Phát sinh vướng mắc
Quyết định 3577 được triển khai trong thời gian chưa lâu, nhưng đã nảy sinh những vướng mắc từ thực tế đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Trong năm 2017, Quyết định 3577 của UBND tỉnh chỉ đào tạo nghề may theo cơ chế mà Nghị quyết 12 HĐND tỉnh đã thông qua. Đây là một nghề đặc thù, đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ đến từng đường kim mũi chỉ. Ông Đặng Đôi - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nam Quảng Nam khẳng định, cơ chế là một cơ hội cho các trường nghề nâng cao chất lượng đào tạo nghề may công nghiệp, là cơ hội cho người lao động thay đổi nghề nghiệp theo hướng tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới đào tạo nghề may công nghiệp nên không tránh khỏi việc kén chọn lao động học nghề. Ông Đôi nói: “Các doanh nghiệp luôn yêu cầu người lao động phải ở trong độ tuổi từ 18 đến dưới 35 mới được may chính. Bởi ở độ tuổi này, tay chân lanh lẹ, mắt còn tinh tường nên làm việc cẩn thận, đạt được tính kỹ thuật lẫn mỹ thuật cho sản phẩm. Đó chính là trở ngại đối với những lao động hơn 35 tuổi muốn đăng ký tham gia học nghề may và đi làm. Do đó, chỉ công ty nào chấp nhận tuyển dụng họ vào làm phụ may, chúng tôi mới dám đào tạo”.
Trong khi đó, ở khu vực miền núi, vấn đề về tuổi tác lại khó theo hướng khác. Đối với lao động miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, thường các em học sinh học hết lớp 9, nếu không vào được các trường THPT thì sẽ nghỉ học, về lại bản làng. Lực lượng này chiếm phần lớn lao động ở địa bàn miền núi, nếu đào tạo được sẽ có rất nhiều lao động để cung ứng cho doanh nghiệp ngành may. Tuy nhiên, học sinh học hết lớp 9 chỉ mới bước vào độ tuổi 16, nghĩa là đã trở thành lao động vị thành niên. Theo quy định, lao động vị thành niên chỉ bố trí làm những việc nhẹ nhàng, không nặng nhọc, độc hại. Nhưng may mặc lại là một ngành được xếp vào diện độc hại. Hơn nữa, các công ty khi ký kết đơn hàng, phía đối tác luôn có một yêu cầu rất khắt khe là doanh nghiệp cam kết không được sử dụng lao động vị thành niên. Cũng vì thế mà doanh nghiệp rất e ngại trong việc nhận lao động vị thành niên. Vậy nên, theo quy định thì các cơ sở dạy nghề hoàn toàn có thể đào tạo nghề cho lao động vị thành niên, nhưng đào tạo ra mà doanh nghiệp không tiếp nhận, đồng nghĩa với không giải quyết được việc làm sau đào tạo. Nếu như thế, các cơ sở dạy nghề sẽ không thanh toán được nguồn kinh phí đào tạo. Điều này dẫn đến việc các cơ sở dạy nghề dù rất tâm huyết cũng không thể nhận lực lượng lao động này để đào tạo.
Ông Huỳnh Kim Phẩm - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên & hướng nghiệp, dạy nghề huyện Bắc Trà My chia sẻ: “Lực lượng lao động vị thành niên ở Bắc Trà My nhiều nhưng không thể đào tạo theo cơ chế của Nghị quyết 12 được, đó là thiệt thòi cho các em. Nếu các em được học nghề để đi làm sẽ giải quyết biết bao nhiêu vấn đề, như không xảy ra nạn tảo hôn, không có thêm hộ nghèo, trong khi sẽ có thêm nhiều lao động có nghề nghiệp, việc làm ổn định, góp phần vào việc giảm nghèo cho gia đình”. Ông Phẩm nói thêm, bây giờ không đào tạo được, đến khi lao động đủ tuổi thì hầu hết đã có vợ có chồng, sẽ khó vận động họ tham gia vì tâm lý sợ xa gia đình. Đó là chưa nói đến chuyện lao động nam xem nghề may chỉ dành cho nữ nên không mặn mà đi học nghề.
LÊ DIỄM