Sàn giao dịch việc làm tỉnh năm 2017: Sôi động ngay phiên đầu tiên
Hôm qua 15.2, sàn giao dịch việc làm tỉnh khởi động phiên đầu năm 2017 tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các cơ sở ở Hương An (Quế Sơn) và Vĩnh Điện (Điện Bàn), thu hút nhiều doanh nghiệp và người lao động (LĐ) tham gia.
Cơ hội tìm việc làm phù hợp
Đến với sàn giao dịch việc làm đầu năm, chị Nguyễn Thị Yến (ở TP.Tam Kỳ) mang theo vài bộ hồ sơ xin việc. Chị Yến cho biết học ngành môi trường hệ đại học, ra trường đã 2 năm nhưng chưa tìm được việc làm phù hợp. Chị Yến nói: “Hai năm qua tôi xin làm đủ thứ việc, nhưng chẳng nghề nào trụ được lâu vì không đúng chuyên môn. Tôi đến sàn giao dịch việc làm với hy vọng tìm được một công việc phù hợp ngành đã học, chứ bôn ba mãi cũng ngán rồi”. Đi cùng Yến, chị Trần Thị Mỹ Lệ (ở Phú Ninh) học ngành y hệ cao đẳng, đến sàn mong tìm được một công ty nào đó tuyển dụng nhân viên y tế sẽ nộp hồ sơ. Chị Lệ đã tìm được một vài vị trí tương thích và dự tính sẽ đăng ký tuyển dụng. “Tôi ra trường cũng 2 năm rồi, đã làm qua đủ việc như bạn tôi vậy. Tôi chọn đến sàn giao dịch để tìm việc vì thông tin ở đây nhiều, lại là nơi đáng tin tưởng, nhất là mọi tư vấn, hỗ trợ đều miễn phí. Tôi mong sẽ tìm được việc làm phù hợp” - chị Lệ chia sẻ.
Ngay trong phiên đầu tiên, sàn giao dịch mở tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thu hút đông đảo người LĐ đến tìm hiểu thông tin tuyển dụng. Ảnh: D.LỆ |
Đưa sàn giao dịch đến với người lao động Ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Ngoài các phiên giao dịch việc làm định kỳ được tổ chức vào ngày 15 hàng tháng ở trung tâm và các cơ sở tại Hương An, Vĩnh Điện, năm 2017 trung tâm sẽ đưa sàn giao dịch về cơ sở nhiều hơn. Sau phiên khai mạc này, sẽ có hơn 20 phiên giao dịch được đưa về cơ sở nhằm giúp người LĐ có những thông tin việc làm tin cậy nhất, giúp doanh nghiệp tuyển dụng được nguồn LĐ có tay nghề và cả LĐ phổ thông”. Trong năm 2017, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng sẽ kết nối cùng các doanh nghiệp, đặc biệt là trên lĩnh vực may mặc, tổ chức những chuyến xe đưa người LĐ đến công ty để tìm hiểu cụ thể về công việc, lương bổng, chế độ, sau đó quyết định lựa chọn học nghề và đăng ký tuyển dụng tại công ty hay không. |
Đến với sàn giao dịch việc làm, LĐ có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, đã qua đào tạo nghề, LĐ phổ thông… nhưng chưa có việc làm đều có cơ hội tìm kiếm cho mình một vị trí việc làm phù hợp. Bởi nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp khá lớn, đa dạng ngành nghề. Không chỉ người trẻ, theo quan sát của chúng tôi, không ít LĐ phổ thông đã có tuổi cũng đến với sàn giao dịch tìm kiếm việc làm phù hợp với… điều kiện gia đình. Như ông Nguyễn Văn Luận (50 tuổi), một lao động phổ thông đến từ huyện Thăng Bình cho hay, đã nhiều năm rồi, cứ đầu năm ông lại tìm việc làm phụ hồ ở các công ty xây dựng và chỉ làm thời vụ vì không muốn ràng buộc, để đến mùa vụ còn về lo việc đồng áng. “Tôi làm phụ hồ, ngày nào tính ngày đó, mỗi tuần nhận tiền công một lần rồi gửi về nuôi vợ con. Vừa đi làm vừa lo việc ruộng đồng ở nhà nên không muốn làm ổn định” - ông Luận nói.
Doanh nghiệp “khát” lao động
Trong phiên giao dịch đầu năm 2017 tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các cơ sở ở Hương An (Quế Sơn), Vĩnh Điện (Điện Bàn), có 70 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia với nhu cầu tuyển dụng hơn 7.000 vị trí việc làm, nhiều nhất là công nhân may và LĐ phổ thông. Mức lương phổ biến các công ty đưa ra từ 4,5 triệu đồng trở lên, đồng thời cam kết thực hiện đảm bảo các chế độ bảo hiểm, chính sách lương thưởng. Nhu cầu tuyển dụng lớn tại phiên giao dịch, có thể kể đến Công ty TNHH Fashion Garments (Khu công nghiệp Tam Thăng, Tam Kỳ) cần hơn 1.500 LĐ; Công ty TNHH MTV Vast Apparel Việt Nam (Phú Ninh) hơn 800 LĐ; Công ty TNHH Dacotex Hải Âu Xanh (Núi Thành) hơn 100 công nhân may; Công ty CP Thủy sản & TM Thuận Phước (Đà Nẵng) hơn 600 lao động phổ thông… |
Đến với sàn giao dịch đầu năm, ông Nguyễn Đức Quốc - Giám đốc Nhân sự Công ty CP Đầu tư & thương mại Tạp phẩm Sài Gòn thông tin, mỗi năm công ty ông cần tuyển dụng 600 - 700 LĐ đi làm việc tại thị trường Nhật Bản, nhưng tuyển dụng ngày càng khó. Ông Quốc phân tích: “Không chỉ chúng tôi, bây giờ doanh nghiệp tuyển dụng LĐ đi xuất khẩu đều tìm kiếm nguồn rất khó. Bởi lẽ, nền kinh tế nước ta đã phát triển hơn trước, thu nhập cũng khá hơn nên người LĐ ít có nhu cầu đi xuất khẩu. Dẫu rằng đi làm việc ở Nhật Bản sẽ tạo cho người LĐ nhiều cơ hội nâng cao tay nghề, biết tiếng Nhật, học hỏi tác phong công nghiệp, tính kỷ luật trong môi trường làm việc công nghệ cao”. Đã hơn 3 năm đồng hành với Trung tâm Dịch vụ việc làm tuyển chọn LĐ Quảng Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, ông Quốc đánh giá cao khả năng, tác phong của người Quảng khi đi làm việc ở Nhật Bản. Bởi vậy, trong năm này, Công ty Tạp phẩm Sài Gòn cũng sẽ đồng hành với các sàn giao dịch đến tận địa phương cơ sở nhằm tìm kiếm nguồn LĐ chất lượng phục vụ xuất khẩu LĐ.
Tham gia phiên giao dịch việc làm đầu tiên, Công ty TNHH Fashion Garments (Khu công nghiệp Tam Thăng, Tam Kỳ) cần tuyển dụng hơn 1.500 vị trí, trong đó chủ yếu là công nhân có tay nghề may và công nhân phổ thông ở các bộ phận. Ông Lê Văn Châu - Trưởng phòng Nhân sự công ty cho hay, đơn vị cần LĐ nhiều, nhưng tuyển dụng từ năm 2015 đến nay vẫn chưa đủ. Công ty tham gia sàn giao dịch với hy vọng thông tin tuyển dụng sẽ đến được với người LĐ của tỉnh. “Công ty chúng tôi thành lập đã hơn một năm, nhưng nguồn LĐ cần tuyển dụng ở các khu vực quanh TP.Tam Kỳ đang dần cạn nên phải tính đến phương án tuyển dụng ở các địa phương xa hơn trong tỉnh. Năm nay chúng tôi sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện phương thức đưa người LĐ đến công ty tham quan, tìm hiểu thực tế để có lựa chọn. Hy vọng với những nỗ lực lớn từ cả Trung tâm Dịch vụ việc làm và từ phía doanh nghiệp, công ty sẽ tuyển dụng được nguồn LĐ đáp ứng nhu cầu”.
DIỄM LỆ