Thỏa thuận không tham gia bảo hiểm xã hội: Người lao động chịu thiệt
Việc một bộ phận người lao động (NLĐ) thỏa thuận với chủ sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) để nhận tiền lương cao hơn là vi phạm Luật Lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi của đôi bên, nhất là khi có tranh chấp lao động xảy ra.
Bản thân người lao động không hiểu tham gia bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi cho chính mình. Ảnh: D.L |
Cùng vào thời điểm tháng 5.2016, các anh chị Nguyễn Thanh Nhân, Lê Văn Tin, Lê Thị Kim Phụng bắt đầu vào làm việc tại Xí nghiệp May Ánh Sáng 6 (Quế Sơn), nhưng đến tháng 11.2016 vẫn chưa tham gia các khoản BHXH. Về vấn đề này, đại diện xí nghiệp cho hay, mặc dù đã tuyên truyền nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia các khoản BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhưng một số NLĐ vẫn không mặn mà. Bởi họ lý giải đây là công việc tạm thời để tích góp đầu tư cho việc học nghề sau này. Hiện nay, việc tuyển dụng khó khăn nên chúng tôi phải chấp thuận yêu cầu trên của NLĐ. Nếu họ không tham gia các khoản bảo hiểm nêu trên, chúng tôi trả đủ lương chứ không còn cách nào khác” - đại diện Xí nghiệp May Ánh Sáng nói.
Lần đầu tiên đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động tại Xí nghiệp May Ánh Sáng 6 nên những vi phạm nêu trên đoàn nhắc nhở chấn chỉnh. Đồng thời yêu cầu chủ sử dụng lao động không “lách luật” trong việc tham gia BHXH cho NLĐ bằng cách ký liên tục các hợp đồng lao động dưới 3 tháng đối với 29 lao động đã làm việc liên tục tại xí nghiệp. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền để NLĐ hiểu rõ quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi đôi bên, tránh những rắc rối sau này nếu có tranh chấp lao động hoặc chẳng may có tai nạn lao động xảy ra… Đối với kết quả kiểm tra tại Công ty Sông Hội, đoàn thanh tra cũng yêu cầu chủ doanh nghiệp bắt buộc phải tham gia BHXH cho chị Nga cùng 5 lao động khác theo quy định. |
Trong khi đó, hợp đồng lao động của 3 người trên đều có mục: đóng BHXH là khoản tham gia bắt buộc, trong đó tỷ lệ đóng của NLĐ là 10,5%, của người sử dụng LĐ là 22%, có chữ ký của 2 bên. Chị Lê Thị Kim Phụng chia sẻ: “Lúc vào làm việc, tôi có thỏa thuận với công ty không đóng các khoản bảo hiểm để nhận tiền lương cao hơn vì xác định làm tạm thời nhằm kiếm tiền đi học. Nhưng thú thật, khi ký hợp đồng tôi không đọc kỹ và không nắm rõ công ty có trả đúng lương theo thỏa thuận ban đầu hay không”. Còn anh Lê Văn Tin thì cho rằng: “Công nhân như tôi mới làm vào làm việc tay nghề chưa cao, nếu trừ các khoản trên thì lương thực nhận không bao nhiêu; vì vậy, tôi quyết định không tham gia”.
Với những NLĐ phổ thông, có thể sự hiểu biết của họ về quyền lợi khi tham gia BHXH chưa đến nơi đến chốn, chỉ thấy bị trừ một khoản lương hàng tháng mà chưa thấy lợi ích về sau nên không tham gia. Nhưng trường hợp chị Hứa Thị Kim Nga, kế toán của Công ty Sông Hội (TP.Hội An) vẫn thỏa thuận với chủ doanh nghiệp không tham gia BHXH, lý do chị không có ý định làm lâu dài. Với yêu cầu trên, chủ công ty đồng ý không tham gia BHXH cho chị Nga. “Nghĩ đến tuổi hưu nghe xa vời quá, trước mắt tôi cần có thêm ít tiền để còn đi học tiếp, nên sau này ổn định chỗ làm việc rồi hẵng tham gia BHXH chắc cũng không muộn” - chị Nga nói.
Có thể thấy, việc NLĐ không nắm rõ quyền lợi khi tham gia các khoản BHXH vẫn còn khá phổ biến. Theo ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Lao động việc làm, Sở LĐ-TB&XH, NLĐ thiệt thòi rất nhiều nếu bỏ qua điều khoản này khi ký kết hợp đồng lao động, như: không được giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp; không có bảo hiểm y tế sẽ rất tốn kém nếu ốm đau, bệnh tật; cả chế độ lương hưu sau này bất kể NLĐ làm việc ở đâu cũng sẽ được cộng dồn để tính hưởng… Sau khi được cán bộ chuyên trách tư vấn, giải thích, anh Nhân hỏi: “Bây giờ chúng tôi muốn tham gia BHXH có được tính từ thời điểm vào làm việc không?”. Ông Tứ cho hay, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động là phải tham gia BHXH cho NLĐ khi ký hợp đồng lao động, đồng thời phía NLĐ phải trích phần tiền lương của mình cùng tham gia. Hai bên phải thỏa thuận rõ ràng, cụ thể trong hợp đồng lao động, là căn cứ để giải quyết nếu tranh chấp xảy ra trong quá trình làm việc. Hành vi thỏa thuận giữa hai bên để không tham gia BHXH là vi phạm pháp luật về BHXH, cả hai bên đều bị phạt theo quy định.
LÊ DIỄM