Chưa thể ban hành cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề

D.LỆ 20/05/2016 07:56

Chiều 19.5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh chủ trì buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH và các sở, ngành liên quan để bàn về chính sách khuyến khích phát triển dạy nghề trên địa bàn tỉnh.

Theo dự thảo do Sở LĐ-TB&XH trình tại cuộc họp, định mức hỗ trợ đào tạo nghề sẽ không có sự phân biệt giữa trường dạy nghề công hay tư, cơ sở đào tạo có thể là các trường nghề hoặc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có tham gia đào tạo nghề. Cơ chế nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người học nghề và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mức kinh phí hỗ trợ đào tạo được trích từ nguồn ngân sách tỉnh và các chương trình, dự án lồng ghép, tùy theo ngành học, bậc học sẽ có sự chênh lệch, với điều kiện kèm theo là đảm bảo tối thiểu 60% người học có việc làm sau đào tạo tại các cơ sở dạy nghề công lập; 80% người học có việc làm sau đào tạo đối với các khóa đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp tại cơ sở dạy nghề không thuộc hệ thống công lập của tỉnh. Đối tượng được hỗ trợ gồm người học nghề, cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Ngoài ra, các đối tượng học nghề thuộc nhóm hộ nghèo, cận nghèo, gia đình người có công, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ, lao động nông thôn, ngư dân sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo theo các mức khác nhau.

Sau khi nghe ý kiến các sở, ngành tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh kết luận, dự thảo cơ chế do Sở LĐ-TB&XH trình chưa thể ban hành được vì còn chưa đảm bảo. Đồng chí Lê Văn Thanh giao Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các ngành rà soát lại toàn bộ các cơ chế đã có của trung ương và tỉnh để soạn thảo đề án với các cơ chế hỗ trợ phù hợp. Sau khi có đề án hoàn chỉnh, UBND tỉnh sẽ tiến hành các bước trình HĐND tỉnh ban hành.

 D.LỆ

D.LỆ