Cơ hội đổi mới đào tạo nghề
Hội thảo “Cơ chế đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ở tỉnh Quảng Nam” do Sở LĐ-TB&XH tổ chức sáng qua 23.6 tại Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải đã đã tập trung tháo gỡ nhiều vấn đề về công tác đào tạo nghề, nhằm tạo bước đột phá trên lĩnh vực này.
“Đấu thầu” tuyển sinh
Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định ngay khi mở đầu hội thảo: Công tác đào tạo nghề phải theo hướng gắn với giải quyết việc làm. Không chỉ các cơ sở dạy nghề (CSDN) mà doanh nghiệp (DN) cũng cần tham gia quá trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm; CSDN cần thay đổi để thích nghi với tình hình mới, đó là đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm...
Nói như một lãnh đạo ở một trường nghề, các trường nghề bắt đầu bước vào thời kỳ “đấu thầu”, tức hiệu quả của việc đào tạo được đánh giá qua tiêu chí học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Từ đó, chỉ tiêu tuyển sinh không phải là yếu tố tiên quyết, mà quan trọng hơn đó là chỉ tiêu để được ngân sách tỉnh đầu tư cho công tác đào tạo trên cơ sở số học viên có việc làm sau học nghề. Vì thế, các trường nghề phải tự lực vận động, liên kết với DN, giúp học sinh, sinh viên của trường sau đào tạo có được việc làm phù hợp. Về vấn đề này, thời gian qua các CSDN cũng đã chủ động liên hệ, tạo mối liên kết với DN. Như Trường CĐ Điện lực Miền Trung (TP.Hội An) hằng năm đều có mối liên kết với các DN trong ngành điện lực, DN ở các khu công nghiệp lớn của cả nước, DN nhỏ và vừa trong và ngoài tỉnh; trong có có 30 DN đã ký kết hợp đồng đào tạo với nhà trường. Nhờ vậy, nhà trường đã giải quyết được việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp khá hiệu quả, với tỷ lệ ở bậc cao đẳng sau 1 năm tốt nghiệp là 77%, bậc trung cấp đạt 65%.
Cung cấp thông tin về nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp cho người lao động là việc làm rất cần thiết góp phần giải quyết việc làm. Ảnh: D.L |
Hay như Trường CĐ Nghề Chu Lai - Trường Hải, vì nhà trường là cơ sở đào tạo gắn với DN nên 100% người học sau học nghề đều được giải quyết việc làm tại chỗ. Ông Phan Tiềm - Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Chu Lai - Trường Hải cho biết: “Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là chủ trương rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay; tránh lãng phí thời gian, tiền của, công sức của cả Nhà nước và nhân dân. Thời gian đến, trong xu thế hội nhập, chất lượng nguồn lao động, sự dịch chuyển lao động sẽ là thách thức đối với các cơ sở đào tạo cả công lập và tư thục. Vì vậy, các cơ sở đào tạo phải thực sự đổi mới mình để tồn tại và phát triển bền vững.
Nhiều thách thức
Đối với các DN, đào tạo là nhiệm vụ thường xuyên để có được đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu của DN. Tuy nhiên, sự phối hợp chặt chẽ với cơ sở dạy nghề vẫn chưa rõ nét. Ông Huỳnh Phước Hai - Trưởng phòng Hành chính - nhân sự (Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An), chia sẻ: “Khi đào tạo đội ngũ nhân sự phục vụ cho lĩnh vực du lịch, các trường nghề nên chú trọng đến chất lượng ngoại ngữ để học viên có thể tiếp cận công việc hiệu quả. Thực tế hiện nay, trình độ ngoại ngữ của đội ngũ nhân lực các trường nghề đào tạo ra còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, yêu cầu về kỹ năng mềm, quỹ thời gian phục vụ du khách, kỹ năng ứng xử, giao tiếp cũng rất cần thiết đối với đội ngũ phục vụ ngành du lịch”. Ông Hai đề xuất các cơ sở dạy nghề cần đổi mới giáo trình dạy học, kiến thức truyền đạt cho người học, học đi đôi với hành để khi ra trường có thể tiếp cận được ngành nghề cũng như đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của DN.
Nhiều ý kiến tại hội thảo quan tâm đến hạn chế trong việc đào tạo gắn với giải quyết việc làm khu vực nông thôn, miền núi. Trong đó, chỉ ra một số nguyên nhân: việc kêu gọi DN đầu tư còn hạn chế dẫn đến ít cơ hội việc làm tại khu vực này; tâm lý người dân miền núi không muốn ly hương tìm việc… Vì thế, cơ chế chính sách khuyến khích DN đầu tư vào khu vực nông thôn, miền núi là rất cần thiết nhằm hỗ trợ tích cực cho việc đào tạo gắn với giải quyết việc làm. |
Trong khi đó, bà Võ Thị Trâm Anh - Trưởng phòng Hỗ trợ DN (Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh) nêu lên thực trạng: Hiện nay thị trường lao động vừa yếu vừa mâu thuẫn, cung cầu mất cân bằng. Nhu cầu của DN ngày càng cao, mà các cơ sở đào tạo không đáp ứng được thì khó nói đến việc đào tạo gắn với giải quyết việc làm. Vì vậy, bà Trâm Anh đề nghị: “Cơ chế mới cần sự vào cuộc từ cơ quan quản lý nhà nước, DN và CSDN. Cơ quan nhà nước cần làm đầu mối tạo sự gắn kết giữa CSDN với DN, qua các hoạt động tư vấn quan hệ DN, thông tin nghề nghiệp, việc làm, tư vấn và giới thiệu việc làm; và ban hành các cơ chế đào tạo phù hợp cho cả CSDN và DN có tham gia dạy nghề. Các CSDN khi xây dựng nội dung, chương trình học cần tham khảo ý kiến DN, tìm hiểu thông tin thị trường lao động để đào tạo đúng với nhu cầu. Các DN cần quan tâm thông báo nhu cầu lao động cho các CSDN để đào tạo đúng, đủ theo yêu cầu, sát cánh cùng với CSDN trong việc tạo điều kiện cho người học nghề được thực tập, thực hành trong dây chuyền máy móc hiện đại của DN”.
Dưới góc độ của CSDN, ông Nguyễn Xuân Bản - Hiệu trưởng Trường CĐ Điện lực Miền Trung, cho biết: “Cần phải có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tạo cơ hội việc làm cho người lao động. Việc phân luồng đào tạo cần được thực hiện ngay; sắp xếp lại mạng lưới đào tạo theo nghề trọng điểm phù hợp thế mạnh từng cơ sở và nhu cầu sử dụng lao động. Và quan trọng là các trường nghề phải đổi mới mạnh mẽ để tham gia cơ chế “đấu thầu”, đặt hàng theo quy định. Về phía tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ không phân biệt công hay tư”. Còn ông Đặng Đôi - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam đề xuất: “Nên chăng tỉnh cần có chính sách phù hợp làm cú hích để kích thích phát triển nguồn nhân lực, chủ yếu là đội ngũ công nhân có tay nghề cao để phục vụ cho ngành nghề mũi nhọn và các dự án trọng điểm của tỉnh”.
DIỄM LỆ