Chỗ dựa của người lao động

DIỄM LỆ 25/05/2016 09:05

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ khi được triển khai đến nay đã trở thành chỗ dựa, góp phần sẻ chia hiệu quả với người lao động (LĐ) khi bị mất việc làm.

Người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.Ảnh: DIỄM LỆ
Người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.Ảnh: DIỄM LỆ

Phòng đăng ký BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh lúc nào cũng đông người. Cùng thời điểm, hơn 10 người đến đăng ký BHTN. Ông Lương Minh Toàn (xã Tam Giang, Núi Thành) đi đăng ký BHTN cho hay, trước khi mất việc làm ông làm việc ở KCN Bắc Chu Lai, do thấy mức lương thấp, không xứng đáng với thời gian cũng như công sức làm việc nên ông xin nghỉ việc để tìm việc làm khác phù hợp hơn. Ông Toàn nói: “Tôi đến trung tâm để đăng ký BHTN và tìm thông tin tuyển dụng mới. Với chúng tôi bây giờ lương, chế độ khi làm việc ở một công ty nào đó là quan trọng nhất để có thể làm việc lâu dài”.

Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có 1.951 người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 526 người từ các tỉnh khác nộp hồ sơ về. Hồ sơ đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng được giải quyết xong là 1.350 người, với số tiền trợ cấp hơn 10,5 tỷ đồng. Một cán bộ phòng BHTN (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh) nói rằng số người đến làm BHTN của tháng 4 và tháng 5 tăng cao hơn đợt đầu năm. Bình quân mỗi ngày có 20 - 30 người đến làm hồ sơ, chưa kể số người đến để nhận quyết định trợ cấp thất nghiệp. Lý do chủ yếu người LĐ muốn tìm việc làm mới tốt hơn, nghỉ việc hẳn để lo cho gia đình. Chỉ có đợt đầu năm 2016, hơn 100 người của Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam mất việc làm với lý do đến từ chủ sử dụng LĐ, đó là do trường không tuyển sinh được học sinh để dạy, nhà trường không thể lo việc làm tiếp tục nên giáo viên phải nghỉ việc. Dù lý do mất việc làm đến từ phía nào, nhưng trước mắt là người LĐ có được một chỗ dựa để yên tâm hơn trong khi tiếp tục đi tìm việc làm mới.

Tranh thủ giờ các con đi học, bà Đinh Thị Hoa (Tam Xuân 1, Núi Thành) và bà Bùi Thị Huệ (Tam Hiệp, Núi Thành) cùng tới Trung tâm Dịch vụ việc làm đăng ký hưởng BHTN. Họ đều là công nhân may của hai công ty ở Núi Thành, do con cái còn nhỏ nên quyết định nghỉ việc ở nhà chăm sóc, đưa đón đi học. Bà Hoa có thời gian đóng BHTN hơn 7 năm, bà Huệ hơn 5 năm. Theo đó, khoản tiền BHTN được hưởng lần này không hề nhỏ đối với những người đang nghỉ việc ở nhà chăm con. Bà Hoa nói: “Hồi mới tham gia BHTN, tôi cũng do dự lắm vì thấy mỗi tháng mình mất thêm một khoản tiền. Nhưng sau khi được tuyên truyền, giải thích cặn kẽ lợi ích của việc tham gia đóng BHTN nên mọi người trong xưởng may đều tham gia. Khoản tiền trợ cấp thất nghiệp cũng tạm đủ để trước mắt trang trải cho cuộc sống”.

Chính sách BHTN khi ứng dụng vào thực tế thời gian đầu chưa nhận được sự đồng thuận cao, nhưng càng về sau càng hữu hiệu nên người LĐ, chủ sử dụng LĐ dần quan tâm hơn, việc thực hiện chính sách thuận tiện hơn. Việc tuyên truyền cho chính sách BHTN được thực hiện thường xuyên ở các điểm tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyên truyền đến chủ sử dụng LĐ và người LĐ. Từ đầu năm 2016 đến hết tháng 5.2016, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tuyên truyền 7 đợt về chính sách BHTN, đưa những nội dung, quy định của chính sách đến với hơn 1.200 người LĐ và chủ sử dụng LĐ. Ông Võ Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, cho biết: “Qua công tác tuyên truyền, người LĐ hiểu về chính sách nên tham gia BHTN ngày càng đông hơn. Đồng thời người LĐ cũng hiểu được nên làm thế này hay nên làm thế khác thì sẽ có lợi hơn cho họ trong khi tham gia vào thị trường LĐ. Chẳng hạn nhiều người khi hiểu về chính sách, họ mất việc làm nên đến làm hồ sơ đề nghị hưởng BHTN. Đến khi họ có việc làm trở lại trong thời gian đang hưởng BHTN, họ đến trung tâm để đề nghị dừng hưởng và được bảo lưu thời gian tham gia BHTN. Qua thực tế như thế chứng tỏ người LĐ đã có sự tìm hiểu kỹ về chính sách, và biết phải làm sao để có lợi hơn cho bản thân”.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ