Trung tâm Giáo dục thường xuyên & hướng nghiệp, dạy nghề Bắc Trà My: Hết lòng vì học viên

LÊ DIỄM 25/11/2016 10:55

Đào tạo nghề cho lao động là người dân tộc thiểu số đã không dễ dàng gì, đào tạo xong còn phải lo việc làm ổn định cho họ lại càng khó. Trung tâm Giáo dục thường xuyên & hướng nghiệp, dạy nghề huyện Bắc Trà My đang làm mọi cách để có thể đạt cả hai mục đích trên.

Vận động học nghề

Năm 2016, học xong bậc THCS, không có ý định và không đủ điều kiện để tiếp tục theo học THPT, Lê Thị Cờ (thôn 4, xã Trà Kót) quyết định ở nhà đi rẫy. Nhưng khi cán bộ Trung tâm Giáo dục thường xuyên & hướng nghiệp, dạy nghề huyện về tại địa phương để hướng nghiệp và tuyển học viên, Cờ thấy nghề may phù hợp với mình nên xin bố mẹ cho đăng ký đi học may ở trung tâm. Đến thời điểm này Cờ đã rành rẽ những đường may. Cờ khoe: “Hơn 2 tháng học nghề, mình đã quen với máy may rồi. Đây này (Cờ đưa ra chiếc áo đã hoàn thành một nửa), đang tự may cho mình chiếc áo để cô giáo xem tay nghề đến đâu”. Nói về chuyện sinh hoạt, Cờ chia sẻ: “Ban đầu thấy rất lo khi xuống huyện học tập trung vì xa nhà không quen. Xuống đây có các bạn cùng tuổi đi học, ăn ở tập trung nên cũng vui. Ở đây bọn mình chỉ việc lo học cho thạo nghề thôi, mọi thứ khác được miễn phí hết, ăn ở cũng miễn phí, không tốn kém khoản nào”. Cũng đang học nghề may tại trung tâm, Nguyễn Thị Hằng (thôn 2, xã Trà Đốc) cho hay, nếu ra nghề mà có chỗ nhận vào làm việc thì dù có đi xuống đồng bằng vẫn sẽ đi. “Lúc mình xin đi học nghề ở trung tâm, bố mẹ không những đồng ý ngay mà còn rất vui mừng. Mẹ bảo, bằng tuổi mình mà không đi học tiếp thì ở nhà đi rẫy, hoặc có chồng, khổ lắm! Bố mẹ mong mình cố gắng học nghề để không phải đi làm rẫy, không có chồng sớm”.

Lớp học nghề may ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên & hướng nghiệp, dạy nghề Bắc Trà My. Ảnh: D.L
Lớp học nghề may ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên & hướng nghiệp, dạy nghề Bắc Trà My. Ảnh: D.L

Hiện nay, Trung tâm Giáo dục thường xuyên & hướng nghiệp, dạy nghề Bắc Trà My đang đào tạo nghề may công nghiệp cho 70 học viên từ 15 tuổi trở lên, theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956). Để có được 2 lớp đào tạo nghề này là sự cố gắng rất lớn của trung tâm. Ông Huỳnh Kim Phẩm - Giám đốc trung tâm cho hay, theo khảo sát của đơn vị, mỗi năm toàn huyện Bắc Trà My có khoảng 400 học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng chỉ có khoảng 130 em đủ điều kiện lên học bậc THPT, số học sinh còn lại chỉ biết về lại địa phương, đi núi đi rẫy hoặc lập gia đình sớm. Nhìn thấy thực trạng này, trung tâm mở cuộc họp mời tất cả hiệu trưởng trường cấp 2 trên địa bàn đến dự, bàn phương án hướng nghiệp, hỗ trợ học nghề theo nguyện vọng của học sinh và gia đình. Trung tâm và các trường đã phối hợp thực hiện kế hoạch hướng nghiệp cho học sinh, phân tích cho phụ huynh hiểu những quyền lợi học sinh được hưởng, cam kết tạo việc làm. Ở chiều ngược lại, học sinh và gia đình cũng phải cam kết phấn đấu học nghề đạt trình độ mà người tuyển dụng cần, cam kết làm việc lâu dài chứ không bỏ học, bỏ việc giữa chừng. Với cách làm đó, gia đình và học sinh nhận thức được rằng cam kết của bên nào cũng hướng đến lợi ích của chính người học nên đăng ký theo học.

Thực hiện đúng cam kết

Lúc học viên mới đến học nghề, do thiếu giường nằm nội trú nên ông Huỳnh Kim Phẩm - Giám đốc trung tâm phải xuống tận Trường Cao đẳng Nghề tỉnh mượn 20 chiếc giường và rồi thuê xe chở về. Theo chính sách của Đề án 1956, trong thời gian 3 tháng, tiền ăn hỗ trợ cho học viên tính bằng ngày thực học, nên chỉ được 22 ngày/tháng, vẫn còn thiếu 24 ngày ăn cho học viên trong 3 tháng. Để tạo thuận lợi cho học viên, trung tâm đã kiến nghị và được UBND huyện Bắc Trà My đồng ý hỗ trợ thêm 24 ngày ăn còn thiếu. “Chúng tôi chỉ cố gắng hết sức mình để làm được gì cho các em thì làm. Ở góc độ xã hội, giúp được chừng ấy em có nghề, có việc làm là hy vọng giảm được chừng ấy hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số” - ông Phẩm nói.

Vào những ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, trung tâm mời Hội đồng giáo dục pháp luật huyện hỗ trợ tuyên truyền, giáo dục pháp luật, giúp cho học viên có vốn kiến thức nền tảng vững chắc hơn khi ra đời. Trong các giờ sinh hoạt, cán bộ trung tâm còn phổ biến những kiến thức thực tiễn để học viên có thêm vốn sống, tác phong, nền nếp làm việc, sinh hoạt để sau này dễ dàng làm quen với cuộc sống mới khi làm việc tại doanh nghiệp… Thời gian đầu cũng đã nảy sinh một vấn đề khiến cán bộ, giáo viên của trung tâm “đau đầu”, đó là làm sao để thực hiện đúng cam kết “tạo việc làm” như đã hứa với học viên và gia đình. Vấn đề ở đây không phải nằm ở chỗ thiếu việc làm, mà là trong số 70 học viên đang theo học tại trung tâm, chỉ có 18 người đủ 18 tuổi trở lên. Theo Đề án 1956, người trong độ tuổi lao động (nghĩa là từ 15 tuổi trở lên) đã đủ điều kiện để được đào tạo nghề. Nhưng đối với doanh nghiệp, từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được gọi là lao động vị thành niên, nếu nhận vào làm việc sẽ phải ràng buộc rất nhiều điều kiện. Doanh nghiệp trong ngành may thì càng khắt khe hơn, bởi họ bị ràng buộc bởi đơn hàng của nước ngoài, không cho phép sử dụng lao động dưới 18 tuổi.

Bằng mọi nỗ lực để thực hiện đúng “cam kết” ban đầu, sau thời gian trăn trở và xoay xở, trung tâm đã kết nối được với một doanh nghiệp may mặc trong tỉnh để đưa học viên sau khi tốt nghiệp đến làm việc. Doanh nghiệp sẽ trực tiếp đến trung tâm kiểm tra tay nghề của học viên trước khi nhận vào làm việc. Đối với lao động đủ 18 tuổi trở lên, doanh nghiệp sẽ ký kết hợp đồng làm việc theo đúng quy định của pháp luật. Còn những người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, doanh nghiệp sẽ bố trí làm những việc nhẹ nhàng như lao động học việc theo đúng quy định đối với lao động vị thành niên, trả công theo sản phẩm. Khi lao động đủ tuổi, doanh nghiệp cam kết sẽ nhận việc và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người lao động. Kèm theo đó là điều kiện: gia đình, chính quyền địa phương có giấy cam kết bảo hộ; nhà trường có thủ tục giới thiệu lao động đến học việc.

LÊ DIỄM

LÊ DIỄM