Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại doanh nghiệp: Cần sự kết nối

DIỄM LỆ 13/07/2016 09:29

Dự thảo đề án “Cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020” đang trong giai đoạn góp ý, hoàn chỉnh (gọi tắt là dự thảo đề án) nhưng được doanh nghiệp (DN) cũng như cơ sở dạy nghề (CSDN) rất quan tâm. Dù vậy, giữa DN với CSDN vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vòng quay “tuyển dụng - đào tạo - sử dụng lao động”.

Vòng quay “tuyển dụng - đào tạo - sử dụng lao động” vẫn diễn ra hàng ngày. Ảnh: D.LỆ
Vòng quay “tuyển dụng - đào tạo - sử dụng lao động” vẫn diễn ra hàng ngày. Ảnh: D.LỆ

DN muốn tự đào tạo

Theo dự thảo đề án “Cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”, nghề được tập trung đào tạo sẽ ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Đề án này được lồng ghép thực hiện cùng đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh”. Số lượng lao động được đào tạo cả giai đoạn hơn 40 nghìn người, dành cho các cơ sở đào tạo nghề không phân biệt công lập hay tư nhân, kể cả doanh nghiệp có tham gia đào tạo nghề. Người học nghề được hỗ trợ chi phí đào tạo tùy theo ngành nghề, thời gian, định mức đào tạo; được hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại, lưu trú trong thời gian học nghề… Tổng nguồn kinh phí thực hiện đề án dự kiến hơn 128 tỷ đồng.

Vòng quay “tuyển dụng - đào tạo - sử dụng lao động” vẫn diễn ra hàng ngày ở các DN trên địa bàn tỉnh. Nhưng theo dự thảo đề án, vòng quay ấy sẽ có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước vào khâu hỗ trợ DN trong đào tạo nghề cho người lao động. Cơ chế hỗ trợ đào tạo sẽ được thực hiện theo hai hướng: DN tự đào tạo nghề - CSDN đào tạo và cung ứng theo đơn đặt hàng của DN. Trong thực tế hiện nay, hầu như các DN thích tự đào tạo hơn là đặt hàng CSDN đào tạo. Ông Vũ Văn Thủy - Phó Giám đốc Công ty Sơn Hà (Duy Xuyên) cho biết: “Hiện nay chúng tôi có nhà máy ở Duy Trung với 700 lao động, trong đó 50% số lao động là DN tự đào tạo. Ngoài đào tạo nghề may, còn đào tạo cả tác phong công nghiệp cho người lao động. Sắp tới chúng tôi có thêm nhà máy số 2 ở xã Duy Tân cần đến 2.000 lao động. Và nếu cơ chế mới được ban hành trong dịp này sẽ thực sự là liều thuốc bổ cho DN. Chúng tôi mong muốn được tự đào tạo lao động”. Còn đại diện Công ty Hỗ trợ công nghiệp Miền Trung (Điện Bàn) cho rằng, là công ty sản xuất giày nên việc tuyển dụng, đào tạo tại công ty sẽ hiệu quả hơn tại CSDN. Công ty này hiện có 2.400 lao động, nhu cầu mở rộng sản xuất đến hết năm 2017 sẽ cần thêm hơn 2.500 lao động, dù lớn nhưng vẫn mong muốn được tự đào tạo. Lý do được phía công ty này đưa ra là CSDN đào tạo không theo đúng dây chuyền của DN nên rất khó, vì ngành giày da có những công nghệ thay đổi thường xuyên hàng năm theo mốt, các CSDN không thể bổ sung công nghệ, trang thiết bị đào tạo theo đúng nhu cầu của DN.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh: Cơ chế nhằm tạo nguồn lao động chất lượng phục vụ DN

“Mục tiêu đưa ra cơ chế là tạo nguồn lao động có chất lượng phục vụ cho nhu cầu của DN dệt may và da giày đang phát triển với tốc độ rất nhanh. Dù đào tạo theo hình thức nào, cơ chế cũng sẽ hỗ trợ tối đa, thuận lợi nhất cho DN. Cơ chế không phải khuyến khích đi học mà là khuyến khích tạo nguồn lao động cho các DN, chủ yếu hướng đến phục vụ DN. Tỉnh khuyến khích CSDN và DN phối hợp với nhau. CSDN nhận được đơn hàng thì phối hợp cùng DN thực hành trên dây chuyền công nghệ của DN. Nếu sự phối hợp này chặt chẽ, sẽ tạo đà rất tốt cho sự phát triển của lực lượng lao động ngành dệt may, phục vụ cho chính sự phát triển của DN. Đặc biệt, việc phối hợp sẽ giúp người lao động sau đào tạo có được bằng cấp chứng chỉ để sau này còn tăng lương, cấp bậc xếp lương… Về nguồn lao động, UBND tỉnh đã đề nghị các địa phương rà soát, cung cấp cho CSDN”.

Nhiều DN khác thuộc ngành may mặc như hệ thống các công ty của Hòa Thọ, Tuấn Đạt, Ánh Sáng Tấn Minh… đều có ý kiến thích tự đào tạo lao động. Lý do của các DN là tự đào tạo thì đáp ứng được nhu cầu, sử dụng lao động được ngay và có tác phong công nghiệp. DN tổ chức tuyển dụng, tự đào tạo là nhiệm vụ thường xuyên để đáp ứng nhu cầu lao động của chính DN. Vòng quay “tuyển dụng - đào tạo - sử dụng” sẽ theo hệ thống liên hoàn tại DN, vì thế nên tự đào tạo luôn hiệu quả hơn. Lâu này, việc thanh toán lại kinh phí đào tạo từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước gặp khó khăn nên DN thường bỏ qua vấn đề này. Khi dự thảo đề án được đưa ra lấy ý kiến, các DN cho rằng sự hỗ trợ phải nêu rõ, minh bạch để DN biết và có hướng dẫn rõ ràng để DN biết thế nào là “tự đào tạo đạt yêu cầu” để có thể thanh toán nguồn hỗ trợ.

CSDN phải đảm bảo nhiều thứ

Vì mục tiêu chung của toàn tỉnh trong công tác đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của DN, việc kết nối giữa DN và CSDN rất cần thiết, đòi hỏi hai bên phải tìm được tiếng nói chung trong vòng quay “tuyển dụng - đào tạo - sử dụng lao động”. Bà Trần Tường Anh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho rằng, hiện nay nhu cầu lao động của các DN ngành may là rất lớn, vì vậy CSDN phải tính đến việc tuyển sinh được hay không thì DN mới dám đặt hàng; bởi DN cũng đi nhiều nhưng tuyển dụng không được người học may. Trang thiết bị thực hành phù hợp công nghệ theo dây chuyền sản xuất hiện đại của DN; đào tạo lao động có ý thức tổ chức, có tác phong công nghiệp, là những điều mà hiện nay CSDN thiếu khi đào tạo nghề. “Cũng cần đào tạo cho người lao động hiểu biết về pháp luật lao động. Điều này rất quan trọng vì lao động trong các khu công nghiệp chỉ nhìn mức lương, hơn nhau vài đồng thì họ nhảy việc khiến DN mất công tuyển dụng lao động khác và lại phải đào tạo. Khi CSDN đáp ứng được yêu cầu của DN thì DN sẽ phối hợp với đơn vị dạy nghề. Nếu CSDN cung cấp được lượng lao động đáp ứng yêu cầu của DN thì sẽ rất tuyệt, chứ không phải DN không mặn mà. Nhu cầu của Hòa Thọ đến tháng 12.2016 cần hơn 1.500 lao động. Hòa Thọ cam kết sẽ hỗ trợ các CSDN ở Quảng Nam nếu CSDN đảm bảo đào tạo theo đúng yêu cầu của DN” - bà Anh nói.

Bà Trần Tường Anh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dệt may Hòa Thọ: “Cơ sở dạy nghề phải tính đến việc tuyển sinh được hay không thì DN mới dám đặt hàng”. Ảnh: D.Lệ
Bà Trần Tường Anh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dệt may Hòa Thọ: “Cơ sở dạy nghề phải tính đến việc tuyển sinh được hay không thì DN mới dám đặt hàng”. Ảnh: D.Lệ

Ông Nguyễn Văn Hạnh - Phó Giám đốc Công ty CP Phước Kỳ Nam thông tin, công ty cũng đã thực hiện tự đào tạo và đã nhận được hỗ trợ của Nhà nước, nhưng thủ tục quá nhiều khiến DN gặp trở ngại. Ông Hạnh kiến nghị: “Dự thảo đề án nên đơn giản hóa các thủ tục để DN có thể tiếp cận được với cơ chế hỗ trợ của Nhà nước. Theo tôi hai hình thức đào tạo nên tồn tại song song, DN tự đào tạo nhanh hơn, sát thực tế hơn. Các CSDN cứ tổ chức đào tạo những kỹ thuật cơ bản, rồi gửi lao động đến DN để tiếp tục đào tạo theo nhu cầu. Điều cần quan tâm là các CSDN phải dự báo có tuyển sinh được người học nghề theo yêu cầu của DN hay không thì DN mới yên tâm đặt hàng. Năm 2017 Công ty Phước Kỳ Nam cần khoảng 500 lao động. Công nhân có tay nghề, DN đều rất cần. Do đó chỉ sợ tuyển không đủ chứ không lo thiếu việc làm cho lao động hay đào tạo mà không có nơi sử dụng”. Còn theo ông Trương Đức Thịnh - Phó Tổng giám đốc Công ty Dệt may thương mại Tấn Minh (Duy Xuyên), đào tạo cần phải đón đầu cho tình hình 10 năm nữa, phải có chương trình đào tạo ngành may ở trình độ cao hơn. Đừng để xảy ra chuyện người học nghề chỉ đăng ký để hưởng chính sách, học xong không đến nhà máy làm việc, vì vậy cũng cần có cam kết ràng buộc đối với lao động học nghề. DN dệt may hiện nay rất nhiều, nhu cầu lao động rất lớn trong thời gian tới, Quảng Nam cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn lao động có năng lực để hội nhập.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ