Đào tạo nghề theo cơ chế mới: Thích ứng để tồn tại

DIỄM LỆ 02/07/2016 08:40

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo là một đòi hỏi bức thiết. Quảng Nam sẽ có một cơ chế dành riêng cho đào tạo nghề gắn với địa chỉ sử dụng lao động. Điều này đòi hỏi sự đổi mới toàn diện ở các cơ sở dạy nghề (CSDN) để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Mô hình trường nghề trong doanh nghiệp có lợi thế về đào tạo cao hơn.Ảnh: DIỄM LỆ
Mô hình trường nghề trong doanh nghiệp có lợi thế về đào tạo cao hơn.Ảnh: DIỄM LỆ

Cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề mới sẽ không phân biệt CSDN công lập hay tư nhân, chỉ cần đào tạo có địa chỉ sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ theo đầu ra. Điều này đòi hỏi mỗi CSDN đều phải tự thân vận động và biết cách thích nghi với cơ chế mới.

Trường công cần đổi mới

Từ trước đến nay, cơ chế đào tạo nghề của tỉnh chỉ căn cứ vào số lượng tuyển sinh của các CSDN mà thanh toán nguồn kinh phí đào tạo. Nhưng trong giai đoạn mới, Nhà nước chỉ thanh toán nguồn kinh phí đào tạo dựa trên số lượng người học nghề sau khi hoàn thành khóa học được doanh nghiệp (DN) nhận vào làm việc. Đây thực sự là cú hích đối với công tác đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, nhưng cũng là thách thức đối với các CSDN, đặc biệt là các trường nghề công lập sống bằng ngân sách. Theo khảo sát của chúng tôi, lãnh đạo các trường nghề trọng điểm của tỉnh như Trường Cao đẳng Nghề tỉnh, Trường Trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam, Trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam, Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi Quảng Nam... đều đón nhận thông tin về cơ chế mới với tâm thế sẵn sàng. Các CSDN dù ít hay nhiều đều đã thực hiện việc đào tạo theo địa chỉ, nhưng không phải nơi nào cũng hiệu quả, chỉ một số ít trường nghề ở khu vực gần các khu công nghiệp lớn của tỉnh có được mối liên hệ với các DN, nên thực hiện ký kết hợp đồng đào tạo theo nhu cầu, cung ứng nguồn lao động cho DN.

Trước bước ngoặt mới liên quan trực tiếp đến CSDN, ông Đặng Đôi - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam cho rằng đây là bước đi rất cần thiết. Bởi hiện tại, các CSDN thực tế đang rất khó khăn về tuyển sinh. Cơ chế mới sẽ giúp các CSDN khắc phục khó khăn này vì chính bản thân trường nghề muốn tuyển sinh được phải đi đến tận các xã, thôn để tuyển sinh. Có cơ chế hỗ trợ, việc tuyển sinh sẽ dễ dàng hơn vì người học được hỗ trợ. Ông Đôi nói: “Những năm gần đây, trường chúng tôi cũng đã thực hiện đào tạo theo địa chỉ cho những DN trong Khu kinh tế mở Chu Lai bằng hợp đồng ràng buộc giữa 2 bên. Chúng tôi lo tuyển sinh, đào tạo theo yêu cầu của DN, còn DN thì cam kết nhận nguồn lao động đã được chúng tôi đào tạo. Nhờ vậy bây giờ đổi mới thì chúng tôi sẽ thích ứng được, và cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả cơ sở vật chất, con người, giáo trình đào tạo…”.

Hay như Trường Cao đẳng Nghề tỉnh, những năm gần đây đã có mối liên hệ chặt chẽ với một số DN để học viên học nghề được thực tập trên dây chuyền công nghệ hiện đại, cung ứng nguồn lao động. Có thể kể đến như mối liên hệ với Công ty CP Ô tô Chu Lai - Trường Hải, Công ty CCI Việt Nam, Công ty Doosan Vina, Công ty Điện lạnh Đà Nẵng… Ông Nguyễn Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề tỉnh nhìn nhận, so với công nghệ của DN, nhà trường không thể theo kịp để đào tạo phù hợp. Để khắc phục nhược điểm này, nhà trường phải liên hệ chặt chẽ với DN cho học viên đến thực tập, làm quen với dây chuyền công nghệ sản xuất. Nhà trường cũng phải đào tạo nâng cao trình độ liên tục cho đội ngũ giáo viên dạy nghề. Dù còn nhiều hạn chế, và chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi cơ chế mới được áp dụng, nhưng ông Thắng cho biết, nhà trường sẽ nỗ lực để thích ứng trong giai đoạn mới.
Trường tư cũng phải lo

Là một cơ sở có tham gia đào tạo nghề, Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã trải qua một giai đoạn khó khăn khi trong các năm 2014, 2015 không tuyển sinh được người học nghề. Từ đó, nhà trường xác định phải tự tìm hướng đi mới, đó là tự đi tìm DN để ký kết hợp đồng đào tạo và cung ứng lao động. Hiện tại, nhà trường đã có mối liên hệ với 30 DN trong và ngoài tỉnh, cùng DN đào tạo nguồn lao động và giải quyết việc làm cho người lao động. Ông Nguyễn Xuân Bản - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đúng là đào tạo nghề không dễ dàng nếu như không có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tuyển sinh, liên kết với DN để giải quyết việc làm. Là một CSDN trước đây không hưởng ngân sách nhà nước, nhưng cơ chế mới sẽ dành cho cả trường tư là một bước đi rất đúng với thực tế. Đào tạo quan trọng là người học có việc làm, chứ đào tạo bỏ ra đó thì làm sao nâng cao chất lượng dạy nghề được. Tôi cho rằng đây là một cuộc chơi công bằng, đòi hỏi dù công hay tư cũng phải tự đổi mới mình”.

Một câu chuyện đào tạo được ông Trần Ngọc Sơn - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề ASEAN nêu ra khiến nhiều người phải suy ngẫm về chất lượng đào tạo hiện nay. Trường Trung cấp Nghề ASEAN được thành lập vào tháng 5.2015, đến tháng 11.2015 nhận hợp đồng đào tạo công nhân nghề may cho Tập đoàn Dệt may Panko. Lúc mới ký kết hợp đồng, người của tập đoàn này đến tận nhà trường, nhìn xem cơ sở vật chất, máy móc đào tạo như thế nào. Ông Sơn kể: “Họ đến thấy cơ sở cũng được, nhưng máy móc đào tạo ít quá, vì họ đào tạo hàng nghìn lao động chứ không phải vài trăm, lúc đó nhà trường cũng hơi bị choáng vì không nghĩ quy mô đào tạo lớn vậy. Sau đó, Panko chở máy may đến trường để đào tạo, rồi cho cả kỹ thuật đến dạy. Nhà trường cuối cùng chỉ cho mượn chỗ để họ đào tạo, rồi giáo viên của trường cũng chỉ phụ giúp họ chứ không thể là người dạy nghề chính. Từ đó mới thấy, DN họ cần nguồn lao động theo đúng nhu cầu của họ thì mình chưa thể đáp ứng được, cần phải đầu tư, học hỏi nhiều hơn nữa”.

Từ thực tế câu chuyện nêu ra, ông Sơn cho rằng cơ chế mới là hết sức cần thiết, bởi sẽ khắc phục được điểm yếu tồn tại như là điều hiển nhiên lâu nay, CSDN cứ đào tạo theo chỉ tiêu giao để lấy tiền ngân sách đầu tư, nhưng chưa có sự quan tâm xác đáng đến nhu cầu việc làm của người học. Có cơ chế mới, trường công hay tư đều được đối xử bình đẳng với nhau trong thụ hưởng cơ chế, đó là điều cần thiết tạo cú hích mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề của tỉnh.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ