Đào tạo nghề may cho lao động: Quyết tâm thôi chưa đủ

Thực hiện chuyên đề: DIỄM LỆ 22/02/2017 09:34

Năm 2017, đào tạo nghề may cho lao động, phục vụ các dự án trọng điểm và doanh nghiệp may mặc của tỉnh được UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng. Học nghề, nhất là nghề may, được xem là con đường ngắn nhất giúp giảm nghèo, nhất là ở các địa bàn miền núi. Các địa phương, cơ sở đào tạo nghề đều thể hiện sự quyết tâm, nhưng chỉ như thế liệu có đủ để hiện thực hóa kế hoạch đào tạo nghề gắn với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh?

NHANH CHÓNG VÀO CUỘC

Kể từ khi triển khai Quyết định 3577 của UBND tỉnh về học nghề may theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh vào thời điểm gần cuối năm 2016, các trường nghề đã nhanh chóng tiếp cận thực hiện và xác định: Bao nhiêu nỗi lo vẫn còn, nhưng đã quyết tâm thì phải làm, làm mà gặp khó thì kiến nghị tháo gỡ.

Lao động miền núi cần học nghề, có việc làm ổn định mới mong thoát nghèo, và học nghề may là một lựa chọn.
Lao động miền núi cần học nghề, có việc làm ổn định mới mong thoát nghèo, và học nghề may là một lựa chọn.

Người lao động chuyển nghề

Hơn 2 tháng gần đây, Nhà văn hóa thôn An Tây 1 (xã Tam Lãnh, Phú Ninh) ngày nào cũng rộn ràng vì có đông đảo chị em phụ nữ của xã Tam Lãnh đến học nghề may. Trung niên có, thanh niên có, chị em đi học nghề hầu mong có được một nghề nghiệp ổn định thay cho những công việc bấp bênh mà họ đang gắn bó. Chị em đều chú tâm học nghề, và quan trọng là họ học để đi làm, chứ không học cho biết. Chị Trần Thị Thực (SN 1980, thôn An Lâu 2, xã Tam Lãnh) cho biết, trước đây có đi phụ may giày da ở một công ty trong tỉnh, nhưng từ khi có chồng, sinh con, chị về quê làm nông, chăm sóc gia đình không đi làm nữa. “Bây giờ con cũng lớn rồi, tôi định bụng đi làm nghề chi đó, chứ bám đám ruộng mãi không khá hơn được. Khi nghe chi hội phụ nữ ở thôn vận động đi học nghề may miễn phí, tôi bàn bạc với chồng và quyết định đăng ký học nghề này. Tôi còn con nhỏ, nên khi học nghề lo nhất là việc phải cam kết đi làm tại doanh nghiệp, nhưng chồng tôi động viên và hứa sẽ hỗ trợ việc nhà nên tôi yên tâm. Theo cam kết đã thỏa thuận, học nghề xong tôi sẽ cùng những chị em khác đến làm việc tại một công ty may ở TP.Tam Kỳ. Hy vọng sau này thu nhập của gia đình tôi sẽ ổn định hơn”. Ngay như bà Nguyễn Thị Huề (SN 1967, thôn An Mỹ) dù đã có tuổi vẫn quyết theo học nghề may. Bà nói rằng tuy lớn tuổi hơn, không nhanh nhẹn bằng lớp trẻ, khi vô công ty không may chính được thì phụ may vẫn tốt. Bởi như bà Huề nói: “Đi làm phụ may dù lương có thấp hơn may chính, nhưng được cái ổn định vẫn tốt hơn ở nhà làm nông, bấp bênh lắm”.

Những phụ nữ còn trẻ tuổi như chị Phạm Thị Mai Sương (SN 1999, thôn Bồng Miêu), hay Trần Thị Oanh (SN 2001, thôn An Tây 2) cũng chọn đi học nghề may vì không thể tiếp tục con đường học tập. Sương học xong lớp 9 đã nghỉ, đi học nghề làm tóc, trang điểm ở Đà Nẵng, đã đi làm được một thời gian. Tết về quê, nghe gia đình nói hội phụ nữ thông báo mở lớp học may nên quyết định ở nhà học may. “Đi làm gần nhà dù sao cũng tốt hơn là bám nghề làm tóc nên tôi đổi nghề. Học may hoàn toàn miễn phí, còn được giới thiệu việc làm nên không lo sau này thất nghiệp. Đi may vẫn có thể cho thu nhập cao nếu siêng làm” - Sương tâm sự.

Trường nghề vào cuộc

Khi triển khai Quyết định 3577 của UBND tỉnh, các trường nghề lo sợ rằng người lao động không chịu đi học, hoặc đi học nhưng không chịu đi làm thì thanh quyết toán kinh phí không được… Nhưng không thể vì nỗi lo sợ đó mà mãi đứng ngoài, không dám vào cuộc. “Chưa xuống nước đã sợ chết đuối thì sẽ mãi không thể biết bơi”. Nghĩ vậy nên các trường nghề đã chủ động tuyên truyền, vận động tuyển sinh, rồi làm việc với doanh nghiệp để lo trước “đầu ra” cho người lao động. Nhờ đó, công tác đào tạo lao động nghề may đã bước đầu đem lại hiệu quả; 3 lớp dạy nghề may với 95 học viên tại xã Tam Lãnh (Phú Ninh) đã chính thức đưa Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống. Đây là khóa đào tạo đầu tiên mà Trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam thực hiện theo Quyết định 3577 của UBND tỉnh. Đến nay, học viên của khóa học đã được một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) kiểm tra tay nghề và sẽ tiếp tục đào tạo trên dây chuyền thực tế tại doanh nghiệp, sau đó sẽ nhận vào làm việc. Ông Đặng Đôi - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam cho biết: “Nhà trường chủ trương phải về tận các thôn, xã để tuyển sinh. Và dĩ nhiên trước khi tuyển sinh phải tìm được doanh nghiệp để cùng phối hợp trong đào tạo và tuyển dụng sau khi học viên hoàn thành khóa học. Doanh nghiệp cần rất nhiều lao động, nhưng việc đào tạo và cung ứng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục liên hệ, làm việc với các địa phương để tiếp tục đào tạo lao động nghề may theo Quyết định 3577. Tuyển sinh chắc chắn sẽ khó, nhưng phải quyết tâm làm”.

Tương tự, các trường nghề khác trong tỉnh như Trường Trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam đã phối hợp với Công ty May Huy Hoàng 2 (huyện Duy Xuyên) tuyển sinh được 40 lao động để đào tạo ngay tại xưởng làm việc của công ty may. Thời gian qua, nhà trường cũng đã tích cực làm việc với một số huyện ở bắc Quảng Nam nhưng vẫn chưa có thêm nguồn lao động học nghề. Với Trường Trung cấp Nghề Thanh niên, dân tộc miền núi Quảng Nam, ngày 28.2 này nhà trường phối hợp với huyện Nam Giang và một doanh nghiệp ngành may khai giảng khóa đầu tiên với 2 lớp gồm 70 lao động đăng ký học nghề may. Đây là nỗ lực lớn của nhà trường, bởi việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số học nghề để đi làm ở doanh nghiệp không phải là việc dễ dàng.

NÓI PHẢI ĐI ĐÔI VỚI LÀM

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều đặt quyết tâm cao trong thực hiện cơ chế đào tạo nghề may, xem đó là con đường giảm nghèo hiệu quả. Cơ chế của tỉnh nhằm đưa cho được lao động ở các xã, huyện miền núi xuống đồng bằng, làm việc trong nhà máy.

Ngay từ đầu năm 2017, Quảng Nam đã tổ chức hội nghị về giảm nghèo gắn với đào tạo nghề.Ảnh: D.L
Ngay từ đầu năm 2017, Quảng Nam đã tổ chức hội nghị về giảm nghèo gắn với đào tạo nghề.

Quyết tâm và hành động

Đầu năm 2017, tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác giảm nghèo gắn với đào tạo lao động ở các xã miền núi. Có thể thấy rõ sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh khi cả Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh đồng chủ trì hội nghị; thành phần tham dự là chủ tịch UBND các xã, huyện miền núi trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh, giảm nghèo là mục tiêu chính trị của toàn tỉnh, do đó các xã, huyện miền núi cần phải có sự quyết tâm cao trong công tác này. Tác động đến giảm nghèo không gì khác là tạo cho người dân có sinh kế vững bền, tạo cho người dân có tay nghề, có công ăn việc làm. Trong năm 2017 này, tỉnh đặt quyết tâm cao trong thực hiện cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề, chỉ trao cho người dân “cần câu” chứ không thể mãi trao “con cá”. Đặc biệt, ở các xã, huyện miền núi cần phải khơi dậy ý thức tự lực, người dân cần có trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình và cả xã hội. Lực lượng lao động ở miền núi còn nhiều, nhưng chưa chịu đi học nghề, đi làm nên cần phải đưa lực lượng này đến với các công ty, xí nghiệp mới hy vọng giảm nghèo được.

Theo cơ chế hỗ trợ của UBND tỉnh từ Quyết định 3577, người trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề may sẽ được hỗ trợ đào tạo khóa dưới 3 tháng tại các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề đủ điều kiện theo quy định. Trong đó, lao động khuyết tật được hỗ trợ mức 6 triệu đồng/tháng; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản miền núi, vùng đặc biệt khó khăn mức 4 triệu đồng/tháng; người dân tộc thiểu số, người thuộc diện chính sách người có công, hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân mức 3 triệu đồng/tháng; lao động hộ cận nghèo 2,5 triệu đồng/tháng; khu vực đô thị, nông thôn khác 2 triệu đồng/tháng. Người lao động tùy các đối tượng còn được hỗ trợ tiền ăn, đi lại, mua đồ dùng cá nhân và lưu trú trong thời gian học nghề… Ngoài ngư dân học các nghề vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, trong giai đoạn 2016 - 2017 cơ chế chỉ hỗ trợ cho lao động học ngành may. Giai đoạn 2018 - 2020, tùy vào tình hình thực tế, UBND tỉnh sẽ quyết định danh mục nghề được hỗ trợ theo cơ chế.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang yêu cầu các địa phương phải quyết tâm dành thời gian, công sức, tâm huyết cho công tác giảm nghèo và đào tạo nghề. Đồng thời chia sẻ khó khăn với các địa phương miền núi trong việc đưa lao động xuống đồng bằng làm việc. Lao động là người dân tộc thiểu số xuống đồng bằng, dĩ nhiên sẽ gặp phải những hàng rào về ngôn ngữ, văn hóa, nếp sống... Cho nên cũng phải tính đến việc đưa lao động xuống theo nhóm thì mới mong họ không bỏ về. Cần xem đây là chương trình hành động của mỗi địa phương, phải tuyên truyền mạnh mẽ cho lực lượng lao động trẻ. Mỗi cán bộ phải vào cuộc vận động, thuyết phục, nói rõ cho người dân nghe rõ lợi ích của việc đi học nghề, đi làm ổn định, có thu nhập. “Con đường tất yếu của sự phát triển là từ nông nghiệp sang công nghiệp, từ lao động nông nghiệp sang lao động phi công nghiệp. Chỉ có công ăn việc làm, có nghề nghiệp ổn định thì mới bền vững được. Hội nghị lần này nhằm đưa thông điệp đến tất cả địa phương, đến tận xã để toàn hệ thống vào cuộc, xem đây là mục tiêu hết sức quan trọng, góp phần giảm nghèo hiệu quả cho tỉnh. Tỉnh đã dành rất nhiều sự quan tâm, ưu tiên cho đào tạo nghề gắn với giảm nghèo, vì vậy các địa phương phải hết sức dành tâm huyết để thực hiện cho đạt” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nhắn nhủ.

Ngay sau Tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH giao 12.000 chỉ tiêu đào tạo nghề may cho 18 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Huyện thấp nhất chỉ tiêu giao tuyển sinh đào tạo 500 lao động, cao nhất là các huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn với 1.000 lao động/địa phương.

Làm sao khả thi?

Từ khi có Quyết định 3577 triển khai hiện thực hóa Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH - đơn vị tham mưu và là cơ quan thường trực trong thực hiện cơ chế về đào tạo nghề - đã đi đến các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đôn đốc thực hiện. Qua thực tế ở các địa phương, ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ, tỉnh quyết tâm cao, nhưng còn một số địa phương chưa sâu sát, thiếu quyết liệt trong thực hiện. Đến bây giờ khi đi cơ sở, hỏi cán bộ xã nhiều nơi còn chưa nắm rõ Nghị quyết 12, Quyết định 3577 nói gì thì làm sao mà tuyên truyền, vận động trong nhân dân. Khu vực miền núi kêu khó khăn do còn một bộ phận lớn người dân vì phong tục, tập quán sinh sống, bám nương bám rẫy, không muốn thay đổi phương thức sản xuất, không muốn học nghề lập nghiệp, không quen với việc đi làm ăn xa, thay đổi tác phong làm việc công nghiệp để tạo thu nhập cho bản thân và gia đình. Các doanh nghiệp may mặc tuyển dụng đa số là lao động nữ, trong khi đó đa số lao động nữ ở miền núi có chồng và có con sớm, ngại đi làm xa nhà, có tư tưởng trong thời gian học nghề muốn được hỗ trợ một khoản thu nhập để nuôi con. Cơ chế đã tạo điều kiện hết sức ưu ái rồi, nhưng muốn gì được nấy thì khó cho tỉnh quá. “Người dân cần đồng hành với chính quyền; chính quyền thì phải vào cuộc mạnh mẽ để thực hiện cho đạt được cơ chế mới này. Giải pháp đưa ra thì nhiều, nhưng các địa phương sau khi đã quyết tâm thì cần phải hành động, đừng xem nhiệm vụ này chỉ là của trường nghề hay của ngành lao động nữa. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, các huyện cần phản hồi ngay cho Sở LĐ-TB&XH để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh cho ý kiến giải quyết” - ông Thùy nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu vùng núi cần khuyến khích, động viên, triển khai chủ trương đào tạo đến với người dân. Trong điều kiện doanh nghiệp chưa lên được với các huyện miền núi, muốn giảm nghèo, lực lượng lao động phải học nghề, tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Tỉnh đã vào cuộc hỗ trợ tối đa thì phải phấn đấu đạt được. Trước mắt, tỉnh đào tạo nghề may, sau này khi nhu cầu thị trường cần thì bổ sung ngành nghề cho phù hợp. Về cách làm, Chủ tịch Đinh Văn Thu chỉ đạo các địa phương khảo sát đánh giá lại xem lực lượng lao động nằm ở đâu, nhất là nhóm các huyện miền núi. Cần kiểm chứng lại lao động 9 huyện miền núi còn bao nhiêu để có định hướng đúng đắn trong công tác chỉ đạo, đào tạo nghề.

TÌM NGUỒN LAO ĐỘNG

Kế hoạch đào tạo nghề may cho các dự án, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2017 là hơn 12.000 lao động. Nhưng đến nay, mới chỉ có 262 người đang học và đăng ký học nghề may. Các địa phương đang tích cực tìm nguồn lao động học nghề.

Lớp học nghề may theo Quyết định 3577 ở xã Tam Lãnh (Phú Ninh).
Lớp học nghề may theo Quyết định 3577 ở xã Tam Lãnh (Phú Ninh).

Miền núi lo ngại

Khi triển khai Quyết định 3577, các huyện miền núi đều lo lắng việc lao động không đi học nghề. Đến huyện Nam Giang, gặp gỡ những người trực tiếp đi vận động tuyển sinh học nghề mới thấy hết nỗi lo của họ. Bà Trịnh Thị Hồng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cà Dy nói rằng, vận động chị em đi học nghề đã khó, nói sao để họ chịu đi làm còn khó hơn. Bà Hồng kể: “Khi huyện triển khai chủ trương, tôi về họp với các chi hội thôn bàn cách làm ngay. Chị em phân công nhau vào cuộc, đến gõ cửa từng nhà, vận động, thuyết phục hội viên đi học theo cơ chế mới, vừa không tốn tiền học lại có việc làm, có thu nhập. Mới đầu, ai nghe cũng lắc đầu nói không học, giải thích mãi cũng có được vài chục người đồng ý tham gia. Nhưng khi nói đến đoạn học xong phải đi làm ở công ty, xí nghiệp, nhiều chị em rút lui không đi học nữa, chỉ còn 12 người chịu đi học nghề may”. Bà Hồng bảo, những chị em chịu đăng ký đi học đó, nhưng sau khi học xong có chịu đi làm không thì bà cũng không dám chắc chắn. Theo bà Hồng, nếu có việc làm ngay tại huyện thì chắc chị em sẽ đi học đông, chứ đi làm xa quá họ còn vướng bận việc gia đình nên không chịu.

Ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, địa phương quyết tâm thực hiện cho được chỉ tiêu tỉnh giao về huyện là tuyển sinh 500 lao động học nghề may. Ông Sơn cho hay: “Huyện đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các xã, thị trấn, xác định đào tạo nghề là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đồng thời yêu cầu lãnh đạo chính quyền, hội đoàn thể ở địa phương cần phải nắm chắc các nội dung Quyết định 3577 của UBND tỉnh, Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, và phải hiểu để nói cho thông thì mới tuyên truyền sâu rộng trong dân được. Huyện sẽ chỉ đạo các địa phương tập trung vào lực lượng lao động trẻ, chưa lập gia đình, đây là những người chưa vướng bận nên sẽ đi làm được. Bởi, đào tạo được nguồn lao động mà không thể đưa đi làm ở doanh nghiệp thì cũng thất bại. Khó thì có khó thật, nhưng cách gì cũng phải cố gắng làm cho được”. Ông Sơn cho biết thêm, chủ trương kêu gọi doanh nghiệp về địa phương đầu tư vẫn xúc tiến, nhưng doanh nghiệp chưa dám lên Nam Giang vì còn phụ thuộc nhiều điều kiện. Nếu có doanh nghiệp tại chỗ thì việc kêu gọi lao động đi học, đi làm sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Ông Sơn cũng đề xuất tỉnh hỗ trợ những chuyến xe miễn phí đưa lao động đi làm về thăm nhà hàng tháng để họ đỡ nhớ nhà, yên tâm làm việc.

Đi tìm lao động

Một ngày sau cuộc họp ở tỉnh, huyện Tiên Phước triển khai ngay cơ chế học nghề may đến 108 thôn, khối phố trong huyện với quyết tâm năm 2017 đào tạo 700 lao động nghề may (chỉ tiêu tỉnh giao 600). Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Huyện đã gặp gỡ, giao nhiệm vụ và quy định trách nhiệm cụ thể của từng cấp thôn, xã trên địa bàn. Biết sẽ khó khăn do lao động ly hương nhiều quá, nhưng huyện phải dành lực lượng để làm. Chúng tôi sẽ tập trung vận động người dân trong độ tuổi lao động để chuyển dịch lao động từ những nghề cho thu nhập thấp sang học nghề may đi làm trong các doanh nghiệp. Việc làm ổn định, mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng cũng là điều đủ sức hấp dẫn với lao động nông thôn, đồng thời sẽ góp phần vào công cuộc giảm nghèo của địa phương”.

Còn ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho hay, người lao động của huyện đi làm xa quá nhiều. Theo như kê khai tạm vắng, có đến 3.500 người đi vào Nam làm việc, cũng chủ yếu làm lao động phổ thông. Trước mắt, chỉ tiêu giao cho Nông Sơn tuyển sinh 500 lao động học nghề may trong năm 2017, huyện sẽ cố gắng vào cuộc triển khai và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, thị trấn. Về lâu dài, theo ông Trung cần phải kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào Nông Sơn để tạo việc làm tại chỗ cho lao động, giữ chân lao động ở lại với quê hương. Nông Sơn hiện nay chưa có cụm công nghiệp nào, huyện đang xúc tiến đầu tư, kêu gọi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến với địa phương.

Ở các khu vực lân cận TP.Tam Kỳ, một số doanh nghiệp đã và đang đầu tư đều cho rằng nguồn lao động đang dần cạn đi. Lực lượng lao động của tỉnh đang ở đâu? Câu trả lời là họ ly hương khá đông. Có đến khoảng 73.000 lao động của tỉnh ly hương đi làm việc ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó đông nhất là ở các tỉnh phía Nam, tiếp theo là ở TP.Đà Nẵng. Nguồn lao động tuy vẫn còn, nhưng lại tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi. Vấn đề là làm sao kéo cho được lực lượng này đi học nghề, xuống đồng bằng làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp? Chính sách, cơ chế hỗ trợ đã có, việc còn lại là tuyên truyền để thay đổi nhận thức, để cho người dân thấy rằng có nghề, có việc ổn định không chỉ giúp cho bản thân, gia đình mà còn giúp cho cả sự phát triển của địa phương, gắn với công cuộc giảm nghèo lâu dài.

Thực hiện chuyên đề: DIỄM LỆ

Thực hiện chuyên đề: DIỄM LỆ