thường xuyên gặp khó. Các nội dung tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp, việc đăng ký nội quy lao động của các doanh nghiệp hầu như không được triển khai. Trong tổng số 75 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp do BQL Khu công nghiệp tỉnh quản lý, chỉ có 35 doanh nghiệp xây dựng và đăng ký nội quy lao động, 22 doanh nghiệp xây dựng thỏa ước lao động tập thể. Ông Trần Quốc Quân - Phó Trưởng phòng Lao động - việc làm (Sở LĐ-TB&XH) nói: “Các doanh nghiệp xây dựng thỏa ước lao động tập thể và đăng ký nội quy lao động đều chung chung, sao chép lẫn nhau, đối phó chứ không tự giác. Các bảng lương, thang lương, định mức lao động, làm việc thêm giờ cũng bị các doanh nghiệp giấu đi. Không có lý khi giải thích rằng, doanh nghiệp chú tâm làm việc, tạo của cải cho xã hội nên “quên” các nhiệm vụ trên”. Theo ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, doanh nghiệp đã né tránh báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề của lao động; không báo cáo về thay đổi lực lượng lao động. BQL Khu kinh tế mở Chu Lai và BQL Khu công nghiệp tỉnh chưa thực hiện đầy đủ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất với Sở LĐ-TB&XH về thực hiện các nhiệm vụ được ủy quyền.
Cần chấn chỉnh
Ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Lao động - việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho rằng, đình công, lãn công khi xảy ra, người lao động bị ngắt đoạn lao động, doanh nghiệp phải giải quyết nhiều phát sinh không dễ, ngành lao động phải túc trực, giải thích, hòa giải giữa các bên. Hệ lụy là sản phẩm được làm ra ít hơn kế hoạch, người lao động mất dần niềm tin... “Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp đều không muốn lập công đoàn để bảo vệ quyền và nghĩa vụ cho người lao động. Thiếu cầu nối để trao đổi, chia sẻ nên mâu thuẫn đã xảy ra” - ông Tứ nói. Đơn cử như lãn công xảy ra với khoảng 1 nghìn công nhân của Công ty TNHH May mặc ONEWOO (thuộc Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được) vào chiều ngày 9.2. “Vậy nên BQL các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cần chú trọng tuyên truyền, vận động người lao động và doanh nghiệp thành lập công đoàn cơ sở. Mức phí phải đóng của công đoàn không quá cao, thủ tục không mấy rườm rà mà mục đích, ý nghĩa lớn như vậy nên rất cần khẩn trương” - ông Tứ nói.
Sở LĐ-TB&XH cho rằng, nhiều vấn đề đã phát sinh cần giải quyết gọn ghẽ. Quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện thuận lợi tối đa để doanh nghiệp và người lao động có môi trường làm việc tốt nhất có thể, qua đó tạo ra năng suất, sản lượng sản phẩm cao, đáp ứng chất lượng theo yêu cầu ngày càng khó hơn của thị trường. Thanh tra, kiểm tra là cần thiết nhưng hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động thực hiện tốt các nhiệm vụ của họ còn cần hơn. Vì thế, các tồn tại đã nêu rất cần bên ủy quyền và bên được ủy quyền phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để giải quyết hiệu quả.
VIỆT QUANG