Doanh nghiệp cùng vào cuộc

DIỄM LỆ 08/03/2017 09:13

Doanh nghiệp (DN) ngành may là người thụ hưởng và cũng là người đồng hành thực hiện Quyết định 3577 của UBND tỉnh về đào tạo lao động nghề may. Sự vào cuộc của DN ngay từ đầu là tín hiệu vui cho cả quá trình đào tạo và cung ứng lao động, giúp người lao động yên tâm học nghề và làm việc.

Không sợ thiếu việc làm

Năm 2017, chỉ riêng nhu cầu lao động nghề may của các DN may mặc trên địa bàn tỉnh đã là 12.000 người. Đề án đào tạo nghề may theo Quyết định 3577 của UBND tỉnh được thực thi vừa kịp lúc các DN đang cần lao động. Ngay hôm bế giảng khóa đào tạo nghề đầu tiên cho người lao động của xã Tam Lãnh (Phú Ninh), lãnh đạo Công ty Vast Apparel Việt Nam đã trực tiếp gặp gỡ, tư vấn cho người lao động về cơ hội làm việc tại công ty. Bà Lê Thị Tuyết Nga - Quản lý sản xuất Công ty Vast Apparel Việt Nam cho biết: “Khi cơ quan chức năng của huyện Phú Ninh triển khai cơ chế đào tạo lao động này, chúng tôi thấy rất phù hợp nên đăng ký tham gia. Ngay khóa đầu tiên được đào tạo theo Quyết định 3577 của tỉnh, chúng tôi mong sẽ tuyển dụng được lao động vào làm việc tại công ty. Do nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất nên chúng tôi đang cần tuyển rất nhiều lao động. Chúng tôi hy vọng với cơ chế mới này, công ty sẽ tuyển dụng được nhiều lao động có tay nghề. Công ty mong được tiếp tục đồng hành với các trường nghề, với huyện Phú Ninh cũng như các địa phương lân cận để đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho người lao động”.

Niềm vui của người lao động xã Tam Lãnh (Phú Ninh) khi hoàn thành khóa nghề may công nghiệp để đi làm trong các doanh nghiệp.  Ảnh: D.L
Niềm vui của người lao động xã Tam Lãnh (Phú Ninh) khi hoàn thành khóa nghề may công nghiệp để đi làm trong các doanh nghiệp. Ảnh: D.L

Bà Vũ Thị Thảo Uyên, Trưởng phòng Hành chính - nhân sự Công ty TNHH MTV Moon Chang Vina (Khu công nghiệp Tam Thăng, Tam Kỳ), đã sớm tiếp cận, nắm bắt cơ chế đào tạo nghề từ khi còn trên bản thảo, chờ lấy ý kiến góp ý của DN. Trải qua chặng đường không dài, nhưng bà Uyên hiểu rằng sự cạnh tranh trong tuyển dụng lao động ở các DN may mặc trên địa bàn tỉnh khá khốc liệt. Cơ chế ra đời nhằm tạo nguồn lao động có tay nghề nên đó là cơ hội cho cả người lao động lẫn DN. Khi DN hiểu và đồng hành ngay từ khâu tuyển sinh, đào tạo đến tuyển dụng sẽ có được nguồn lao động chất lượng. Từ đó, Công ty Moon Chang Vina đã đồng hành với Trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam ngay từ khóa đào tạo đầu tiên, cho đến hôm nay đã tuyển dụng được hơn 30 lao động. Con số này có lẽ chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu hơn 1.500 lao động mà DN cần tuyển dụng. Nhưng góp nhặt khi ít khi nhiều, bằng nhiều kênh khác nhau mới mong tuyển đủ lao động. Bà Uyên cho biết: “Phải nói rằng hiện nay sự cạnh tranh lao động giữa các DN với nhau, rồi nội bộ các DN may với nhau rất khốc liệt. Trong khi đó nguồn lao động ở gần đã dần vơi đi, nên DN muốn tuyển dụng được lao động phải đi xa hơn, đến các huyện miền núi. Vì thế cơ chế được thực hiện đã giúp DN rất nhiều. Khâu tuyển sinh để đào tạo đã có địa phương, nhà trường lo. DN chỉ chung tay trong đào tạo, và tuyển dụng lao động sau đào tạo thì không có gì là khó cả, thậm chí là cơ hội của mỗi DN. Chúng tôi đã và sẽ đồng hành với các địa phương, trường nghề trong thực hiện cơ chế đào tạo nghề này”.

Cần tác phong công nghiệp

Những lao động muốn đi xa thì đã vào Nam ra Bắc để làm việc. Những lao động vì điều kiện gia đình không thể đi xa được thì ở nhà quẩn quanh với đám ruộng rẫy keo. Gắn bó với cuộc sống nông thôn, làm việc không theo giờ giấc hay khuôn khổ nào cả. Bây giờ, bỏ cái cuốc con rựa, vào nhà máy làm việc, nghĩa là phải thay đổi hoàn toàn tác phong, lề lối sinh hoạt hằng ngày. Với nhiều người, nói thì dễ nhưng thay đổi không hề đơn giản. Bởi, dù họ có rời đám ruộng nhưng không thể bỏ đám ruộng. Ngày thường đi làm công ty, ngày nghỉ lại về với đám ruộng nên có lúc, họ phải bỏ việc ở công ty để lo gặt hái, giỗ chạp. Đó dường như là chuyện thường ngày, nên các công ty khi đầu tư vào Quảng Nam rất lo lắng về tác phong công nghiệp của người lao động. Nhất là các công ty may, làm việc theo công đoạn nên một người nghỉ làm ảnh hưởng đến cả một dây chuyền. Vì thế mà điều các công ty cần ở người lao động chính là tác phong làm việc chuyên nghiệp, mang tính kỷ luật cao.

Bà Lê Thị Tuyết Nga nói rằng có thể qua những khóa đào tạo nghề thời gian ngắn, nhà trường đào tạo chưa bài bản hoặc còn khuyết những gì thì DN có thể bù đắp vào được. Nhưng tác phong công nghiệp đòi hỏi tự thân mỗi người phải cố gắng rèn luyện, chứ không ai có thể đào tạo được nếu lao động không tự ý thức chấp hành. Trong một nhà máy sản xuất, mọi hoạt động đều theo dây chuyền công nghệ của DN nên không thể ngừng một công đoạn mà công đoạn khác vẫn hoạt động. Một cái áo khi may có người làm phần cổ áo, người phần thân áo, người phần tay áo… nên một người nghỉ làm thì nhiều người khác bị ảnh hưởng. Vậy nên, DN không yêu cầu gì nhiều ở người lao động, mà chỉ yêu cầu tính kỷ luật, tính tập thể cao trong cả một dây chuyền hoạt động. “Người lao động thiếu tiền xe, tiền ăn, tiền trọ, tiền gửi trẻ… các công ty đều có thể hỗ trợ. Người lao động thiếu tay nghề, đã có cơ chế của Nhà nước lo đào tạo. Nhưng khi họ thiếu ý thức tác phong công nghiệp thì rất khó bù đắp. Mọi chế độ, phúc lợi dành cho người lao động chúng tôi đều có thể thực hiện được, chỉ mong người lao động khi đi làm thì nên thích nghi với môi trường làm việc chuyên nghiệp, mang tính công nghiệp. Và các cơ sở đào tạo nghề, khi đào tạo tay nghề cũng cần nói trước, trang bị trước cho người lao động tâm lý làm việc ở trong môi trường công nghiệp, để họ không ngỡ ngàng, không bị động khi đi làm ở công ty”.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ