Đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp: Lao động ít chọn học nghề

LÊ DIỄM 18/08/2016 09:31

Trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), người thất nghiệp được quyền yêu cầu hỗ trợ học nghề nhằm chuyển đổi nghề nghiệp khác hiệu quả hơn. Nhưng trong thực tế, rất ít người chọn giải pháp này khi đăng ký hưởng BHTN.

Rất ít người lao động khi đến đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp yêu cầu hỗ trợ học nghề. Ảnh: L.D
Rất ít người lao động khi đến đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp yêu cầu hỗ trợ học nghề. Ảnh: L.D

Từ thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc), chị Nguyễn Thị Vân đến đăng ký hưởng BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sau khi nghỉ làm nhân viên bán hàng ở Công ty CP Đầu tư Nam Dương. Đến đăng ký hưởng BHTN, chị Vân được cán bộ hướng dẫn về mọi thủ tục, quyền lợi, trách nhiệm liên quan khi làm đơn xin hưởng BHTN. Trong mục hỗ trợ, làm chị Vân chú ý là việc hỗ trợ học nghề nhằm chuyển đổi nghề nghiệp. Vì đã có ý định chuyển đổi sang học nghề lái xe ô tô, nên chị Vân đã đăng ký học nghề lái xe, với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/tháng học, thời gian không quá 6 tháng. Chi phí hỗ trợ như trên hoàn toàn phù hợp, giúp chị Vân có thể học lái xe ô tô mà không tốn kém học phí. Chị Vân nói: “Khi học xong tôi có thể xin làm lái xe taxi, hoặc cũng có thể tiếp tục công việc bán hàng ở một công ty khác, bởi có bằng lái ô tô rồi thì thuận tiện hơn cho công việc bán hàng. Nói chung là chuyện chi tính sau, quan trọng là trước mắt học để có được cái nghề trong tay, sau muốn chuyển đổi nghề nghiệp cũng dễ dàng hơn”.

Còn anh Trần Tấn Quang (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) khi đến đăng ký hưởng BHTN cũng rất chú ý đến chuyện hỗ trợ học nghề. Anh Quang hỏi kỹ càng cán bộ tư vấn, sau đó đăng ký học nghề sửa chữa thiết bị may. Anh Quang cho biết, trước khi nghỉ việc anh làm ở Đà Nẵng, mức lương lao động phổ thông không đủ trang trải cuộc sống nên anh chuyển về quê để tìm việc làm phù hợp hơn. Anh có ý định tiếp tục làm lao động phổ thông, xin việc ở các nhà máy mới mở ở trong tỉnh, dù sao thì mức chi tiêu cũng ít tốn kém hơn ở Đà Nẵng. Khi đến đăng ký hưởng BHTN, thấy có khoản hỗ trợ học nghề, được tư vấn các nghề có thể học, anh quyết định chọn học nghề sửa chữa thiết bị may. Anh cho rằng, hiện nay thị trường đang cần nghề này vì rất nhiều công ty may ở các khu công nghiệp được mở ra, do đó sau khi học nghề không sợ không xin được việc làm.

Có nghề trong tay và sẽ có cơ hội tìm được việc làm với mức thu nhập khá hơn, tuy nhiên rất ít trường hợp người lao động mất - nghỉ đến đăng ký hưởng BHTN chọn giải pháp học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp như 2 câu chuyện nêu trên. Theo thống kê, trong số 4.443 trường hợp làm hồ sơ đề nghị hưởng BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh 7 tháng đầu năm 2016, chỉ có 56 trường hợp đề nghị hỗ trợ học nghề, phổ biến là lái xe, sửa chữa thiết bị may, may công nghiệp. Ông Trương Văn Lưỡng - Phó Trưởng phòng BHTN Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, số người đến đăng ký hưởng BHTN hàng ngày rất đông, trong số đó người lao động mất việc làm vì nhiều nguyên nhân, như do doanh nghiệp, tổ chức giải thể; hết hạn hợp đồng và hai bên chấm dứt hợp đồng lao động; bị kỷ luật, sa thải… Người lao động đến đăng ký hưởng BHTN đều được tư vấn kỹ càng về hồ sơ, thủ tục và các quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc tư vấn cho người lao động tìm việc làm mới hoặc học nghề khác để chuyển đổi nghề nghiệp luôn được chú trọng, nhưng hầu hết lao động phổ thông chọn tiếp tục đăng ký tìm công việc như từng làm ở một doanh nghiệp khác. Đối với người đã có nghề thì chọn nghề cũ với chỗ làm tốt hơn.

Chúng tôi thực hiện cuộc khảo sát nhanh với hơn 10 người đang làm thủ tục đăng ký hưởng BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, hơn một nửa trong số đó là lao động phổ thông, tất cả đều trả lời không chọn học nghề. Lý do được người lao động đưa ra là vì cuộc sống mưu sinh, vì vướng bận gia đình, con cái nên việc đi học sẽ rất khó khăn, trong khi họ đang cần việc làm để có nguồn thu nhập nuôi sống gia đình. Như chị Nguyễn Thị Duyên (Núi Thành) nói: “Dù đi học được hỗ trợ học phí, nhưng sẽ không có nguồn thu nhập hàng tháng, trong khi tôi đang nuôi con nhỏ. Hơn nữa, tôi sợ học nghề khác liệu có kiếm được việc làm tốt hơn lao động phổ thông hay không, bởi nhiều người học đại học, cao đẳng nhưng không xin được việc làm thì học nghề ngắn hạn liệu có xin được việc làm. Bây giờ tôi thấy lao động phổ thông xin đi làm công nhân là nhanh có việc làm nhất, gặp được doanh nghiệp tốt thì chế độ cũng đầy đủ, lương thưởng đảm bảo được cuộc sống”.

LÊ DIỄM

LÊ DIỄM